Khi chỉ “buôn bán cho vui” thời sinh viên, Trần Anh Tuấn thu về được cả trăm triệu mỗi tháng. Nhưng khi mở chuỗi cửa hàng balo, túi xách Mia, việc kinh doanh vướng 2 bài toán khó nhằn về nguồn cung và quản trị nhân sự. Đã thuê hẳn chuyên gia nhân sự về đào tạo, nhưng nhiều nhân viên không thể nào thích ứng được với những thay đổi mới nên 1/3 nhân sự đã đệ đơn xin nghỉ…
Khởi nghiệp từ thời sinh viên, với vài ba cái balo “mua đi bán lại”. Chỉ sau 5 năm, Trần Anh Tuấn đã có trong tay chuỗi 20 cửa hàng kinh doanh balo, vali, túi xách.
Sinh năm 1985, Trần Anh Tuấn theo học ngành Kiến trúc – Công trình tại Đại Học Văn Lang (TPHCM) sau khi bỏ ngang ĐH Yersin Đà Lạt. Cuối năm 2009, khi đang là sinh viên năm thứ 2, Tuấn theo chân một người anh chuyên buôn bán giày dép, bắt đầu tập tành kinh doanh bằng công việc bán balo, túi xách.
“Năm đầu tiên bước vào kinh doanh balo – túi xách, tôi thuê một ngôi nhà trong hẻm giá rẻ để vừa bán online vừa đỡ tiền thuê nhà. Tôi quyết theo một hướng mới: Balo, túi xách phải bảo hành trọn đời cho người dùng. Cho dù khách làm đứt một sợi chỉ, khoá bị hư, tôi cũng bảo hành”.
“Chạy chiếc xe Vespa cổ cọc cạch của ông anh, tôi lấy từng chiếc balo túi một về châm hàng để lấy công làm lời để tiết kiệm chi phí” – Tuấn kể về những ngày đầu khởi nghiệp.
Với mục đích ban đầu chỉ “buôn bán cho vui”, kiếm lợi nhuận để đóng học phí hoặc chi tiêu cho các sở thích cá nhân. Sau 2-3 năm “mua đi bán lại”, cửa hàng có thể tự hoạt động và phát triển, doanh số lên đến trăm triệu mỗi tháng, cũng là lúc anh tốt nghiệp đại học.
Lúc này, Tuấn phân vân giữa việc theo đuổi chuyên ngành kiến trúc hay đi theo đam mê kinh doanh. Anh xác định nếu theo đuổi kiến trúc thì phải thật sự giỏi chuyên môn. Tuy vậy, vừa học vừa kinh doanh khiến anh không cảm thấy tự tin với chuyên ngành.
Trong khi đó, công việc kinh doanh mang lại sự tự do và thu nhập hơn hẳn. Tuấn quyết định rẽ nhánh, tập trung vào kinh doanh ba lô, túi xách
Cũng thời gian này, anh nhận thấy việc bán hàng xuất khẩu, hàng dư không bền vững vì đụng đến thương hiệu, bản quyền.
Nhận ra mặt hàng vali, balo du lịch còn nhiềm tiềm năng – vốn chưa có nhiều nhà phân phối, hàng hóa đa phần được trưng bày trong trung tâm thương mại, phân khúc lại khá cao khó tiếp cận người tiêu dùng phổ thông.
Năm 2014, Mia ra đời, tập trung vào phân phối mặt hàng vali, túi du lịch có phân khúc tầm trung từ 1-2 triệu với chất lượng tốt hơn hẳn “hàng chợ” cùng giá. Mia là một trong những chuỗi cửa hàng phân phối Vali, balo chính ngạch công ty nước ngoài và tự sản xuất tiên phong tại TPHCM khi đó.
2 năm sau khi thành lập, khi doanh số và lợi nhuận ổn định, cửa hàng mới lần lượt được mở ra. Tuấn lại bắt đầu gặp 2 bài toán khó khăn.
Khó khăn thứ nhất đến từ phía nhà cung ứng. Họ yêu cầu Mia chỉ được lấy hàng từ 3 – 4 thương hiệu của họ và không được lấy của đối tác khác. Tuy vậy, họ lại mở cửa hàng bán tương tự, bán sản phẩm cùng mã với giá rẻ hơn và cạnh tranh với Mia.
Giải quyết vấn đề này, ông chủ 8x phải trực tiếp đứng ra thương thảo với nhà cung ứng, đồng thời chạy đôn chạy đáo tìm thêm sản phẩm từ các thương hiệu mới của Việt Nam và nước ngoài khác.
Gần Tết, nhà cung ứng này rút toàn bộ hàng hóa (chiếm 70% lượng hàng) của Mia và yêu cầu trả công nợ. Mia bỗng chốc bị đẩy vào cảnh khó khăn. May mắn là thời điểm đó một số đối tác khác đề nghị sẵn sàng đưa hàng vào Mia. Tuy không đa dạng như trước, nhưng giải quyết được phần nào khó khăn. Bước ngoặt trong giai đoạn này là khi Tuấn tìm được một đối tác Đài Loan có kinh nghiệm phân phối mặt hàng vali, túi xách ở VIệt Nam trên 20 năm.
Đối tác này không những đem lại nguồn cung hàng hóa ổn định, mà còn sẵn sàng tư vấn giúp Tuấn kết nối với những nhà máy sản xuất vali, túi xách hàng đầu Đài Loan. Hàng hóa của Mia không những đa dạng, mà còn có chất lượng cao hơn, kèm giá cả rẻ hơn. Đây cũng là bước đệm để Mia tăng trưởng bền vững và phát triển nhanh sau đó.
Bài toán khó thứ hai với Tuấn là bài toán về nhân sự.
“Mở 5-6 cửa hàng rồi thì mình phải dừng lại một tý, để cập nhật kiến thức về bán lẻ trước khi mở thêm các cửa hàng từ 7-9. Đến cửa thàng 10-12, mình lại gặp nhiều vấn đề giải quyết, từ con người đến văn hóa công ty”, Tuấn nói.
Công ty khi còn nhỏ thì rất khó tuyển được người giỏi. Để giải quyết điều này, anh phải thuê chuyên gia về đào tạo đội ngũ nhân sự. Nhưng không phải nhân viên nào cũng sẵn sàng thích ứng với thay đổi. Kết quả sau đợt đào tạo là 30% nhân viên nghỉ việc.
Sau đợt đào tạo, Tuấn phải tìm chuyên gia về nhân sự giúp Mia tuyển dụng những người phù hợp với yêu cầu mới, đào tạo và lấp đầy vị trí khuyết.
Sau 4 năm phát triển, hiện tại Tuấn đang sở hữu 16 cửa hàng Mia, và 4 cửa hàng Balo hàng hiệu tại TP.HCM. Đối với Tuấn, triết lý kinh doanh ngay từ những ngày đầu luôn là đảm bảo chất lượng tốt với giá cả phải chăng.
“Nếu là mặt hàng thời trang nhanh, người ta có thể thay từ cái này sang cái khác. Còn sản phẩm như vali, ba lô laptop khách hàng thường dùng để mang nặng, mang lâu. Vì vậy mình luôn quan tâm đến chất lượng và độ bền của sản phẩm”, Tuấn chia sẻ.
Ngoài chất lượng sản phẩm, Tuấn còn quan tâm đến khâu bảo hành. Tại Mia, anh đầu tư máy khâu công nghiệp chuyên dành để may ba lô, luôn nhập dư thêm khóa kéo, bánh xe, cần kéo để sẵn sàng thay thế, bảo hành cho khách hàng khi cần.
Hiện tại, ngoài hàng hóa từ các thương hiệu nước ngoài, Mia cũng chủ động thiết kế, đặt hàng những mẫu riêng tại nhà máy. Tuấn tự tay đến nhà máy kiểm tra, chọn từng loại nguyên phụ liệu để mang tới hàng hóa có chất lượng cho khách hàng.
Tiết lộ về một số dự định trong tương lai, CEO 8x này chia sẻ: “Sắp tới 4 cửa hàng Balo hàng hiệu sẽ chuyển mình, mở rộng ra bên ngoài các mặt tiền lớn. Đến cuối năm, Mia sẽ mở rộng tối thiểu là 20 cửa hàng. Mình nghĩ lợi thế của Mia là chất lượng và giá cả. Quan niệm của mình là bán nhiều thì phải lời ít và giữ chất lượng tốt.”
Theo Tri Thức Trẻ