Thường người ta cho rằng nhân viên rời bỏ sếp chứ không phải là công việc. Tôi thì không hoàn toàn đồng ý với điều này.
Chúng tôi có rất nhiều khách hàng, họ chẳng có vấn đề xung đột gì với sếp trực tiếp cả. Dù vậy, họ lại luôn cảm thấy mệt mỏi với hàng núi công việc hàng ngày. Dưới đây là một số điều họ bày tỏ:
“Lúc đầu thì công việc cũng khá thú vị, nhưng dần dần tôi chẳng học được thứ gì mới mẻ cả. Tôi cố gắng cả trăm lần giúp công ty tôi thoát khỏi đáy giếng nhỏ hẹp nhưng không thể. Họ thích những thứ sẵn có. Mỗi năm họ mất một vài khách hàng, tuy có tiến hành cải tổ nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Tôi cảm thấy quá mệt mỏi.”
“Tôi nghỉ việc vì không có điều gì khiến tôi tham vọng ngoài những công việc nhàm chán thường ngày. Chẳng có ai trong công ty này có tầm nhìn về tương lai, đơn giản họ chỉ cần tăng trưởng 9% mỗi năm. Chẳng ai quan tâm vấn đề đang tồn tại ở đây là gì?”
“Tôi chẳng muốn nghỉ việc đâu, nhưng những người tôi quen bên ngoài đều khiến tôi thấy công việc của họ thú vị và bổ ích hơn tôi nhiều. Một trong những đứa bạn của tôi đang làm việc tại một startup địa phương. Cô ấy nói với tôi liệu có muốn đến và gặp sếp của cô ấy không. Vì vậy tôi đã ghé đến.
Tôi đã đến công ty cô ấy vào giờ nghỉ trưa. Tuy chỉ có 48 phút trong tòa nhà ấy nhưng tôi đã nghĩ đây đúng là nơi mình muốn làm việc. Khi trở về văn phòng của mình, tôi lại cảm thấy chán nản. Hiện nay tôi cùng với bạn mình làm ở một công ty startup. Tại sao phải làm ở một nơi khiến niềm đam mê của mình bị thui chột cơ chứ?”
Tôi nhận thấy có một vài vấn đề lớn về văn hóa đã biến đổi động năng tại nơi làm việc theo chiều hướng tiêu cực. Khi có những dấu hiệu tiêu cực, những cá thể tốt sẽ chẳng muốn ở lại. Do vậy, sẽ rất khó khăn để tạo động lực cho mọi người.
Ở một số nơi, mọi người có thể trò chuyện, mỉm cười và nói những câu bông đùa. Ở một vài nơi khác, khuôn mặt của nhân viên luôn căng thẳng và lo sợ. Họ luôn cẩn thận với từng lời họ nói và việc nói chuyện đó với ai. Lý do duy nhất khiến các lãnh đạo không nhận thức được vấn đề văn hóa bởi vì cá thì chẳng thể biết là nó đang bơi trong nước sạch hay bẩn cả.
Những con cá bơi trong nước bẩn dần dần quen với môi trường bẩn thỉu. Chúng nghĩ đó là điều bình thường vì đó là tất cả nhũng gì chúng biết.
Dưới đây là 5 vấn đề về văn hóa có thể làm chậm dần và ngăn chặn hoàn toàn khả năng thành công của một tổ chức:
Thiếu những bản kế hoạch
Những tổ chức vững mạnh luôn luôn lập kế hoạch và làm theo chúng. Điều chỉnh kế hoạch là việc bắt buộc phải thực hiện. Những tổ chức kém cũng trải qua quá trình lập kế hoạch. Tuy vậy, họ kết thúc mà chẳng có kế hoạch rõ ràng nào để các thành viên có thể làm theo.
Kết quả là chẳng ai biết rõ mục tiêu chính xác là gì vì những thứ cần ưu tiên luôn luôn thay đổi. Chẳng ai ăn mừng chiến thắng vì không có kết quả nào của họ khiến các lãnh đạo thực sự hài lòng.
Có ai còn muốn đặt động lực của mình vào môi trường như thế này chứ?
Bộ máy quan liêu ngột ngạt
Tất cả mọi tổ chức đều cần một vài cấp độ quản lý. Ở một vài nơi có quá nhiều chính sách khiến bạn chẳng thể làm việc gì nếu không có sự chấp thuận của quản lý.
Trong những công ty như vậy, có chính sách cho tất cả mọi thứ. Tuy vậy không ai được trao quyền để sử dụng trí tuệ và kinh nghiệm của mình để giải quyết từng vấn đề cụ thể. Những người thông minh và có khả năng sẽ không bao giờ chịu trói chân ở những nơi “Bạn không thể làm theo quyết định của mình, vì có sẵn một quy định cho nó rồi!”
Mối quan hệ quan trọng hơn kết quả công việc
Ở những tổ chức hoạt động hiệu quả, hầu hết các thành viên đều tin tưởng rằng người lãnh đạo của họ có đủ năng lực để quản lý và trao đổi các nhiệm vụ.
Còn ở những tổ chức hoạt động kém, nhiều người được thăng tiến chỉ nhờ mối quan hệ. Sự thiếu công bằng trong tuyển dụng và thăng chức ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, khiến những con người tài năng ngừng cố gắng. Tại sao bạn phải làm việc chăm chỉ trong khi người ta được thăng chức không phải nhờ kết quả công việc mà là nhờ mối quan hệ?
Sợ nói thẳng quan điểm của mình
Sự bất đồng và tranh luận là một điều rất bình thường ở những tổ chức hoạt động lành mạnh. Tuy vậy, ở một số nơi, mọi người giữ im lặng, giữ suy nghĩ riêng cho bản thân mình. Đừng nghĩ rằng bạn vẫn giữ được những nhân viên giỏi khi cố tình bịt miệng chứ không phải chú ý lắng nghe họ.
Không coi trọng những ý tưởng hay
Nhiều nhân viên có những ý tưởng tốt nhưng lại không bao giờ được thực hiện. Có trường hợp, ý tưởng đó còn bị đánh cắp và bóp méo đến mức không nhận ra được. Lý do chỉ đơn giản là vì có lãnh đạo cảm thấy bị “đe dọa” bởi những giải pháp hay ho của cấp dưới.
Deanne đã làm việc 4 năm tại một công ty trước khi cô rời đi. “Tôi cũng ghét phải chuyển việc. Nhưng Tổng Giám đốc mới đến và khiến mọi người lo sợ về công việc của mình. Có lần tôi đã đưa cho ông ấy một ý tưởng. Đó là kế hoạch cắt giảm số lượng sản phẩm lỗi trên thị trường bằng việc thay đổi quy trình kiểm soát chất lượng.” Một tuần sau, cô ấy đã nhận được câu trả lời: “Hãy giữ lấy cái kế hoạch của cô. Đến lúc cô lên làm Tổng Giám đốc cô sẽ có cơ hội thử nó.”
Những công ty hùng mạnh sẽ luôn chào đón và thúc đẩy những ý tưởng tốt ở bất cứ đâu. Những công ty không biết trân trọng, sẽ luôn bí ý tưởng và đẩy nhân viên tài năng sang các công ty đối thủ của mình.
Liệu văn hóa công ty bạn có bị ảnh hưởng bởi một trong các vấn đề này không? Hãy cùng thảo luận với đồng nghiệp về vấn đề văn hóa trong tổ chức trước khi quá muộn.