Hai hãng công nghệ hàng đầu Apple và Microsoft đang đi quyết định quan trọng để tiến đến hợp nhất một cổng USB chuẩn cho người dùng.
Cổng USB-C (3.1) có tốc độ kết nối lý thuyết đến 10 Gbs, tích hợp nhiều tính năng và đầu cắm 2 chiều thuận tiện.
Ở hội nghị BUILD 2015 mới đây, hãng Microsoft trình diễn cổng kết nối microUSB hỗ trợ ba cấu hình MHL (Mobile HD Link) giữa smartphone và PC. Việc này gợi đến việc Apple ra mắt cổng USB-C trên mẫu Macbook Air 12 inch. Xem ra 2 “gã” khổng lồ công nghệ này đang đi những bước quan trọng để tiến đến hợp nhất một cổng USB chuẩn.
Điểm lưu ý với cộng đồng, là cổng USB-C (USB 3.1) do Apple đưa ra có tốc độ sao lưu dữ liệu lý thuyết đạt đến 10 GBps (tốc độ Thunderbolt), tức gấp đôi tốc độ tối đa cổng USB 3.0 hiện nay. Còn microUSB từ Microsoft giúp kết nối cổng HDMI để truyền hình ảnh 4K trên điện thoại di động đến các thiết bị và màn hình chạy Windows một cách dễ dàng.
Đẩy tốc độ cao hơn
Dĩ nhiên khát vọng của những người sử dụng công nghệ, là luôn muốn có được tốc độ truyền tải dữ liệu lên nhanh nhất.
Ở điểm này, Apple đã thành công với cổng USB 2.0 có mặt trên Macbook Air vào năm 2008, tạo thay đổi về quan niệm cổng USB và tốc độ truyền tải Lightning sau đó. Đến nay, với cổng USB-C, hãng này đang đẩy tốc độ truyền tải dữ liệu trực tiếp đạt đến công nghệ Thunderbolt.
Cổng này còn được tính toán cho phép dùng sạc thiết bị với tốc độ cao, kết nối được với nhiều thiết bị ngoại vi như màn hình, ổ lắp ngoài, máy in và máy ảnh. Giắc cắm của cổng cũng được xử lý dạng 2 chiều, giúp người dùng không phải lật lại đầu cáp khi cắm vào như với các cáp USB hiện nay. Kích cỡ nhỏ hơn còn hỗ trợ nhà sản xuất đưa ra khuôn khổ thiết bị nhỏ gọn, cho phép thu nhỏ các thiết bị cầm tay như mong muốn của nhiều người.
Cổng USB-C được xác định sẽ tạo chuẩn kết nối công nghệ chung trong thời gian tới.
Rõ ràng với việc đưa ra cổng USB-C sử dụng chuẩn 3.1 kết hợp với cổng tai nghe 3,5mm thông thường, Apple đã thể hiện hướng triển khai USB 3.1, cổng kết nối mới vừa có thể tương tác ngược với các cổng USB lâu nay lại thích ứng được với Display Port, VGA, HDMI và Ethernet.
Điều này hoàn toàn tương thích với những thông tin xu hướng công nghệ mới, nhất là ở khu vực Châu Âu. Những nhà nghiên cứu công nghệ tại châu lục này, trong 2 năm lại đây đã có những nhìn nhận cần thiết cho nhu cầu hợp nhất một cổng kết nối và truyền tải dữ liệu. Chuẩn 3.1 với cổng USB-C thực sự thỏa đáng với hướng đi này.
Ai có công hợp nhất?
Tuy nhiên, theo tổ chức phát triển USB (USB-IF), việc phát triển cổng kết nối USB-C ở Apple lại không hẳn thuận lợi. Điểm mấu chốt ở chỗ USB 3.1 lại có thể ảnh hưởng đến công nghệ kết nối Lightning, hiện đang là chuẩn mực áp dụng trên các thiết bị di động của chính Apple.
Thực tế trình diến của Microsoft cho thấy, hãng này rất dễ dàng đưa cổng microUSB kết nối hỗ trợ MHL vào các máy tính, thiết bị chạy hệ điều hành Windows 10.
Nghĩa là từ giữa năm 2015 này, Microsoft đã có thể cho phép các dòng sản phẩm Windows chấp nhận cổng USB-C để mở rộng các tính năng như sạc máy tính xách tay qua cổng USB cực nhanh, kết nối đồng bộ với các ứng dụng di động và những thiết bị, đồ dùng gia dụng khác.
Microsoft còn “nhạy bén” hơn khi phát triển Windows 10 theo hướng tích hợp các thiết bị Android, hệ điều hành di động đang tiếp tục phổ biến. Điều này đồng nghĩa liên minh các hãng dùng Android sẽ có thể hợp tác tốt hơn với hãng công nghệ khổng lồ này, đẩy Apple vào thế tách biệt.
Trong khi đó, đến nay, cộng đồng công nghệ chưa thấy Apple xúc tiến phát triển khả năng hỗ trợ MHL trên cổng USB-C (thông qua HDMI Type-A), cho các thiết bị của mình. Nghĩa là phải chờ 1 thời gian nữa, cổng USB-C mới có mặt trên các dòng sản phẩm ưu thế của Apple là iPhone và iPad.
Rõ ràng khi chuẩn USB 3.1 qua giải pháp kết nối của Microsoft trên nền Windows được triển khai thuận lợi hơn, hẳn nhiên “công phát triển” chuẩn kết nối USB chung sẽ nằm vào tay “gã khổng lồ”. Giới công nghệ sẽ nhìn thấy dấu hiệu trở lại sức mạnh “thôn tính” của Microsoft?
NGUYÊN ĐỨC / Theo Bizlive