MXH Facebook sẽ kiểm tra xác thực đô chính xác, dán nhãn và “chôn vùi” các tin tức xuyên tạc, lừa đảo trên News Feed. Ngoài ra, Facebook cũng không cho phép các tên miền lừa đảo bán quảng cáo trên MXH này.
Quyết định được đưa ra sau khi Facebook bị chỉ trích kịch liệt vì góp phần tuyên truyền nhiều thông tin sai lầm trong suốt cuộc bầu cử Mỹ.
Để chống lại vấn nạn này, Facebook hợp tác với một vài công ty truyền thông, bao gồm Snopes và ABC News, thuộc mạng lưới kiểm tra tính xác thực của tin tức do Poynter, trường báo chí phi lợi nhuận tại St. Petersburg, Floria, đứng đầu.
Facebook bắt đầu thử nghiệm từ một nhóm nhỏ người dùng tại Mỹ khi giúp báo cáo tin giả mạo hay gây nhầm lẫn dễ hơn. Sau khi bên thứ ba kiểm tra và xác nhận đúng là tin xuyên tạc, nó sẽ bị dán nhãn và giáng cấp trên News Feed.
Một đại diện mạng xã hội cho biết công ty cũng sử dụng các biện pháp khác như thuật toán để nhận diện câu chuyện đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội có chính xác hay không. Nếu không, nó sẽ bị đánh dấu giả mạo và chôn vùi trên bảng tin của mọi người.
Một nhóm các chuyên gia của Facebook cũng đánh giá tên miền website, gửi những trang có vẻ là giả mạo hoặc lừa đảo tới bên thứ ba. Trong số 42 hãng tin thuộc mạng lưới Poynter, Facebook hợp tác ban đầu với Snopes, Factcheck.org, ABC News và PolitiFact. AP cũng là một đối tác.
Facebook cho phép 4 đối tác dùng công cụ để họ dán nhãn tin tức trên News Feed. Họ không trả phí cho việc này.
Đánh vào quảng cáo
Các website mà Facebook xác nhận là tổ chức truyền thông giả mạo hay tên miền lừa đảo không được bán quảng cáo trên mạng xã hội. Thông thường, người sở hữu các trang này có thể kiếm hàng chục ngàn USD mỗi tháng thông qua quảng cáo Internet.
Facebook lặp lại họ không phải công ty truyền thông mà là nền tảng công nghệ mở, phụ thuộc vào các nhà xuất bản và người dùng để chia sẻ thông tin chính xác. Patrick Walker, Giám đốc đối tác truyền thông, phát biểu tại một hội thảo báo chí rằng: “Chúng tôi không xem mình là các biên tập viên. Chúng tôi tin Facebook cần phải đứng ngoài việc quyết định xem thế giới nên đọc về vấn đề nào. Đó là việc của biên tập viên”.
Các chính trị gia như Tổng thống Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton gần đây bày tỏ lo ngại về các thông tin sai lầm trên mạng xã hội, ông Obama còn gọi đây là “đám bụi vô nghĩa” và bà Clinton gọi nó là “bệnh dịch”.
Trong khi đó, CEO Facebook Mark Zuckerberg nói tin tức giả mạo trên Facebook gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử là “đặc biệt điên rồ”. Dù vậy, sau khi đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội vì từ chối kiểm tra nguồn tin, Zuckerberg đã gọi Facebook là “một loại nền tảng mới” với trách nhiệm “xây dựng một không gian nơi mọi người được tiếp nhận tin tức”.
Du Lam | Theo ICTnews