Phong trào khởi nghiệp kinh doanh đang được khuyến khích mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng như vậy không có nghĩa cứ khởi nghiệp là sẽ thành công.
Khơi thông vốn cho startup
Tại buổi Tọa đàm về chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) tổ chức nhân sự kiện TechFest 2016 vừa qua, câu chuyện về việc gọi vốn, trả lương của startup Lozi – ứng dụng chia sẻ món ăn, được bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Vietnam Silicon Valley (VSV) đề cập đã khiến khán giả bất ngờ và ngưỡng mộ.
Được sáng lập bởi 5 chàng trai sinh năm 1992, Lozi đã sớm thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư cho các dự án startup. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm quyết định trình bày với nhà đầu tư về dự án của nhóm, các nhà sáng lập (founder) mặt… tái mét và thông báo “sập rồi”.
Nguyên nhân là bởi không còn tiền để thuê server, trong khi quá nhiều người truy cập và tải ứng dụng đã khiến server của Lozi bị “sập”. Tuy vậy, các nhà sáng lập của Lozi lập tức trấn an Chủ nhiệm VSV rằng, sẽ giải quyết chỉ trong 15 phút, bởi Lozi có tới 35 nhân viên khác đang túc trực.
Điều này khiến bà Thạch Lê Anh thắc mắc về nguồn tiền trả lương cho những người này, bởi các nhà sáng lập này cho biết, mức lương trung bình hàng tháng mà Lozi trả cho nhân viên là 3,5 triệu đồng/người.
Bài toán dòng tiền đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đã không đơn giản, nhưng với các startup lại càng khó khăn hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, những tư tưởng mới trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến sẽ góp phần khơi thông vốn cho các startup.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, các dự án khởi nghiệp rủi ro rất lớn. Theo quy định trước đây, đưa tiền nhà nước vào các dự án rủi ro là vi phạm Luật Ngân sách, sau đó là Bộ luật Hình sự do làm thất thoát tiền của Nhà nước, trong khi mấy chục doanh nghiệp, dự án mới có một dự án thành công.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được thông qua sẽ có quy định Nhà nước được tham gia vào các dự án này, nếu dự án khởi nghiệp không thành công thì người quản lý những phần vốn nhà nước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Vốn nhà nước chỉ là vốn mồi, sau đó sẽ huy động vốn từ xã hội, cộng đồng”, ông Tùng nói.
Cũng theo đánh giá của ông Tùng, với các chính sách thuế cho hoạt động khởi nghiệp như đánh giá tổng thể vào các dự án đầu tư chứ không đánh thuế trên một dự án thành công, mà cần đánh giá ngay trên những dự án thất bại, hay việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, sau khi thành công được chuyển tiền ra nước ngoài, sẽ góp phần thu hút nguồn vốn, tháo gỡ những khó khăn cho các startup khi bước đầu lập nghiệp.
Đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào con người
Quay trở lại với câu chuyện của Lozi, các nhà sáng lập này đã giải bài toán về vốn, chi phí ban đầu bằng cách chỉ trả lương cho 20% nhân viên làm việc tốt nhất từng tháng, và cũng chỉ trả lương khi có tiền.
Bà Thạch Lê Anh lý giải, để thu hút các bạn trẻ, hầu hết là sinh viên cùng tham gia vào dự án Lozi, điều quan trọng nhất là người lãnh đạo nhóm (leader) phải truyền tải niềm đam mê với ý tưởng của mình cho những người khác. Nếu thiếu sự đam mê thì đừng khởi nghiệp, vì sẽ cầm chắc thất bại, bởi khởi nghiệp là vấn đề rất khó.
Bà Thạch Lê Anh đánh giá, ý tưởng của Lozi không quá xuất sắc, bởi lúc đó ứng dụng Foody đã ra đời, nhưng điều khiến bà nghĩ có thể giúp sức các nhà sáng lập Lozi tiếp cận thị trường một cách khác chính là từ sự quyết tâm của các nhà sáng lập.
“Đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào con người, chứ không chỉ sản phẩm dịch vụ. Sự quyết tâm của nhà sáng lập mới là yếu tố quan trọng nhất để các startup gọi vốn. Lozi đã không chỉ còn là đi tìm món ăn, mà đã trở thành xu hướng dùng của giới trẻ, chuyển sang thời trang và nhiều thứ khác”, Chủ nhiệm Đề án VSV nói.
Thành Trang | Theo Báo Đầu Tư