Video nổi lên như một vũ khí marketing mới quan trọng bậc nhất của một chiến binh PR chuyên nghiệp. Đặc thù chuyển biến của kênh truyền thông và khả năng kết nối với khán giả trên bình diện ngôn ngữ và hình ảnh đã mở ra một chân trời mới với những khả năng mà các chiến dịch PR dựa hoàn toàn trên text (ngôn từ) không thể cạnh tranh được.
Nhận diện được tầm quan trọng của Nội dung Video
Trước đây, sản xuất nội dung video đòi hỏi một chi phí đắt đỏ, ngoài ra chi phí phát sóng còn khủng khiếp hơn. Tuy nhiên, ngày nay với những sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các chuyên gia truyền thông có thể tạo ra những sản phẩm với hỗ trợ của video hiệu quả với chi phí thấp. Thêm vào đó, không gian digital nới rộng mang tới vô vàn những nền tảng để các doanh nghiệp, nhỏ hay lớn, chuyển tải các video hoàn toàn miễn phí.
Youtube, đương nhiên, chính là ông tổ của nền tảng website chuyên về nội dung video. Cứ mỗi phút có khoảng 300 giờ tổng lượng video được chuyển lên website này, như vậy cứ mỗi một ngày trôi qua, số lượng video tương ứng 50 năm được công bố trên nền tảng này.
Lượng nội dung trên YouTube tăng lên, thì số lượng khán giả kết nối với kênh này cũng nhân lên vượt bậc. Website này hiện đang sở hữu hơn 1 tỷ người dùng (users) và số giờ những người dùng xem nội dung trên kênh này cũng tăng hơn 50% trong vòng 1 năm trở lại đây.
Tại sao người dùng lại thích nội dung video?
Theo tổng hợp từ dữ liệu thu thập truyền thông, rất nhiều người dùng thích xem video hơn là lãng phí thời gian lục lọi trên những bài viết dài ken đặc chữ. Trên thực tế, theo nghiên cứu từ ứng dụng tạo nội dung Animoto cho thấy rằng tỉ lệ người xem video so với người đọc bài viết là 4 so với 1.
Tại sao vậy? cốt lõi là do sự thuận tiện trong tiếp nhận truyền thông. Video cho phép người làm truyền thông chuyển tải những thông điệp cốt lõi về sản phẩm và dịch vụ của họ một cách súc tích, đầy đủ thông tin và mang tính giải trí cao. Nếu chúng ta vẫn nói rằng, một hình ảnh ngang với một ngàn chữ, vậy thì một video – ghi lại 24 khung hình trên mỗi giây – nên mỗi giây tương xứng với 24,000 ngàn chữ. Cách ví von này có thể hơi cường điệu một chút, tuy nhiên lợi ích tuyệt vời của công cụ truyền thông có tính chuyển động này hoàn toàn không thể xem nhẹ.
Cùng với những lợi thế về tính năng như vậy, video đồng thời là công cụ có khả năng hơn trong việc đánh thức cảm xúc của con người như hạnh phúc, thấu cảm hay thương nhớ. Internet Explorer đã hoàn toàn thu phục được cảm xúc này trong video “child of the 90s” phát hành năm 2014.
Brad Jefferson, CEO của Aniomot đã chỉ ra tầm quan trọng của nội dung video trên phương diện của hoạt động truyền thông và marketing:
“Ngày nay, có hơn 6 tỷ đoạn video được xem mỗi ngày trên kênh Facebook và Youtube. Trong lịch sử, việc tạo ra và phát tán những video có chất lượng cao tới khách hàng không dành cho tất cả, do sự ngăn trở của chi phí nên chỉ dành riêng cho những thương hiệu lớn nhất.”
“Tuy nhiên, với công cụ và những nền tảng kỹ thuật ngày nay cho phép những doanh nghiệp nhỏ và trung bình có thể tiếp cận với khách hàng của họ, có kết nối với internet. Điều này tạo nên những cơ hội marketing lớn nhất cho các doanh nghiệp nhỏ trong thời gian dài tới đây.”
Những ai nên sử dụng nội dung video?
Tạp chí Entrepreneur chỉ ra rằng bất cứ ngành kinh doanh nào cũng có thể nhận được lợi ích từ nội dung video trong hoạt động marketing của họ. Nếu doanh nghiệp của bạn bán một sản phẩm hữu hình, sự mô tả đơn giản về cách hoạt động của sản phẩm, kết hợp với giọng thuyết trình đi kèm chính là hai “nguyên liệu” cơ bản để chế biến được một món súp “video” hiệu quả.
Nếu doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ, thì có thể cần thêm một ít ý tưởng sáng tạo. Các chuyên viên phân tích truyền thông có thể giúp bạn xác định chính xác phong cách phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn, tuy nhiên video đưa ra “cách làm” và “kể chuyện” thường là cách bắt đầu thành công. Airbnb đã thực hiện phương thức này một cách tuyệt vời qua clip giới thiệu dịch vụ đưa ra năm 2011.
Tại sao doanh nghiệp của bạn nên sử dụng nội dung video?
Nền tảng đơn giản và hiệu quả như YouTube, cùng với sự tăng lên tỉ lệ kết nối với người tiêu dùng cho thấy rằng các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề nên cân nhắc và tăng cường nỗ lực đưa nội dung video vào hoạt động truyền thông.
Video mang đến một khả năng mà rất khó có thể đạt được khi chuyển tải qua ngôn từ hay hình ảnh: đó là cơ hội kể câu chuyện thương hiệu.
Nếu như hình ảnh thương hiệu chính là mục tiêu tối thượng của một chuyên viên PR, cũng cần lưu ý rằng đó không phải là mục tiêu duy nhất. Tạp chí Forbes giải thích rằng, video mang đến một khả năng mà rất khó có thể đạt được khi chuyển tải qua ngôn từ hay hình ảnh: đó là cơ hội kể câu chuyện thương hiệu.
Video giúp bạn kết nối với khán giả của mình theo một cách chân thực, mà không phải o ép sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Kết hợp với dịch vụ đo lường truyền thông, điều này giúp tạo nên những mối quan hệ thực sự, thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nếu bạn muốn lấy ví dụ, thương hiệu Dove đã thực hiện concept (ý tưởng) này trong một marketing với nội dung video rất đáng khen ngợi.
Video của Dove đã kéo về hơn 66 triệu lượt xem từ khi bắt đầu phát hành năm 2013 và giúp tăng hình ảnh của Dove một cách đáng kinh ngạc. Một điều đáng lưu ý là video này không chứa đựng thông điệp quảng cáo trực tiếp nào hay bất cứ kêu gọi hành động nào, chỉ có thương hiệu xuất hiện ở những giây cuối cùng của clip. Điều rút ra được ở đây là gì? Khi sử dụng nội dung video, kết nối với độc giả trên phương diện con người, cá nhân thì hiệu quả hơn là sản xuất một nội dung đầy tính thương mại.
Thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng luôn luôn vận động và tiến triển cùng với công nghệ. Các nhà marketing và chuyên viên truyền thông xuất sắc, có thể đi trước và đón đầu những xu hướng này sẽ kết nối với thị trường và khách hàng mục tiêu hiệu quả hơn và hơn hết, tăng hiệu quả nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp.
John Chalmers
Giám Đốc Truyền Thông Marketing, tập đoàn Isentia
*Nguồn: Isentia, Brands Vietnam