Khởi nghiệp trẻ – Theo những nghiên cứu và khảo sát của mạng việc làm Jobstreet.com về thị trường tuyển dụng Việt Nam trong giai đoạn từ quý IV/2015 đến nay, cả doanh nghiệp và người lao động cần chú ý đến xu hướng tuyển dụng đang thống trị thị trường, được gọi là xu hướng 4M (Monitoring, Mobile, Multi-Tasking và Matching).
Đừng quá chú trọng bằng cấp trong tuyển dụng / Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma bàn về tuyển dụng và dùng người
Theo ông Jake Andrew – Giám đốc sản phẩm của SEEK Asia (công ty mẹ của JobStreet), “cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng nên tìm hiểu để nắm bắt và tận dụng tất cả ưu thế của các xu hướng này”.
Monitoring (Theo dõi)
Theo một nghiên cứu trên các ứng viên đã chuyển việc do Jobstreet thực hiện vào quý IV/2015, những ứng viên năng động (có ứng tuyển cho những việc làm mới trong 6 tháng gần nhất) chiếm 58% số lượng ứng viên của toàn thị trường, tương đương với việc có đến 42% ứng viên thụ động – những người không ứng tuyển việc làm mới trong 6 tháng gần nhất.
Nghiên cứu cho thấy, ứng viên thụ động ngày nay theo dõi thị trường kỹ hơn để tìm kiếm những công việc tiềm năng thông qua việc theo dõi “nhất cử, nhất động” của thị trường. Do đó, trong chiến lược chiêu mộ nhân tài, nhà tuyển dụng cần chú trọng tiếp cận các ứng viên thụ động này.
Mobile (Di động)
Theo thống kê của We Are Social vào đầu năm 2016, ở Việt Nam đang có trên 47 triệu người sử dụng internet. Trong đó, 84% sử dụng điện thoại thông minh (gần 40 triệu người) với thời gian sử dụng trung bình vào khoảng 2,5 giờ/ngày. Điều này cho thấy hơn 2/5 dân số Việt Nam đang phụ thuộc vào thiết bị di động để tìm kiếm thông tin, phục vụ giải trí và cả tìm việc. Vì vậy, những mẩu tin tuyển dụng thân thiện với thiết bị di động, thậm chí là các ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm việc làm dành riêng cho dòng sản phẩm này là rất cần thiết.
Multi-task (Đa nhiệm)
Nhu cầu tuyển dụng nhân tài nhiều hơn và nhanh hơn của doanh nghiệp đòi hỏi các chuyên viên quản lý nhân sự phải đa nhiệm hơn, phải vừa làm công tác chọn lọc hồ sơ, vừa tư vấn, đánh giá ứng viên… nhằm tìm kiếm được nhân tài phù hợp nhất với nhu cầu của doanh nghiệp.
Matching (Kết nối ứng viên phù hợp)
Dù các ứng viên thụ động đang tích cực hơn khi thường xuyên theo dõi việc làm phù hợp, đối tượng này đang tỏ ra khó tính hơn trong quyết định ứng tuyển. Văn hóa doanh nghiệp, danh tiếng trong quản lý và việc theo đuổi con đường sự nghiệp rõ ràng hơn là những tác nhân khiến những ứng viên này mất nhiều thời gian hơn trong việc ra quyết định chuyển việc. Nhà tuyển dụng cần nắm bắt rõ những nhu cầu cũng như mục tiêu của những ứng viên tiềm năng này để tăng thêm cơ hội tìm được người tài.
Bích Trâm / Theo Doanh Nhân Sài Gòn