Phong trào khởi nghiệp đã và đang lan tỏa, được tiếp sức bởi hàng loạt quỹ hỗ trợ, “nhà đầu tư thiên thần”… Thế nhưng không phải dự án khởi nghiệp nào cũng có thể được nhận hỗ trợ.
Để khởi nghiệp thành công, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) uy tín trên thị trường đã nhấn mạnh vai trò quản trị nhân sự, biết cách giới thiệu các ý tưởng, sự dìu dắt của những DN đi trước đối với thế hệ DN đi sau, từ đó góp phần tạo nên một “hệ sinh thái” khởi nghiệp bền vững.
Thoải mái “bung lụa”
Nhận định về nguy cơ bị ăn cắp ý tưởng trong quá trình kinh doanh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thành công đến từ nhiều yếu tố và ý tưởng chỉ là một trong số đó. Chính vì vậy, lãnh đạo các dự án khởi nghiệp (startup) cứ thoải mái “bung lụa”, hãy trình bày ý tưởng của mình cho các quỹ đầu tư hiểu rõ. Trên thế giới đã chỉ ra, đối với các startup thành công, ngoài yếu tố ý tưởng hay, hấp dẫn thì việc startup sẵn sàng chấp nhận phản biện từ các chuyên gia cũng tạo thành công bước đầu. Theo các DN tên tuổi, phản biện càng nhiều, khả năng thành công càng cao. Ngược lại ở nước ta, startup thường ngại phản biện; không muốn chia sẻ thông tin vì sợ bị lộ ý tưởng. Đây là điều không nên.
Ông Phạm Duy Hiếu, CEO Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam, nói, muốn khởi nghiệp thành công, các startup phải chiến thắng được nỗi sợ hãi của bản thân. Các bạn trẻ có tâm thái tìm một DN, đơn vị nào đó để làm thuê, để người ta nuôi mình; thay vì tìm một công việc để kinh doanh, có thể nuôi mình và nuôi người khác. Ông Hiếu đã từng chứng kiến một startup kinh doanh hiệu quả, thuận lợi từ ngày đầu khởi nghiệp. Lãnh đạo startup này đã tìm đến một nhà đầu tư thiên thần gọi vốn, nhưng bị từ chối với lý do các lãnh đạo startup chưa từng cãi nhau.
Đúng như phán đoán của nhà đầu tư, 3 năm sau ngày gọi vốn, startup này bắt đầu khẳng định tên tuổi cũng là lúc xảy ra chia rẽ nội bộ, dẫn tới startup tan rã. Lúc này chỉ còn 2 người chủ chốt của startup tìm đến nhà đầu tư thiên thần nọ để cầu cứu và nhận được sự đầu tư. Tính tới thời điểm này startup nêu trên đang phát triển tốt, là một DN tên tuổi. “Từ dẫn chứng trên, tôi muốn khẳng định rằng quản trị nhân sự và thái độ kinh doanh là yếu tố quan trọng giúp startup thành công. Ngoài ra, cộng đồng DN cũng cần chuyển từ tư duy đối đầu sang tư duy hợp tác; DN lớn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ DN nhỏ bắt đầu khởi nghiệp; từ đó hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, thành công”, ông Phạm Duy Hiếu khuyến nghị. Song song đó, ông Tạ Minh Tuấn, Giám đốc Help International, Forbes under 30, cũng khuyến cáo các startup cần khởi nghiệp xuất phát từ cái tâm trong sáng, mong muốn được phục vụ mọi người. Vì DN càng trẻ càng dễ thất bại nếu kinh doanh thiếu lành mạnh, chạy theo lợi nhuận, bất chấp tất cả…
Nhiều “vườn ươm” nâng đỡ khởi nghiệp
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, startup Việt Nam khi trình bày ý tưởng, tính khả thi của hoạt động kinh doanh… còn khá chủ quan; nên thiếu sức hút các nhà đầu tư thiên thần. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam có nhiều quỹ hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, startup, nhưng để hỗ trợ hiệu quả thì cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, hệ thống pháp lý minh bạch. Chúng ta rất cần đầu mối liên kết giữa các đơn vị thực hiện với cơ quan chức năng chuyên trách. Hiện tại, VCCI đang tổ chức, kêu gọi thành lập một mạng lưới kết nối (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học Việt Nam…) hỗ trợ DN khởi nghiệp. Phấn đấu hướng tới mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, thu hút sự quan tâm đầu tư của các DN thuộc những quốc gia phát triển.
Tính riêng địa bàn TPHCM đang có hàng loạt “vườn ươm” hỗ trợ thiết thực cho các startup. Thông tin về vấn đề này, ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch Câu lạc bộ ươm tạo DN TPHCM, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ phần mềm Quang Trung, Tổng thư ký Hội tin học TPHCM dẫn chứng, TPHCM đã có quỹ hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án cho các DN khởi nghiệp sáng tạo đổi mới. Trong một số đợt đầu sẽ xét duyệt và giải ngân ở mức 800 triệu đồng/dự án (tùy từng ý tưởng, giải pháp mà số tiền nhận được sẽ khác nhau). Nguồn vốn không được giải ngân trực tiếp cho các nhóm mà thông qua các vườn ươm, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.
Vườn ươm sẽ trở thành một cổ đông của DN mới này. Số vốn được duyệt sẽ giải ngân trước 50%, sau 1 năm sẽ đánh giá lại hoạt động; nếu hiệu quả thì sẽ được cấp tiếp 50% còn lại. DN này tiếp tục hoạt động trong 2 năm, sau đó được chào bán cho các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư. Khi bán được vườn ươm sẽ thoái vốn khỏi DN ươm tạo. Mục đích thoái vốn nhằm tái đầu tư cho DN khác. Nếu lãnh đạo DN không muốn bán công ty mình thì sẽ mua lại phần vốn đã đầu tư theo giá thỏa thuận với vườn ươm. Đối với các DN đã thành lập muốn tham dự chương trình cần đáp ứng điều kiện có thời gian không quá 5 năm kể từ ngày thành lập. Vườn ươm ngoài việc hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp còn đóng vài trò cầu nối, cũng là người cùng đi tìm đối tác để chào bán DN. Khoảng đầu tháng 12-2016 này khi quy chế hỗ trợ được UBND TPHCM thông qua, các startup có thể bắt đầu tham dự chương trình bằng cách trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM hoặc qua các vườn ươm, trung tâm ươm tạo. Hội đồng thẩm định sẽ xem xét, chấm điểm và phê duyệt các dự án, ý tưởng khả thi để đưa vào danh sách hỗ trợ.
THI HỒNG | Theo Sài Gòn Giải Phóng