Trong cơn dịch Covid-19, đừng mắc 5 sai lầm sau sẽ khiến tương lai bạn và doanh nghiệp trở nay ngày càng khó khăn
Cho dù đang tạo dựng một doanh nghiệp mới hay đang phát triển một doanh nghiệp có sẵn, điều quan trọng với một doanh nhân là phải biết được những yếu tố nào có thể làm hạn chế khả năng thành công.
Trong số các sai lầm doanh nhân thường mắc, 5 sai lầm dưới đây được coi là sai lầm nghiêm trọng bậc nhất, theo trang Entrepreneur. Mỗi sai lầm gây một tác động nhiều lớp đến doanh nghiệp và tác động trực tiếp khiến cho một doanh nghiệp suy yếu dần.
1. Cạnh tranh để trở thành tốt nhất
Một sai lầm lớn trong xây dựng chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp mới là cạnh tranh để trở nên tốt nhất. Họ lựa chọn phát triển theo con đường truyền thống, đối đầu với những đối thủ cạnh tranh sừng sỏ trên thị trường. Và tin rằng chỉ cần mình có sản phẩm tốt hơn, ưu thế hơn thì đến một lúc nào đó doanh nghiệp sẽ có cơ hội để vươn lên. Đây là sự nhầm lẫn giữa hiệu quả tác nghiệp và chiến lược kinh doanh.
Trong thời đại ngày nay, cạnh tranh để trở nên duy nhất mới là chiến lược hiệu quả.
Tuy nhiên, một sản phẩm ra đời sau, đi theo con đường truyền thống với tuyên bố “tôi tốt hơn, dịch vụ của tôi hoàn hảo hơn…” sẽ không có cơ hội sống sót trước những đối thủ hùng mạnh đã bám rễ lâu đời trên thị trường.
Một ý tưởng đắt giá về cái gì đó khác biệt hoàn toàn mới là giải pháp chiến lược trong tình huống này.
2. Chỉ đánh giá những kết quả trước mắt
Đánh giá kết quả là tốt nhưng việc đánh giá kết quả nhầm chỗ lại đặt doanh nghiệp làm trung tâm thay vì đặt khách hàng làm trung tâm. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không nhận biết được việc khách hàng không hài lòng và đánh mất đi sự trung thành của họ.
Lãnh đạo doanh nghiệp thường rất coi trọng việc đo lường những gì có thể đo đếm được. Họ có thể đánh giá những nỗ lực của doanh nghiệp thay vì xem xét hiệu quả của nó trong môi trường mà những nỗ lực của doanh nghiệp thực sự có tác động.
3. Nhầm lẫn giữa marketing và chiến lược
Giống như marketing, việc xây dựng chiến lược kinh doanh tổng quan cần phải tập trung vào khách hàng và nhu cầu của họ. Tuy nhiên, chiến lược được xây dựng xoay quanh khách hàng mới chỉ giải quyết được nguồn cầu của bài toán.
Một chiến lược kinh doanh tốt đòi hỏi phải vừa biết được nguồn cầu đồng thời vừa phải giải quyết được nguồn cung; nghĩa là trả lời câu hỏi :”Làm thế nào và làm sao để có thể phục vụ đối tượng khách hàng của mình?”. Để trả lời câu hỏi này, doanh nghiệp cần thiết kế được chuỗi giá trị cùng cách thức hoạt động riêng biệt để tạo các giá trị đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Hãy nhớ rằng, doanh nghiệp không thể làm tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người. Nếu muốn nhắm đến một bộ phận có giới hạn người mua tiềm năng có cùng nhu cầu, thì doanh nghiệp sẽ phải có những sự thay đổi trong hoạt động để có thể đáp ứng nhu cầu của bộ phận khách hàng đó.
4. Đứng yên một chỗ
Cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các hoạt động kinh doanh của các đối thủ cũng như nhu cầu và hành vi của khách hàng thay đổi có thể nói là theo từng ngày. Vậy nên, một trong những yếu tố cốt yếu để xác định một hướng đi trong tương lai cho doanh nghiệp là dự đoán những sự biến đổi, những xu hướng này và kết hợp chúng vào quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh.
Nếu chỉ đứng yên một chỗ, không thích nghi và bỏ lỡ những giá trị mới, cái kết sụp đổ chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Là gã khổng lồ tiên phong cho lĩnh vực Internet, tuy nhiên Yahoo lại quá tập trung vào mô hình quảng cáo truyền thống và hoạt động theo cách quan liêu tới mức không thể theo kịp phần còn lại của thế giới công nghệ, vốn đổi mới theo từng ngày.
Greg Cohn, người từng là giám đốc sản phẩm cao cấp của Yahoo và hiện là CEO tại công ty ứng dụng di động Burner cho biết: “Việc tìm được cả sự đồng thuận lẫn vốn đầu tư cho các dự án sản phẩm mới là cực kỳ khó khăn. Nếu bạn muốn tạo ra một sản phẩm mới và bộ phận quản lý trang chủ không muốn hỗ trợ sản phẩm này, bạn coi như đã thất bại”.
Những tư duy bảo thủ trong xây dựng chiến lược kinh doanh cùng các quyết dịnh sai lầm đã khiến đế chế Yahoo hùng mạnh trượt dài trong một thập kỷ và kết thúc với đỉnh điểm là thương vụ “bán thân” cho nhà mạng Verizon với giá trị chỉ 4,5 tỷ USD.
5. Theo đuổi mở rộng kinh doanh mà bỏ quên các yếu tố khác
Có một nhận thức chung trong kinh doanh rằng nếu doanh nghiệp của bạn lớn nhất trong ngành thì điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận cao nhất. Điều này đúng, kinh tế theo quy mô thực sự mang lại lợi ích đáng kể.
Với việc quy mô kinh doanh càng lớn thì chi phí và giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh được nâng cao. Tuy nhiên, việc chỉ tập trung mở rộng kinh doanh sẽ khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều hạn chế và vấn đề liên quan.
Hay như khi thị trường vượt mức bão hòa, doanh nghiệp cần phải vận chuyển hàng hóa tới thị trường khác xa hơn, lúc này khoảng cách vận chuyển là không kinh tế. Các hạn chế bao gồm sử dụng năng lượng không hiệu quả, hoặc là tỷ lệ hỏng hóc của sản phẩm cao hơn mức bình thường. Ngoài ra các vấn đề: truyền thông, thương hiệu, quản lý dòng tiền… cũng là những vấn đề phát sinh khi mở rộng kinh doanh.
Nhìn chung, trước khi xây dựng chiến lược mở rộng kinh doanh, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khả năng của mình cũng như tiềm năng của thị trường, sức cạnh tranh từ đối thủ… và từ đó tìm ra đương lối đúng đắn nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Nguồn cafef.vn
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra