Hôm qua (24/6), người Anh đã chọn con đường rời khỏi Liên minh châu Âu – quyết định khiến rất nhiều người phải sửng sốt. Vì đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ, không ai có thể chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Thảm cảnh của EU khiến các nước giàu có hơn (như Anh) cảm thấy rằng họ chẳng được lợi ích gì khi ở chung thuyền với các nước nghèo hơn mà ngược lại có thể chết chìm cùng họ.
Tại sao cú sốc này lại xảy ra? Loạt tranh dưới đây sẽ đưa ra câu trả lời theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất.
Trước tiên, tại sao lại tồn tại thứ có tên Liên minh châu Âu (EU)?
Trong quá khứ, châu Âu từng là khu vực mà các nước liên tiếp chém giết lẫn nhau. Ví dụ, trong chiến tranh thế giới thứ hai, lục địa này đã bị tàn phá rất nhiều bởi chiến tranh giữa các nước.
Bởi vậy, sau thế chiến, nhiều nước châu Âu cảm thấy rằng hợp tác với nhau là con đường để tiến tới thịnh vượng. Khởi nguồn từ cộng đồng than thép châu Âu với mục đích ban đầu chỉ là hỗ trợ hai ngành này, đến nay EU đã chi phối tất cả quan hệ thương mại ở châu Âu. Các nước thường đưa ra luật lệ điều chỉnh luồng hàng hóa chảy vào nước họ. Ví dụ, người Pháp sản xuất một chiếc xe hơi ở Pháp và xuất khẩu nó sang Anh, họ sẽ phải trả tiền thuế cho Anh.
Nếu người Pháp nhưng muốn sống và làm việc ở Anh, họ cũng phải làm thủ tục nhập cảnh.
Khu vực Tây Âu là tập hợp nhiều quốc gia và mỗi nước đều có chính sách thương mại, nhập cư và kinh tế riêng. Cố gắng thông qua tất cả những luật lệ này thì không hiệu quả. Do đó EU xuất hiện với suy nghĩ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu tất cả các nước đều áp dụng chung một luật lệ và dỡ bỏ mọi rào cản.
Đến năm 1993, gần như tất cả các nước Tây Âu đều đã tham gia vào liên minh này để tập hợp các quy tắc kinh tế về một mối. Quy định chung là hàng hóa, dịch vụ, vốn và cả người lao động sẽ được phép tự do di chuyển giữa các nước thành viên. Quan hệ này khá giống với quan hệ giữa các bang của Mỹ.
Và đây là cách mà EU mở rộng đến quy mô như ngày nay.
EU đã giúp tạo nên thời kỳ thịnh vượng kéo dài và gìn giữ hòa bình cho khu vực.
Tuy nhiên, những rắc rối cũng xuất hiện. Khi điều tồi tệ xảy ra, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng.
Trong EU, sự thịnh vượng có thể dễ dàng lan tỏa. Nhưng giống như bất kỳ liên minh nào khác, cùng nhau hưởng quả ngọt thì cũng phải cùng nhau chịu đựng đắng cay và đó là điều không hề dễ dàng.
Khủng hoảng 2008 là một ví dụ điển hình. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng NHTW châu Âu (ECB) đã không phản ứng nhanh nhạy, đẩy châu Âu vào tình trạng thảm hại. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu ngân sách giảm mạnh. Các ngân hàng cần gói cứu trợ và nợ ở các nước tăng vọt.
Thảm cảnh của EU khiến các nước giàu có hơn (như Anh) cảm thấy rằng họ chẳng được lợi ích gì khi ở chung thuyền với các nước nghèo hơn mà ngược lại có thể chết chìm cùng họ.
Và một số người Anh không thích việc có quá nhiều người nước ngoài đến cướp đi việc làm của họ. Tỷ lệ người sống ở Anh nhưng sinh ra ở nước khác đã tăng vọt sau khi Anh gia nhập EU.
Các chuyên gia phân tích cho rằng có hai lực đẩy chính dẫn đến xu hướng này:
Thứ nhất, trong thời kỳ giữa những năm 2000, EU đã mở rộng sang Đông Âu – nơi có những nước nghèo hơn. Rất nhiều người dân Đông Âu đã di cư tới những nước phát triển giàu có hơn mà Anh là điểm đến hấp dẫn.
Thứ hai, khủng hoảng 2008 tác động không đồng đều đến các nước châu Âu, trong đó có một số nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi người dân các nước này không thể tìm được việc làm ở quê nhà, họ sang nước khác để tìm việc. Anh lại là điểm đến hấp dẫn.
Rất dễ để bước vào thị trừng lao động Anh, và nhiều người châu Âu nói được tiếng Anh.
Mức độ căng thẳng về vấn đề nhập cư đã tăng mạnh trong mấy năm trở lại đây. Cách đây 20 năm, không ai nghĩ rằng đây lại là vấn đề quan trọng nhất nhưng trong một cuộc khảo sát được thực hiện năm ngoái, 45% người Anh được hỏi khẳng định nhập cư là rắc rối lớn nhất đang đe dọa đất nước của họ.
Năm ngoái, Thủ tướng David Cameron thông báo nước Anh sẽ trưng cầu dân ý để người dân lựa chọn sẽ ra đi hay ở lại EU. Đó chính là Brexit – cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm qua.
Và người Anh đã khiến thế giới bất ngờ choáng váng.
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng chắc chắn nước Anh sẽ chao đảo.
Cameron thông báo từ chức ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu. Ông tin rằng nước Anh nên có một người lãnh đạo sẽ lèo lái con thuyền theo hướng mà các cử tri đã chọn. Ông có quyền bỏ qua kết quả và giữ Anh ở lại, nhưng chống lại lòng dân là một điều tồi tệ xét về mặt chính trị.
Ra đi sẽ là quá trình dài đằng đẵng với nhiều đau khổ.
Anh không thể dễ dàng bán hàng hóa của mình đi toàn châu Âu như trước
Và người Anh cũng không thể tự do di chuyển. Khoảng 1,2 triệu người Anh đang sống ở các nước khác thuộc EU.
Anh vẫn có thể giữ lại các thỏa thuận về kinh tế cùng với những đặc quyền đi kèm. Nhưng không biết EU có dễ dàng tha thứ cho người Anh hay không, và như vậy thì Anh vẫn bị EU quản thúc.
Brexit có thể là khởi đầu cho sự tan rã của EU, khi mà tình hình ở EU không được cải thiện và bất mãn ngày càng tăng cao. Ngay chiều hôm qua, phe đối lập ở Hà Lan và Pháp đã yêu cầu phải có một cuộc trưng cầu dân ý giống như người Anh đã làm.