Công ty startup cung cấp người giúp việc của Phan Hồng Minh hiện có 60.000 khách hàng, 3.000 nhân viên với mức lương tháng 5-6 triệu đồng.
- CEO Startup Jupviec.vn: Sẽ chỉ làm việc đáng làm
- Khởi nghiệp thành công làm thay đổi mô hình giúp việc
Khởi nghiệp ở lĩnh vực được cho là “kém sang”, nhưng Phan Hồng Minh vẫn quyết tâm đưa JupViec trở thành doanh nghiệp đầu tiên chuyên nghiệp hóa mô hình giúp việc nhà tại Việt Nam và thay đổi quan niệm của xã hội về nghề này.
Tuyển 10 người, chỉ 5 người đạt tiêu chuẩn
Phan Hồng Minh là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương và từng sang Anh học Thạc sĩ Kinh tế. Anh có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phân phối, quản lý dự án và quản lý vận hành tại tập đoàn đa quốc gia và công ty lớn trong nước. Ở tuổi 36, Phan Hồng Minh quyết định bỏ công việc ổn định với mức lương hậu hĩnh để sáng lập công ty chuyên đào tạo, cho thuê người giúp việc.
Năm 2012, nhận thấy nhu cầu thị trường về giúp việc gia đình lớn, đồng thời có một lượng lớn người thất nghiệp, đặc biệt là phụ nữ, anh Minh nghĩ cần phải có một công cụ giúp kết nối hai nhu cầu này lại với nhau. Tuy nhiên khi bắt đầu, không ít người nói anh “điên”.
Ý tưởng có nhưng việc thực thi không hề dễ. Khi mới thành lập, JupViec không có vốn, nhân sự lại mỏng. Để tiết kiệm chi phí, bản thân Phan Hồng Minh và các thành viên trong công ty phải đi phát tờ rơi ở các chung cư vào buổi tối để tìm khách hàng.
Khó khăn tiếp theo chính là tìm được người giúp việc đáp ứng được yêu cầu của công ty. Anh cho biết: “Tôi phải đến từng ngõ ngách, phòng trọ để chiêu mộ người giúp việc và lên chương trình đào tạo cơ bản cho họ. Tuy nhiên số lượng người lao động đạt được tiêu chuẩn rất ít. Hầu hết họ đến từ nông thôn và không quen với việc phải cung cấp giấy tờ rõ ràng, khám sức khỏe hay tham gia các khóa đào tạo của công ty”.
Phan Hồng Minh nhớ lại khó khăn lớn nhất anh phải đối mặt là người lao động, sau khi được đào tạo các kỹ năng cơ bản như sử dụng thiết bị điện gia dụng, nấu ăn, chăm sóc em bé, người già, kiến thức phòng cháy nổ…, thì cùng với chủ nhà tự hủy hợp đồng với công ty để ra làm riêng.
“Chúng tôi tuyển 10 người thì chỉ 5 người đạt sau khi đào tạo. Vì vậy khi người lao động ra làm riêng với khách hàng, công ty thiệt hại không nhỏ. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn rủi ro với khách hàng. Đã có trường hợp khách hàng và người giúp việc tự thỏa thuận với nhau và hủy hợp đồng tại công ty. Một thời gian ngắn sau, khách hàng phải tìm đến chúng tôi nhờ cung cấp nhân thân người giúp việc vì bị mất trộm”, CEO JupViec chia sẻ.
Vài tháng sau khi thành lập, JupViec kết nối được 50 người giúp việc với 500 khách hàng tại Hà Nội, một con số còn khá khiêm tốn. Sau nhiều nỗ lực, số khách hàng hiện đã được nâng lên khoảng 60.000 và số lao động cũng tăng lên 3.000 tại 8 tỉnh và thành phố: Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương.
‘Giúp việc là nghề như nhân viên văn phòng’
Theo Phan Hồng Minh, giúp việc là một nghề đáng được coi trọng như bao nghề khác vì nó giúp cho nhiều phụ nữ có mức thu nhập tương đối tốt so với các công việc lao động giản đơn khác. Đồng thời nghề giúp việc hiện nay cũng được đối xử như một nhân viên văn phòng chứ không phải kẻ “ở đợ” như định kiến xưa.
“Quan trọng là đưa ra giải pháp, xây dựng được dịch vụ tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Còn muốn thay đổi định kiến xã hội thì trước hết phải xây dựng được văn hóa và con người. Doanh nghiệp có văn hóa tốt thì sẽ có dịch vụ tốt và giải được mọi bài toán khó”, Phan Hồng Minh quả quyết.
Lợi thế của JupViec là công nghệ giúp tạo sự chuyên nghiệp và khác biệt so với mô hình truyền thống. CEO JupViec đã ứng dụng công nghệ vào việc quản lý con người với số lượng lớn. Cụ thể, mỗi nhân công đều phải có smart phone để làm việc, chấm công. Đồng thời công ty sẽ theo dõi việc đánh giá của khách hàng bằng hệ thống máy tính, báo cáo để đảm bảo chất lượng.
Đội ngũ giúp việc của công ty anh hiện chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi 25 – 50, có thu nhập ổn định 5 – 6 triệu/tháng, với thời gian làm việc 6 – 7 giờ/ngày. Ngoài cung cấp giúp việc theo giờ, full time, ở lại nhà, công ty anh còn có các dịch vụ chăm sóc gia đình như: spa tại nhà, giặt sopha, đệm, sửa chữa điện nước…
Tốc độ tăng trưởng hơn 100% mỗi năm
Với định hướng kinh doanh rõ ràng, nhất là đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, có hệ thống quản lý và hỗ trợ từ xa, cuối năm 2015, JupViec đã nhận được dòng vốn từ Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures của Nhật Bản.
Tháng 6/2018, Jupviec là một trong số ít những dự án tại Việt Nam được quỹ đầu tư Mỹ Patamar Capital quyết định rót vốn đầu tư. Mô hình giúp việc dựa trên nền tảng kết nối nhu cầu của những người giúp việc với các gia đình trên ứng dụng trên điện thoại di động đã giúp công ty gây được ấn tượng với nhà đầu tư.
CEO Phan Hồng Minh cho hay nguồn vốn đầu tư sẽ được công ty sử dụng vào việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo người lao động. Không tiết lộ mức doanh thu cụ thể nhưng Phan Hồng Minh cho biết công ty đạt tốc độ tăng trưởng nóng hơn 100% mỗi năm.
Anh hồ hởi khoe hơn 40% số lượng khách thời gian qua tìm đến công ty là qua giới thiệu từ những khách hàng đã sử dụng dịch vụ. Đồng thời khâu tuyển dụng của công ty cũng không gặp khó khăn như trước khi nhiều người lao động rỉ tai nhau giới thiệu người quen đến làm việc.
“Điều này đã giúp công ty tăng trưởng mạnh mẽ và quan trọng là đem lại công việc ổn định cho các phụ nữ không có điều kiện được học hành”, Phan Hồng Minh không giấu được sự phấn khởi.
Theo Ngôi Sao
Bài khác nên xem: