Ông Trần Minh Tân- Phó GĐ Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, Nghị định 72 về Quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mà Chính phủ vừa ban hành sẽ giúp đơn vị này giải quyết vấn đề tranh chấp tên miền .VN dễ dàng hơn trước.
Tuy nhiên, nhận thức chung của doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên Internet với tên miền .VN vẫn còn hạn chế.
Ông Trần Minh Tân- Phó GĐ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC)
Tranh chấp tên miền là khó tránh khỏi
Trả lời phỏng vấn của PV Dân trí,về tình hình tranh chấp tên miền .VN trong thời gian qua, một số vụ tranh chấp điển hình trong thời gian gần đây và vấn đề nhận thức của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ thương hiệu qua tên miền, ông Trần Minh Tân cho biết:
– Do mỗi tên miền là duy nhất trên toàn mạng Internet nên theo quy luật chung, khi số lượng tên miền đăng ký sử dụng gia tăng thì số lượng các vụ việc tranh chấp tên miền sẽ ngày một nhiều hơn. Những năm từ 2008 trở về trước, khi chưa có quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp tên miền, hầu hết các trường hợp tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia đều bị gộp chung trong các khiếu nại hành chính. Cách xử lý này không giải quyết được tận gốc vấn đề tranh chấp dẫn đến việc xử lý tranh chấp bị kéo dài. Một số khiếu nại liên quan đến tranh chấp tên miền có thể kể đến như những trường hợp của tên miền ibm.com.vn, visa.com.vn,…
Sau khi Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được ban hành quy định về giải quyết tranh chấp đã rõ ràng, cụ thể hơn. Tuy vậy, nhiều người sử dụng Internet vẫn đang nhầm lẫn cho rằng tên thương mại, nhãn hiệu, tên gọi … đã được bảo hộ bằng quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế thì trên mạng Internet các tên miền gắn liền đến cũng sẽ thuộc quyền sở hữu của họ.
Thực tế, VNNIC đã nhận được đơn khiếu nại mà trong đó nguyên đơn đưa ra nhận định rằng “tên miền liên quan đến nhãn hiệu, tên gọi của tôi thì chỉ tôi mới có quyền đăng ký, tôi không đăng ký thì cũng không ai có quyền đăng ký”.
IBM cũng bị vướng vào việc tranh chấp tên miền tại Việt Nam
Có thể kể tới một số vụ việc tranh chấp tên miền xảy ra trong thời gian vừa qua như ebay.com.vn, anz.com.vn, …và gần đây là mhb.vn,samsungmobile.vn, samsungmobile.com.vn, nxbgd.com.vn.
Hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đăng ký khoảng 200.000 tên miền (bao gồm cả tên miền Việt Nam .VN và tên miền quốc tế), trong đó mỗi doanh nghiệp thường đăng ký nhiều hơn 1 tên miền. Trên thực tế, chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp thể hiện rõ chiến lược bảo vệ tên doanh nghiệp, sản phẩm, nhãn hiệu của mình trên mạng Internet thông qua việc đăng ký hàng chục tên miền .VN mà họ đăng ký bảo vệ, ví dụ như: Công ty Cổ phần Kinh Đô đăng ký 63 tên miền .VN, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk với gần 40 tên miền .VN, trong khi đó phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa ý thức được việc này.
Con số này so với tổng số doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động (khoảng gần 400.000 theo số liệu của VCCI tính đến đầu năm 2013) thì có thể thấy số lượng doanh nghiệp đăng ký tên miền còn rất ít.
Cùng với tình hình phát triển Internet cũng như số lượng tên miền quốc gia Việt Nam .VN được đăng ký mới và cấp phát theo nguyên tắc “đăng ký trước, xét cấp trước” hàng tháng là trên 8.000 tên miền như hiện nay, các vụ việc tranh chấp về tên miền do có sự trùng hợp với các đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng xảy ra nhiều hơn và là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển.
Nhìn vào con số doanh nghiệp tại Việt Nam đang hoạt động với số lượng tên miền đã được các doanh nghiệp đăng ký thì chúng ta có thể thấy rõ nguy cơ tranh chấp về tên miền là rất cao và đồng thời cũng thấy được nhận thức chung của doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên Internet với tên miền .VN vẫn còn hạn chế.
Khung pháp lý đã hoàn thiện, xử lý dễ dàng hơn
Nhiều tên miền “.VN” đã bị tranh chấp trong thời gian dài
– Nghị định 72 về Quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mà Chính phủ vừa ban hành có quy định về xử lý tranh chấp tên miền. Nghị định này sẽ tác động thế nào đến việc giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam, thưa ông?
– Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Uniform Domain-name Dispute-Resolution Policy) – UDRP của Tổ chức quản lý Tên miền và Số hiệu mạng thế giới (ICANN) đã được đa số các tổ chức quản lý tên miền trên thế giới áp dụng. Tuy vậy, ngay tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, … những quốc gia đã có khung pháp lý tương đối hoàn thiện và đầy đủ thì tình trạng tranh chấp tên miền vẫn tiếp tục xảy ra theo cùng với sự gia tăng sử dụng tên miền.
Ở Việt Nam, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, có thể nói khung pháp lý về giải quyết tranh chấp tên miền đã khá hoàn thiện, có tham khảo UDRP và tham khảo chính sách của các quốc gia khác. Như vậy, ngoài các quy định về giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể tại: Điều 76 – Luật Công nghệ thông tin; Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.VN”, Nghị định mới ban hành đã quy định rõ ràng về xử lý tranh chấp tên miền. Việc này đã làm hoàn thiện chính sách quản lý tên miền và việc giải quyết tranh chấp tên miền sẽ dễ dàng, triệt để hơn cũng như giảm thiểu các vụ tranh chấp kéo dài.
– Điều 16 của Nghị định quy định rõ ràng các khung pháp lý về giải quyết và xử lý tranh chấp, phân định rõ đâu là tranh chấp, đâu là vi phạm… vậy có thể áp dụng được ngay vào các trường hợp đang tranh chấp không thưa ông?
– Điều 16 Nghị định 72 của Chính phủ đã quy định chi tiết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, từ hình thức, sở cứ cho đến các căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền theo yêu cầu của nguyên đơn cũng như đưa các điều kiện cụ thể để bị đơn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền.
Bên cạnh đó, các điều khoản của Nghị định cũng đã quy định rõ ràng các khung pháp lý về giải quyết và xử lý tranh chấp, phân định rõ đâu là tranh chấp, đâu là vi phạm và chỉ ra việc cạnh tranh không lành mạnh là hành vi thực hiện với ý đồ xấu… Những quy định này có hiệu lực sẽ giúp cơ quan xử lý tranh chấp dễ dàng áp dụng ngay vào các trường hợp đang tranh chấp tên miền với đầy đủ các điều kiện, các căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp tên miền, kết luận vụ việc.
– Tên miền không chỉ là địa chỉ định danh trên mạng Internet mà còn là “thương hiệu số”, một loại tài sản vô hình của các cá nhân, doanh nghiệp và đơn vị. Ông có lời khuyên nào cho các đơn vị để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn tranh chấp?
– Tại tất cả các quốc gia trên thế giới, tên miền là một tài sản có giá trị thương mại nhưng không phải là đối tượng sở hữu trí tuệ. Tên miền và đối tượng sở hữu trí tuệ là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau do sự tồn tại độc lập của pháp luật về sở hữu trí tuệ và quy định về quản lý tên miền. Khi xảy ra tranh chấp tên miền, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức theo đuổi vụ việc. Do đó, không gì tốt hơn là các doanh nghiệp hãy chủ động bảo vệ thương hiệu của mình trên Internet bằng cách tiến hành đăng ký những tên miền gắn liền với các thương hiệu đã được bảo hộ để tránh việc tranh tụng phức tạp và tốn kém.
Việc đăng ký bao vây nhiều hay ít tên miền là do nguồn lực tài chính của mỗi doanh nghiệp, chiến lược phát triển thị trường của mỗi doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp nên đăng ký giữ chỗ những tên miền quốc tế nơi hiện diện thị trường kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý một điều: Trong khi các tên miền quốc tế thường là khó đăng ký được tên miền như mong muốn vì thị trường đã bão hòa thì tên miền quốc gia Việt Nam .VN hoàn toàn thể hiện được cả thương hiệu của Việt Nam lẫn nguồn gốc quốc gia Việt Nam. Tên miền .VN có thể đăng ký dễ dàng và được cả một hệ thống quy định pháp luật bảo vệ. Có thể nói quan tâm đăng ký tên miền .VN liên quan đến thương hiệu của mình kịp thời là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam hiện nay.