Trong thời đại 4.0 với 3 chìa khoá giúp khai mở óc sáng tạo
Chia sẻ của Giáo sư Trương Nguyện Thành để khai phá óc sáng tạo của người trẻ trong thời đại 4.0, thể hiện sự vượt trội trí tuệ con người với máy móc, công nghệ.
Chìa khoá thứ nhất: “Bất cứ điều gì không bình thường ở môi trường này đều là bình thường ở môi trường khác”
Có nhiều người nghĩ rằng tôi chỉ thông minh cỡ đó, trí óc tôi chỉ đến đó mà thôi, cha mẹ tôi sinh ra tôi như vậy rồi, thôi cho nó học cao làm gì mất công, ép nó cố gắng làm gì tội nghiệp, vậy cũng được rồi… Đó là một suy nghĩ rất quen thuộc trong xã hội Việt Nam chúng ta.
Nhưng đó là những nhận định sai lầm.
Chúng ta bị giới hạn tư duy. Đó là chúng ta không biết cái gì chúng ta không biết
Câu này rất đơn giản, nhưng nếu chúng ta ý thức được cái đầu – tức là bộ óc của chúng ta – đang bị giới hạn bởi chính nó, thì sẽ cởi mở hơn khi nghe những thông tin rất ngược đời: Những gì chúng ta chưa hề trải nghiệm và có thể đi ngược lại sự tin tưởng của chúng ta.
Nhưng, ít ra nếu nghe được câu này thì chúng ta có thể nghĩ rằng: À biết đâu mình chưa biết cái gì mình chưa biết, vậy hãy thu thập thông tin về nó chứ đừng vội chối bỏ nó một cách thẳng thừng. Đừng vội ngăn cản, đừng vội đánh giá nó, đừng vội làm gì cả. Đừng vội đem kinh nghiệm của mình ra phán xét cái mới, hãy cứ nghe nó, cứ chấp nhận nó, cứ tìm hiểu nó vì nó có thể là điểm mù của mình
Điều đó rất quan trọng. Các bạn có thể thấy những người có tư duy khép kín sẽ dễ dàng chối bỏ những gì mới mẻ. Họ thường chối bỏ ngay và rất quyết liệt: “Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Chuyện đó tôi không thể nào tin được”.
Còn nếu các bạn nghĩ rằng mình mới chỉ biết tới đó thôi, thì tôi có thể chứng minh rằng bất cứ điều gì được chấp nhận ở một xã hội thì sẽ bị cấm ở một xã hội khác. Trên trái đất này, bất kỳ một điều gì bị cấm ở xã hội này thì đều được coi là bình thường và được cho phép ở một xã hội khác. Tôi đã đi nhiều và tôi nhìn thấy điều đó.
Một ví dụ điển hình nhé: Bạn qua Pháp, Đức… ở những bãi biển tắm nude bạn sẽ thấy bất cứ ai đều tự tin ra bãi biển dù thân hình không có mảnh vải che thân. Nhưng ở Trung Đông thì đi tắm biển cũng chỉ chừa con mắt ra mà thôi. Đó là một minh chứng cho việc một điều gì là không bình thường ở xã hội này thì lại là bình thường ở một xã hội khác.
Đó là chìa khóa thứ nhất để mở tư duy ra và chấp nhận những thay đổi, vì những thay đổi này sắp tới sẽ rất nhanh
Vừa rồi có câu chuyện một người đàn ông Đức có mấy con robot tình dục. Con robot hiện tại vô tri lắm, nhưng ông ấy chọn robot chứ không chọn vợ. Đó là cú sốc văn hóa đáng kể. Nhưng năm năm tới, con robot tình dục có khả năng nhận thức cảm xúc của con người và phản ứng đúng theo chiều hướng mà con người đó muốn. Lúc đó mới là mệt!
Cho nên, bạn đã sẵn sàng cho những thay đổi tâm lý đó chưa?
Chìa khoá thứ hai: “Tôi không biết những gì tôi không biết”
Đó là những điểm mù. Bạn nghe những gì bạn muốn nghe, bạn thấy những gì bạn muốn thấy và bạn chấp nhận những gì bạn muốn minh chứng.
Bây giờ thông tin tràng giang đại hải nhưng bạn chỉ chọn lọc một vài thông tin bạn muốn. Ví dụ, mấy anh có vợ về nhà đang coi đá bóng mà vợ cằn nhằn thì các anh có nghe được vợ mình nói gì không? Đảm bảo không! Mình chỉ nghe tiếng vỗ tay thôi còn bà vợ nói nãy giờ cái gì không biết nữa, tự nhiên thông tin nó bị lọc ra như vậy.
Đó là minh chứng cho việc ta chỉ nghe cái gì ta muốn nghe, thấy cái gì ta muốn thấy và những cái không liên quan ta tự loại ra ngoài vì có quá nhiều thông tin.
Thêm nữa, ta muốn chứng minh cái điều ta muốn chứng minh. Tôi tin anh này vô tội thì tôi chỉ tìm những gì chứng minh anh ấy vô tội, còn những cái chứng minh anh ấy có tội thì ta bỏ qua một bên không để ý tới.
Nhưng sự tự lọc đó chính là giới hạn trong tư duy và nó tạo ra điểm mù. Những điểm mù đó tạo ra sự khác biệt giữa một người hạnh phúc, thành công với một người không thành công, không hạnh phúc.
Chìa khóa chỉ có vậy thôi. Nhưng nếu nhận thức được chìa khóa đó thì sẽ chấp nhận những thay đổi biến đổi trong cuộc sống, công việc… rất dễ dàng: “À, thất bại thì có gì đâu, thất bại thì mình đứng lên lại. Không có cái gì gọi là thất bại hay thành công cả, thất bại hay thành công đều là những thí nghiệm trong cuộc sống”.
Vì khi quyết định làm một điều gì là tùy thuộc vào kiến thức và tư duy của bạn ở thời điểm đó. Nếu lúc đó trong đầu bạn nói thí nghiệm đó sai thì bạn chắc chắn không dại gì mà làm. Bạn cho nó là đúng thì mới làm, nhưng kết quả của nó không như mong muốn thì bạn gọi nó là thất bại.
Không phải thế!
Bạn hãy gọi đó là kết quả của một cuộc thí nghiệm mà thôi. Mọi thứ lệ thuộc vào nhận thức của bạn trước khi bạn thực hiện thí nghiệm đó. Bây giờ, bạn có kiến thức tốt hơn thì bạn sẵn sàng thay đổi, bạn sẽ học lại và làm thí nghiệm lại, xác suất có được kết quả như mong muốn sẽ cao hơn.
Vậy thì cứ làm thôi, làm tới khi nào làm được thì thôi, chứ có gì phải xoắn!
Bạn có thể phản bác rằng: “Nhưng nếu tôi thành công ngay khi đó, thì tức là tôi đã thành công rồi”. Nhưng nếu bạn nghĩ bạn thành công rồi, bạn sẽ cứ làm đi làm lại theo cách đó. Trong khi ấy, cuộc sống xung quanh vẫn thay đổi thì một ngày thành công cũ của bạn sẽ trở thành thất bại.
Nhất là các bạn làm doanh nghiệp, bạn sản xuất ly nước này nghĩ nó ngon rồi, thành công rồi, tôi không cần thay đổi nữa. Như vậy là tai hại! Một ngày bạn sẽ thấy tại sao sản phẩm này không ai mua nữa, sao kỳ vậy, mấy năm trước nó thành công mà tại sao giờ nó thất bại. Vậy nên hai chữ “thành công” và “thất bại” này chỉ là tương đối.
Tôi có người bạn bán đồ trang trí nội thất. Khoảng 5 năm trước về Việt Nam mua đồ trang trí nội thất của Việt Nam về trang trí ở nhà. Thế rồi cô ấy quyết định không mua đồ Việt Nam nữa. Tôi hỏi tại sao vậy? Cô nói rằng: Việt Nam không thay đổi mẫu mã, có bao nhiêu đó làm đi làm lại hoài thôi à, tới nỗi phát chán. Vậy nên, tôi nói thẳng, nếu bạn cho là bạn hay những gì mình làm đã thành công rồi, không cần thay đổi nữa thì bạn sẽ thất bại.
Một khi bạn chấp nhận được sự thay đổi là tất yếu thì đầu óc bạn sẽ mở ra và hấp thụ được rất nhiều kiến thức mới, rất nhiều những tư tưởng lạ, rất nhiều những nhận định trái chiều. Từ đó trí tuệ, óc tưởng tượng, sự sáng tạo càng ngày càng tốt hơn.
Trí sáng tạo cũng bị giới hạn bởi kiến thức hiện tại. Nếu ai đó chẳng có kiến thức nào cả thì họ cũng chẳng tưởng tượng ra được cái gì cả. Vậy bạn phải làm giàu kiến thức của bạn và đừng phụ thuộc vào cái gì có sẵn.
Bạn biết chiếc xe hơi có bốn bánh và bạn nghĩ xe hơi nó phải chạy vì nó có 4 bánh, nhưng chiếc xe hơi bay có thể không có bánh nào cả vì nó sẽ bay, nó không cần đường băng nên cũng chẳng cần bánh. Nhưng nếu bạn không biết chiếc xe hơi, chưa từng thấy chiếc xe hơi hay chiếc máy bay thì làm sao bạn kết nối hai hình ảnh đó với nhau và tưởng tượng ra chiếc xe hơi bay?
Cho nên, nếu bạn giới hạn khả năng hấp thụ kiến thức thì bạn cũng giới hạn trí tưởng tượng của mình. Mà các kiến thức càng khó chấp nhận thì lại càng có tính sáng tạo bởi sự mới mẻ của nó, mà những gì quá mới lạ thì thường không ai thích.
Chìa khoá thứ ba: Kỹ năng quên đi những gì đã học
Bạn phải “update” hệ điều hành. Phải có kỹ năng “unlearn” (tạm dịch: “học lại”). Chúng ta đi học là học những nguyên tắc, nhưng những nguyên tắc ngày hôm nay có thể không phù hợp với ngày mai nữa, vậy nên kỹ năng “unlearn” trong tương lai sẽ càng quan trọng vì kiến thức thay đổi quá nhanh. Những cái mới bao giờ cũng đả phá những nguyên tắc cũ, cái cơ chế chúng ta cho là ổn trong năm nay có thể sẽ không ổn trong vài năm nữa và chúng ta phải chấp nhận điều đó.
Ghi: Hoàng Xuân
Minh hoạ: Vũ Tuấn Anh
Thiết kế: Nhatanhngx, Vinh Hồ, Zin, Phuong Anh Do
(Theo Trí Thức Trẻ)
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra