Người tiêu dùng trong nước đang chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động mua bán trên nền tảng di động, đây cũng là lý do mà các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động tiếp thị trên nền tảng di động và truyền thông mạng xã hội nhằm đạt hiệu quả trong việc kinh doanh trực tuyến.
Tại sự kiện Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2017 (Vietnam Online Marketing Forum – VOMF) diễn ra ở Hà Nội hôm 17-8 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Thanh Hưng cho biết một trong những cách thức tiếp thị hữu hiệu đến khách hàng hiện nay là doanh nghiệp phải sở hữu một trang web (đa nền tảng) kết hợp với hoạt động truyền thông mạng xã hội. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp làm lan tỏa các thông điệp của mình và nuôi dưỡng mối quan hệ với một lượng lớn khách hàng.
Xu hướng chi tiêu qua nền tảng di động
Người tiêu dùng Việt Nam đang là nhóm người tiêu dùng siêu kết nối khi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh lên đến 78%, đồng thời đứng thứ 5 trên thế giới về mức độ lạc quan trong cuộc sống và họ cũng sẵn sàng mua sắm nhiều hơn. Đây là một trong những nội dung được bà Nguyễn Thu Thủy, nhà quản lý cấp cao về người tiêu dùng của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trình bày tại VOMF 2017. Diễn giả này nhận xét tâm lý của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Nếu vào năm 2009, tỷ lệ người sử dụng Internet ở khu vực Đông Nam Á là 12,6% thì đến 2030, ước tính con số này sẽ là 45% và Đông Nam Á cũng là khu vực nằm trong nhóm thị trường có người tiêu dùng lạc quan nhất thế giới.
Cũng theo cuộc nghiên cứu của Nielsen, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam (tính đến quý 4-2016) là 112 điểm. Đáng chú ý là người tiêu dùng trong nước bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng cao cấp hơn như xe hơi, điện thoại thông minh khi các loại hàng hóa này đều có mức tăng trưởng từ hai con số trở lên. Ngoài ra, tỷ lệ người đi du lịch nội địa cũng tăng nhanh.
Xu hướng mới là tiêu dùng “thông minh”, khi 82% số người tham gia cuộc khảo sát nói với Nielsen rằng họ lên kế hoạch chi tiêu và tiếp cận nhanh với các xu hướng mua sắm trên thị trường. Đồng thời, họ gia tăng các hoạt động trực tuyến trên mạng xã hội về các chủ đề giúp mang lại giá trị trong cuộc sống.
Nielsen cũng đề cập đến một khái niệm mới là “người tiêu dùng kết nối”. Nhóm người này được định nghĩa là những người có kết nối Internet và sẵn sàng chi tiêu. Họ sẵn sàng mua những món hàng hoặc dịch vụ để làm hài lòng bản thân và chăm lo hơn cho bản thân mình. Theo nhà nghiên cứu thị trường, lớp người tiêu dùng kết nối hiện nay nhiều hơn và gia tăng rất nhanh. Năm 2017 đã có 23 triệu người tiêu dùng kết nối với tổng mức chi tiêu là 50 tỉ đô la và đóng góp khoảng 37% vào doanh thu của ngành bán lẻ. Dự tính đến năm 2025, các con số tương ứng sẽ là 40 triệu người, mức chi tiêu tăng gấp đôi và mức đóng góp cho doanh thu bán lẻ có thể tăng thêm 10 điểm phần trăm. Người tiêu dùng Việt Nam có thời gian sử dụng Internet ngày càng nhiều hơn. Năm 2014, trung bình một tuần người Việt sử dụng Internet khoảng 14,8 giờ. Sau hai năm, vào năm 2016, con số này là 24 giờ.
Một điều đáng lưu ý là người tiêu dùng ở nông thôn cũng có tỷ lệ kết nối Internet cao, thông qua việc số lượng người sử dụng Facebook xấp xỉ với lượng người sử dụng Facebook ở các thành phố lớn, với hai loại thiết bị chính là điện thoại thông minh và máy tính.
Tầm quan trọng của truyền thông xã hội
Ông Nguyễn Thanh Hưng dẫn chứng từ bản báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017 (do đơn vị này thực hiện) rằng trong năm 2016 mạng xã hội đã vượt qua công cụ tìm kiếm để trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất, với các tỷ lệ tương ứng là 47% và 41%. Bên cạnh đó, thư điện tử (e-mail) vẫn tiếp tục là kênh quảng cáo được nhiều doanh nghiệp quan tâm (36%). Nhìn chung, mạng xã hội không những được sử dụng nhiều nhất mà còn được coi là kênh quảng cáo có hiệu quả nhất hiện nay. 46% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của VECOM cho biết quảng cáo trên mạng xã hội đạt tính hiệu quả cao, trong khi tỷ lệ này với công cụ tìm kiếm là 44%.
Mặc dù việc quảng cáo qua mạng xã hội được cho là giải pháp hữu hiệu, tuy nhiên, việc chỉ sử dụng một kênh tiếp thị trực tuyến có thể không bảo đảm được thành công cho doanh nghiệp. Trong phần trao đổi ý kiến tại sự kiện VOMF 2017, ông Nguyễn Thanh Hưng nói rằng để hoạt động kinh doanh trực tuyến có hiệu quả, doanh nghiệp cần sở hữu một trang web kết hợp với việc hiện diện trên mạng xã hội để làm lan tỏa các thông điệp của mình và xây dựng, nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng. Trong khi trang web đóng vai trò trung tâm của mọi hoạt động truyền thông thương hiệu, thì mạng xã hội được sử dụng để hỗ trợ gia tăng tính tương tác và điều hướng khách hàng trở lại trang web.
Theo một cuộc khảo sát do RedShift Research và GoDaddy thực hiện, 59% số doanh nghiệp sở hữu trang web riêng cho biết chuyện kinh doanh của họ phát triển hơn kể từ khi xây dựng trang web đó. Một cuộc khảo sát độc lập khác với sự tham gia của các khách hàng cá nhân mua sắm trực tuyến chỉ ra rằng, có 67% số khách hàng chọn trang web hay phần mềm ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem những lời bình luận, đánh giá trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội.
Khác với các trang mạng xã hội, trang web của doanh nghiệp phản ánh rõ nét thương hiệu ngay trong chính thiết kế, giao diện người sử dụng và thông điệp truyền tải. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng kết hợp cả hai kênh này để thu hút khách hàng mục tiêu và cũng nhằm gia tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh thương trường ngày càng khốc liệt.
Ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc chi nhánh phía Nam của Công ty P.A Việt Nam – một nhà đăng ký tên miền ở Việt Nam, cho rằng việc chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên doanh nghiệp cần ưu tiên để xây dựng một sự hiện diện trực tuyến có uy tín và thành công. Việc sử dụng những phần mềm, tính năng hữu ích và ổn định sẽ giúp tên miền (trang web) của doanh nghiệp có thêm sự tín nhiệm của người mua sắm.
Các chuyên gia thương mại điện tử khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tên miền .com vì đây là tên miền tiêu chuẩn hàng đầu, được công nhận trên toàn thế giới cho hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp.
Trào lưu mới về bán hàng qua mạng
Nhờ sự bùng nổ của công nghệ viễn thông 4G và mạng xã hội Facebook, trào lưu bán hàng qua các tính năng live stream hoặc streaming (một phương thức bán hàng trực tuyến qua các đoạn video được truyền tải trực tiếp trên Internet) đang phát triển mạnh mẽ và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong hai năm tới. Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng phương thức này sẽ hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhất là khi trào lưu mua sắm nhanh trên mạng (instant shopping) bắt đầu vào thời kỳ bùng nổ.
Tại nước ngoài, đơn cử là Trung Quốc, việc bán hàng theo kiểu nói trên đã được tổ chức một cách chuyên nghiệp. Các nhà bán lẻ trên mạng xã hội thường xuyên đưa lên các đoạn video được ghi hình tại trường quay, có sự tham gia của các người mẫu và đã trở thành một hình thức thu hút đông đảo sự chú ý của cư dân mạng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Theo sự đánh giá của VECOM, từ năm 2016 thương mại điện tử ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển này tiếp tục gặp một số trở ngại, bao gồm lòng tin của người tiêu dùng còn thấp, các dịch vụ thanh toán, tiếp thị trực tuyến và chuyển phát chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Mạng xã hội không những được sử dụng nhiều nhất mà còn được coi là kênh quảng cáo có hiệu quả tương đương với công cụ tìm kiếm, 46% doanh nghiệp cho biết quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao trong khi tỷ lệ này với công cụ tìm kiếm là 44%.
Đáng chú ý là yếu tố tác động tới quyết định sẽ mua sắm trực tuyến vẫn là sự giới thiệu của bạn bè và người thân (47%), trong khi các mẩu quảng cáo trên báo điện tử, báo giấy và ti vi chỉ đứng thứ ba (33%).
Tuy nhiên, còn tới 17% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết chưa triển khai bất kỳ hoạt động quảng cáo trực tuyến nào.
Theo VECOM, doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến vẫn trên đà tăng trưởng mạnh. Ngoài các doanh nghiệp, đông đảo người kinh doanh là những hộ và cá nhân đã khai thác lợi thế của phương thức bán hàng trực tuyến. Thành phần này đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của quảng cáo trên các mạng xã hội.
Bên cạnh những hãng quảng cáo trực tuyến khổng lồ thống trị thị trường thế giới như Google hay Facebook, một số công ty quảng cáo nước ngoài đã chú ý tới tiềm năng to lớn của thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam. Trong đó, một số công ty trong lĩnh vực tiếp thị liên kết (affiliate marketing) và tiếp thị tự động (programmatic marketing) đã hiện diện hoặc có những hoạt động thâm nhập thị trường.
N. Ánh
Ánh Kim | Theo thesaigontimes.vn