Startup Copycat là những startup học tập lại mô hình của người đi trước, từ ăn theo ý tưởng tới sao chép hoàn toàn, ngày càng phát triển còn đông đảo hơn nhiều.
Nếu bạn đã từng truy cập vào trang Yelp.com, bạn sẽ nhìn thấy giao diện lẫn nội dung của Yelp giống y hệt với một startup về đánh giá địa điểm khá nổi tiếng tại Việt Nam:Foody.vn. Yelp là công ty Mỹ được thành lập năm 2004, và tất nhiên, người sao chép ở đây là Foody.
Foody sao chép gần như toàn bộ hệ thống của Yelp, từ kết cấu, giao diện trang cho tới đường hướng phát triển. Bản thân CEO Foody, Đặng Hoàng Minh cũng từng chia sẻ mong muốn trở thành một “Yelp của Việt Nam”.
Haravan, một startup chuyên xây dựng website bán lẻ phục vụ kinh doanh phát triển rất tốt trong vòng gần 1 năm trở lại đây. Mô hình của Haravan rất mới tại Việt Nam, nhưng lại không mới trên thế giới. Bản thân Haravan không ngần ngại chia sẻ, mô hình của startup này là “clone” (nhân bản) từ Shopify – một mô hình đã thành công ở nước ngoài.
Foody và Haravan đều có điểm chung là những startup lấy ý tưởng của thế giới và mang về Việt Nam. Những cái tên như vậy không hiếm. Có thể kể ra rất nhiều những cái tên như Foodpanda giống với Grubhub, Hotdeal hay Nhóm mua đều học theo Groupon, …
Kết quả không tồi chút nào. Foody, sau 4 vòng gọi vốn thành công, đã gọi được số vốn tới gần 2 triệu USD. Trong khi đó, Haravan, đáp ứng được nhu cầu rất lớn từ những doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ, hiện có 30.000 khách hàng và doanh thu đạt tới điểm hòa vốn.
Khi startup trở thành xu thế và mọi người coi nó như là khởi nguồn của đổi mới và sáng tạo, thực tế là không phải lúc nào sáng tạo cũng là yếu tố tiên quyết.Những startup học tập lại mô hình của người đi trước, từ ăn theo ý tưởng tới sao chép hoàn toàn, còn đông đảo hơn nhiều, đặc biệt là tại những thị trường đang phát triển.
Tại Trung Quốc, nơi quá nổi tiếng với việc sao chép, có đầy đủ tất cả những startup thành công nhất trên thế giới như Zhihu sao chép Quora, Baidu ăn theo Google, Fanfou ăn theo Twitter,…
Ngạc nhiên hơn là Đức, nơi được coi là trung tâm phát triển và đổi mới của châu Âu, các startup copycat cũng mọc lên rầm rộ. Những startup này được thành lập bởi những doanh nhân có tiếng, học lại mô hình của Mỹ và được bản địa hóa để phù hợp với nhu cầu người dùng hơn. Kết quả là các startup này giành chiến thắng trên sân nhà. Rocket Internet là một công ty chuyên đi đầu tư cho những startup như vậy. Tại Việt Nam, sự hiện diện của Rocket Internet thể hiện qua Lazada, Zalora hay Easy Taxi.
Điểm thú vị là dường như, những startup sao chép lại “được lòng” các quỹ đầu tư hơn.
Nguyễn Hoàng Trung, CEO Lozi, một startup về đánh giá địa điểm ăn uống tương tự Foody cho biết, anh đã từng gặp rất nhiều các nhà đầu tư và nhận được câu hỏi: “Thế cuối cùng thì mô hình của anh giống với mô hình nào trên thế giới không?”
“Các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm đồng tiền của mình vào những ý tưởng mới tinh từ các startup Việt Nam. Họ muốn một mô hình an toàn hơn, đã được kiểm định trên thế giới”, Trung chia sẻ.
Theo ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập của Seedcom (công ty đầu tư cho Haravan), việc một startup tại Việt Nam đi học tập mô hình của nước ngoài không có gì là lạ. Nếu một startup tại Việt Nam nhìn ra nhu cầu của thị trường và áp dụng đúng mô hình thôi, thì đã có cơ hội thành công lớn. Học hỏi những mô hình trên thế giới là con đường nhanh nhất và tiết kiệm nhất.
“Những startup trên thế giới đã tốn rất nhiều năm để làm và sửa sai, mình có cơ hội thừa hưởng và học hỏi được những bài học của họ là quá tốt rồi. Nếu startup tại Việt Nam cứ tự thích xây dựng cái mới, thử nghiệm và sửa sai thì sẽ tốn thời gian hơn, rủi ro cũng cao hơn”, ông Huân nhận định.
Quay trở lại với Rocket Internet của nước Đức. Công ty này có hàng tá các startup sao chép. Easy Taxi thống trị ở Mỹ Latinh hoạt động tương tự Uber, Wimdu cung cấp dịch vụ tương tự Airbnb, Payleven ăn theo Square và phát triển tại châu Âu, Zalando thì tương tự Zappos và nay đang thống trị hệ thống bán lẻ thời trang online. MyVideo, được xây dựng giống với Youtube.
Rocket Internet tìm kiếm và đầu tư cho những cái tên ăn theo kể trên. Trong trang giới thiệu về mình, bạn không thể tìm thấy chữ startup nào liên quan tới Rocket Internet. Nhu cầu phát triển startup không liên quan gì tới công ty này. Họ chỉ đơn thuần tìm kiếm cách nhân bản những cái mới của thế giới sang các thị trường mới nổi.
“Mục tiêu của Rocket Internet là trở thành nền tảng Internet lớn nhất tại các khu vực ngoài Mỹ và Trung Quốc”, công ty này cho biết.
Việc chọn lọc trên giúp Rocket Internet giảm thiểu tối đa những startup có khả năng thất bại. Cách tiếp cận này hoàn toàn khác với quỹ đầu tư Mỹ, khi sẵn sàng chấp nhận những rủi ro để mong thu về những thành công lớn.
Vậy những startup copycat có được coi là sáng tạo hay không? Sự khác biệt có thể là không lớn. Dù sao, chẳng có ý tưởng nào là hoàn toàn sáng tạo. Và thế giới cũng đã chứng kiến những bản sao thành công vượt qua cả bản chính.
Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra khi tới một ngày, các quỹ đầu tư ở thung lũng Silicon cũng học hỏi Rocket Internet?