Khởi Nghiệp | StartupTin khởi nghiệp

Vì sao các startup Châu Âu kéo tới Hồng Kông?

Các startup từ châu Âu đang kéo nhau đến khởi nghiệp tại Hồng Kông. Chỉ tính riêng các startup của Đức, đã có hơn 700 công ty có mặt tại đây. Hồng Kông có những điểm mạnh gì thu hút các nhà khởi nghiệp nước ngoài đến vậy?

Vì Sao Các Startup Châu Âu Kéo Tới Hồng Kông?

Hiện Hồng Kông chưa phải là đối thủ ngang tầm với thủ đô Berlin của Đức (tại Berlin cứ khoảng 20 phút lại ra đời một startup). Tuy nhiên, Hồng Kông lại đang vươn lên, “Số lượng các startup ở Hồng Kông đã tăng 40% từ chỉ trong một năm (từ 2014 đến 2015)”, theo bà Margaret Fong, giám đốc điều hành Hội đồng phát triển Thương mại Hồng công (HKTDC). HKTDC là một tổ chức bán nhà nước và phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 1966 và chuyên hỗ trợ, thúc đẩy cho các doanh nghiệp Hồng Kông.

Một trong số các startup của Đức chuyển tới Hồng Kông là Soundbrenner, nhà sản xuất thiết bị, phần mềm và các nền tảng ứng dụng chuyên dành cho các nhạc sỹ, ra đời năm 2014. Công ty này vốn được thành lập tại Berlin, nhưng chỉ ba bốn tháng sau khi thành lập thì hai nhà đồng sáng lập Florian Simmendinger và Julian Vogels của Soundbrenner đã chuyển doanh nghiệp sang Hồng công. “Chúng tôi chuyển đi không phải vì lý do thị trường mà vì nhu cầu sản xuất các sản phẩm của mình. Việc xây dựng một startup trong lĩnh vực phần cứng ở Đức là điều hết sức khó khăn. Bởi vì đơn giản là ở nước Đức không có cơ sở công nghiệp nào phục vụ startup thuộc lĩnh vực điện tử dân dụng. Các nhà máy ở Đức luôn yêu cầu một khối lượng hàng tối thiểu và điều này là rất khó đối với một startup”, Simmendinger nói.

Ở châu Á, các yếu tố trên thuận lợi hơn cho các startup. Bà Fong đánh giá: “Các doanh nghiệp ở Hồng công dễ dàng tiếp cận các cơ sở sản xuất ở Thẩm Quyến (Shenzhen). Tại đây họ có thể sản xuất nhanh với giá phải chăng”. Đây cũng là nơi Soundbrenner sản xuất sản phẩm của mình, nơi này chỉ cách Hồng Kông hai tiếng rưỡi đồng hồ đi ô tô nên các lãnh đạo của Soundbrenner có thể có mặt ở Thẩm Quyến ngay khi cần kiểm tra bất kỳ vấn đề gì trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra Hồng Kông còn là một trong những trung tâm hậu cần (logistics) lớn nhất thế giới. Simmendinger nói: “Chúng tôi có thể gửi mọi hàng hóa đến khắp nơi trên thế giới một cách nhanh chóng và thuận tiện. Giờ đây chúng tôi đã có một cửa hàng online và có thể dễ dàng cung cấp hàng hóa tới 170 quốc gia khác nhau. Nếu bây giờ chúng tôi cần gửi một bưu kiện, giá phải trả là 13 Euro và nội trong hai ngày là đến nơi, bất cứ ở đâu. Điều này thật tuyệt vời”. (Để so sánh: Nếu gửi một bưu kiện 1 – 5 kg từ Đức tới Hồng Kông, người ta phải trả cho hãng DHL express 43.99 Euro, và cái bưu kiện đó mất mười ngày mới tới nơi).

Lợi thế vị trí của Hồng Kông

Soundbrenner là trường hợp điển hình phổ biến cho một doanh nghiệp nước ngoài trụ lại Hồng Kông. Phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài ở Hồng Kông đều làm về máy tính, công nghệ, phần mềm, thương mại điện tử… Simmendinger biết, doanh nghiệp của anh không phải là trường hợp duy nhất chuyển đến Hồng Kông, “Thường thì tất cả các startup phần cứng đều kéo tới châu Á – vì lý do sản xuất”. Ở gần nhà máy là một điều kiện có ý nghĩa quyết định với các công ty. Simmendinger biết nhiều trường hợp các startup chỉ liên hệ đặt hàng với đối tác ở châu Á thông qua Skype, điện thoại, email. Để rồi sau đó phải kinh hoàng khi nhận được thành phẩm. Sản phẩm bị hư hỏng chỉ sau ba ngày sử dụng do hiểu lầm giữa startup và đối tác, hoặc do lối làm ăn cẩu thả của cơ sở sản xuất.

Cũng có nhiều tổ chức tài chính khác, như DollarSmart Global hiện đã chuyển trụ sở tới Hồng Kông, vì tại đây có mạng lưới tài chính tương ứng và có thể khai thác thị trường châu Á tốt hơn so với đặt trụ sở từ các nơi khác như từ Australia. Việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á khác cũng là lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp này chuyển trụ sở về Hồng Kông. Trung quốc và Nhật bản đã là thị trường lớn thứ hai và ba sau Mỹ.

Về hệ sinh thái khởi nghiệp, ở Hồng Kông, chính phủ rất thân thiện với các nhà khởi nghiệp. Các startup dễ dàng tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần. Ở đây cũng có một hệ thống mạng lưới các sự kiện hỗ trợ các nhà khởi nghiệp. Nhà nước thực hiện một loạt hỗ trợ nhằm thu hút các nhà khởi nghiệp. “Gần đây, chính phủ mới thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo và công nghệ để đầu tư vào các startup phù hợp”, bà Fong kể. Dự kiến, quỹ có khoản vốn lên tới 2,3 tỷ Euro. Những yếu tố trên đặc biệt thu hút các nhà khởi nghiệp nước ngoài. Hiện nay, chỉ khoảng một nửa số startup ở Hồng Kông là của các nhà khởi nghiệp bản xứ. (Để so sánh: ở Đức có tới 90% start-up do các nhà khởi nghiệp Đức tạo dựng).

Tuy nhiên, các startup cũng cần biết rõ, Hồng Kông cũng có những bất lợi nhất định. Ví dụ, Soundbrenner vẫn duy trì văn phòng của mình ở Berlin, vì “Ở Hồng Kông khó có thể kiếm được các chuyên gia phát triển để hỗ trợ chúng tôi, trong khi ở Berlin họ đông như kiến”, Simmendinger nói. Nhìn chung, vấn đề tuyển dụng và thu hút lực lượng chuyên môn ở Hồng công nói chung còn nhiều khó khăn. HKTDC vẫn khen ngợi lực lượng chuyên môn trẻ được đào tạo bài bản, tuy nhiên theo nhận định của Simmendinger, những người có tài năng thực sự không nhiều.

Thứ hai, Hồng Kông vốn là một địa bàn đắt đỏ. Đây là nơi có giá bất động sản cao nhất thế giới, nếu tính theo giá thuê văn phòng trên một mét vuông. Vào 12/2014, Hồng Kông tiến hành các một khảo sát và cho thấy kết quả, bình quân mỗi doanh nghiệp phải chi tới  113.019 USD tiền thuê văn phòng và nhà ở. Những chi phí này thực sự là một gánh nặng lớn với các doanh nghiệp mới hình thành.

Hoài Trang | Theo Tia Sáng

Xem thêm: Hong Kong – “người dẫn đầu” hệ sinh thái khởi nghiệp ở châu Á?

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra

DMCA.com Protection Status
Back to top button

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ - STARTUP VIỆT NAM

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra