“Họ chủ động quyết định việc đầu tư vào mô hình kinh doanh, không hề bị ép buộc. Thỏa thuận giữa hai bên được thể hiện rõ trên hợp đồng pháp lý. Vậy khi gặp mạo hiểm, không bên nào có thể kết luận đối tác là lừa đảo, trừ khi có chứng lý rõ ràng. Những người thua thiệt trong cuộc chơi đa cấp phần lớn đều hiểu, đều biết nhưng vì tham nên lãnh hậu quả”, bà Thu giải thích.
Theo các chuyên gia, những người đã sa chân vào đa cấp biến tướng hầu như không có hy vọng lấy lại được số tiền đã mất, bởi hầu hết đều không có đủ chứng lý.
Vợ chồng ông bà Lê Viết Tâm (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) và các con 2 năm nay đã đầu tư vào Công ty đa cấp TNMU tổng số tiền lên tới gần 200 triệu đồng.
Khi nhận ra đây là hình thức đầu tư không dễ đem lại lợi nhuận khủng như quảng cáo, ông bà Tâm tới công ty nhiều lần đề cập chuyện “rút vốn”, nhưng không thành. Không có cách nào gặp trực tiếp lãnh đạo công ty, không đủ bằng chứng để kiện, ở tuổi ngoài 70, ông bà Tâm xác định “mất trắng quỹ hưu còm”.
Điều đáng nói, các con của ông Lê Tâm đều biết công ty này kinh doanh đa cấp, đã nghe nhiều cảnh báo về kiểu bán hàng biến tướng, nhưng vẫn thuyết phục bố mẹ cùng tham gia. Anh Hoàng, con ông Tâm nói: “Tôi đã chứng kiến nhiều người được công ty gọi tới nhận lãi. Đầu tư vào đây, tôi luôn nghĩ công ty làm ăn tốt, khó lừa được”.
1 người thành công kéo 100 cá nhân chịu thiệt
Nói về sức sống của bán hàng đa cấp tại Việt Nam, chuyên gia truyền thông Hà Anh Tuấn và đại diện phòng luật Dương gia đồng quan điểm, cho rằng sở dĩ đa cấp biến tướng “sống dai” tại Việt Nam bởi mô hình biến đổi đa dạng, phức tạp, khiến người dân khó nhận diện và luật pháp cũng khó theo kịp.
Trong khi mô hình bán hàng đa cấp kiểu truyền thống vẫn đang được các tổ chức đa cấp lừa đảo lợi dụng hiệu quả, thì những chiêu kinh doanh biến tướng mới cũng ngày càng nở rộ, lôi kéo thêm hàng nghìn nạn nhân. Theo tìm hiểu, hiện ngoài đa cấp trong bán hàng, còn có đa cấp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và cả trong hoạt động từ thiện.
“Các khóa học làm giàu siêu tốc, đào tạo tư duy triệu phú liên tục mở ra với học phí từ vài triệu tới vài chục triệu đồng. Người tham gia nếu rủ được nhiều người cùng đi, cùng đóng phí sẽ được chia hoa hồng”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo tìm hiểu, kiểu đa cấp – từ thiện còn tồn tại dưới hình thức huy động và chiếm dụng vốn. Công cụ để mô hình này lôi kéo hàng nghìn người tham gia trong thời gian ngắn chính là chính sách trả thưởng hậu hĩnh theo mô hình tháp ảo.
Ông Tuấn cho biết, chỉ cần làm phép tính đơn giản, cứ 1 cá nhân thành công trong hệ thống sẽ có 100 cá nhân bên dưới chịu thiệt. Vậy một tổ chức đa cấp có khoảng 100 người thành công, sẽ có tương ứng 100 x 100 = 10.000 người lãnh hậu quả. Và đó mới chỉ là con số ước tính về số nạn nhân của 1 hệ thống trong nhiều hệ thống đa cấp đang hoạt động bất minh hiện nay.
Khó dùng luật để xử đa cấp
Trao đổi với PV, luật sư Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM cho rằng, hiện khó có thể dùng luật để xử đa cấp. Trước hết, ngay cả những người sa bẫy đa cấp cũng chưa chắc được gọi là nạn nhân.
“Họ chủ động quyết định việc đầu tư vào mô hình kinh doanh, không hề bị ép buộc. Thỏa thuận giữa hai bên được thể hiện rõ trên hợp đồng pháp lý. Vậy khi gặp mạo hiểm, không bên nào có thể kết luận đối tác là lừa đảo, trừ khi có chứng lý rõ ràng. Những người thua thiệt trong cuộc chơi đa cấp phần lớn đều hiểu, đều biết nhưng vì tham nên lãnh hậu quả”, bà Thu giải thích.
Bà Thu đưa ra lời khuyên, các chủ đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ và rõ ràng, không nên vì lòng tham mà chấp nhận mạo hiểm. Bởi, dưới góc độ luật pháp, người chịu thiệt chỉ có thể khởi kiện và đòi quyền lợi khi có đầy đủ bằng chứng về hành vi lừa đảo.
“Ngay cả việc muốn bắt doanh nghiệp vi phạm chịu trách nhiệm trước pháp luật thì luật của chúng ta cũng cần có điều khoản quy định hẳn hoi mới bắt được. Mà nhà làm luật lại không thể tiên liệu được hết các trường hợp vi phạm, biến tướng của kinh doanh. Ví dụ, hiện luật pháp nước ta chưa có quy định cụ thể nào về việc huy động tiền từ thiện, ăn hoa hồng, hay tổ chức mời gọi thành viên tham gia khóa đào tạo kiểu đa cấp… “, bà Thu nói.
Luật sư Thu cho rằng, hoạt động chống đa cấp phi pháp ở Việt Nam hiện nay vì thế vẫn chủ yếu là tuyên truyền mà thôi.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, trước đây các mức xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định về hoạt động bán hàng đa cấp còn thấp. Điều này là một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đa cấp phi pháp bất chấp luật, tiếp tục hoạt động vì lợi nhuận khủng.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình và được Chính phủ ban hành các văn bản quy định nâng mức xử phạt đối với hoạt động bán hàng đa cấp, mới nhất là Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015.
Trong năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai giải pháp tăng cường quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn. Đồng thời, Sở thúc đẩy triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt các quy định đối với hoạt động bán hàng đa cấp, tránh sự dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo của doanh nghiệp hoạt động phi pháp.
Theo Zing