Chính phủ Việt Nam đặt tham vọng có được 5% doanh nghiệp khởi nghiệp (hiện chỉ khoảng 0,5%) trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Làm gì để đạt được tham vọng này?
- Hàng nghìn dự án khởi nghiệp sẽ được chính phủ hỗ trợ / Hành trang khởi nghiệp: Sẵn sàng đối mặt và đương đầu
Cùng trò chuyện với PGS.TS Lê Quân – phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại biểu Quốc hội, chuyên gia về chiến lược doanh nghiệp.
Năm 2016 VN đạt kỷ lục về số lượng doanh nghiệp thành lập mới (hơn 110.000). Nhưng có lẽ vấn đề quan trọng hơn vẫn là chất lượng của doanh nghiệp. Là một nhà nghiên cứu, ông có những đánh giá như thế nào?
– Nói về con số thì đó là chỉ số rất tốt, thể hiện môi trường kinh doanh của nước ta đã thông thoáng về thủ tục, có nhiều cơ hội kinh doanh và tinh thần kinh doanh trong người dân được nâng cao đáng kể.
Dù các số lượng thống kê còn chưa chính xác nhưng bước đầu có thể khẳng định các chỉ số chất lượng chưa đạt như mong muốn, ví dụ các chỉ số số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản và dừng hoạt động còn rất cao, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) còn thấp, tỉ lệ doanh nghiệp có tăng trưởng cao không nhiều, số lượng doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp tăng không được cải thiện, lượng việc làm tạo ra từ khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa góp phần giảm mạnh được tỉ lệ thất nghiệp…
Theo con số được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, TP cuối năm 2016 thì tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở VN chỉ chiếm 0,5% tổng số doanh nghiệp đăng ký mới (trong khi tỉ lệ này ở Israel là 15-20%), tham vọng của Chính phủ là nâng tỉ lệ này lên khoảng 5%. Theo ông, phải làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu này?
-Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với các mô hình kinh doanh mới, có tốc độ tăng trưởng rất cao cả về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và tạo ra việc làm.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho phép tạo ra những doanh nghiệp trăm ngàn tỉ chỉ sau ít năm hoạt động. Do mô hình kinh doanh sáng tạo và nhắm đến thị trường mục tiêu rất tiềm năng nên các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tài chính, các quỹ đầu tư tài chính, đầu tư mạo hiểm.
Trong khởi nghiệp, các nhà đầu tư bỏ ra 100 triệu USD đầu tư chẳng hạn, để chiếm 30% vốn sở hữu của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì số vốn này đóng vai trò “tên lửa đẩy” để giúp doanh nghiệp nhanh chóng tăng trưởng mạnh về quy mô, doanh thu và lợi nhuận.
Sau một chu kỳ kinh doanh, nhà đầu tư sẽ rút 30% vốn của mình về với giá trị hơn nhiều lần con số 100 triệu USD đầu tư ban đầu. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do đó có cơ hội rất lớn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gắn với phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ.
Con số 0,5% không phải là lớn so với các quốc gia đổi mới sáng tạo, nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng bởi thị trường startup tại VN đang ở mức độ sơ khai, phù hợp với hiện trạng đổi mới sáng tạo rất trì trệ tại hầu hết các doanh nghiệp VN.
Chúng ta kỳ vọng vào một tỉ lệ cao hơn trong thời gian tới nhờ vào đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Chính phủ, sự quan tâm của Chính phủ coi công nghệ thông tin là một trong số ít các lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển kinh tế, sự ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cho nông nghiệp.
Và đặc biệt, VN trở thành quốc gia có tiềm năng lớn về startup nên đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần quốc tế. Thị trường startup ở nước ta đang hình thành và phát triển.
Tôi cho rằng những nỗ lực và giải pháp của Chính phủ hiện nay đã tương đối đủ để thị trường startup của VN phát triển.
Hai giải pháp ưu tiên tiếp tục là hoàn thiện các quy định về thuế để bảo vệ các nhà đầu tư và các nhà khởi nghiệp; và quan tâm đến đầu tư cho giáo dục đại học và giáo dục nghề để có những đột phá về nhân lực phục vụ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhưng có vẻ không ít người vẫn đang nhầm lẫn và chưa phân biệt được giữa việc khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp và khởi nghiệp. Xin ông giải thích rõ về vấn đề này, chẳng hạn mở một quán phở hay quán cà phê thì trong trường hợp nào được gọi là khởi nghiệp?
– Cách đây hai chục năm, chúng ta đã sử dụng phổ biến cụm từ “khởi sự kinh doanh” khi nói về khởi nghiệp. Khởi sự kinh doanh gắn với thiết lập và vận hành, phát triển các hoạt động kinh doanh, thường là quy mô nhỏ.
Thành lập doanh nghiệp là kết quả vừa là phương tiện của quá trình khởi sự kinh doanh. Có thể coi thành lập doanh nghiệp là trọng tâm cần đạt được của quá trình khởi sự kinh doanh. Số lượng người dân khởi sự kinh doanh phản ánh tinh thần kinh doanh.
Khởi nghiệp (startup) là một dạng thức của khởi sự kinh doanh, gắn với đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều giá trị và việc làm nhất. Mở một quán phở, một quán cà phê chỉ để tạo việc làm và thu nhập cho một hoặc một vài cá nhân thì đó là dạng thức cơ bản nhất của khởi sự kinh doanh, và đó không phải là khởi nghiệp (startup) vì không có tăng trưởng nhanh, tạo giá trị gia tăng nhiều và tạo nhiều việc làm.
Ngược lại, nếu mở một quán phở hay quán cà phê, nhờ vào sáng tạo và đổi mới để phát triển thành chuỗi các cửa hàng, thu hút được nhà đầu tư tài chính để tăng trưởng nhảy vọt thì đó là khởi nghiệp.
Ngoài yếu tố thể chế đang được Chính phủ quyết tâm cải cách, đổi mới để thúc đẩy khởi nghiệp, thì môi trường giáo dục – văn hóa là những yếu tố rất quan trọng đối với tinh thần khởi nghiệp. Theo ông, các môi trường này ở VN đang có những hạn chế gì?
– Giáo dục của chúng ta chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở tất cả các bậc học. Ở giáo dục phổ thông, khi giáo dục chú trọng quá vào kiến thức dẫn đến tư duy đúng sai, dễ rơi vào duy lý.
Giáo dục chú trọng đổi mới sáng tạo và phát triển văn hóa khởi nghiệp thì cần khuyến khích học sinh khẳng định bản ngã, khẳng định cái tôi, dám mạo hiểm, biết chấp nhận cái sai, chấp nhận thất bại, và đặc biệt có ý chí vươn lên từ thất bại.
Trong hệ thống giáo dục phổ thông, một học sinh đã bị nhiều điểm kém trong kỳ hầu như không có cơ hội đột phá để thay đổi kết quả vào cuối kỳ.
Ở giáo dục đại học, sinh viên được đào tạo theo chuyên môn hẹp, trong khi khởi nghiệp đòi hỏi năng lực đa ngành, đa lĩnh vực. Một kỹ sư đam mê công nghệ thông tin cần có kiến thức và tư duy cơ bản về thị trường, về kinh doanh, về tài chính, nhân sự…
Sáng tạo đã khó, nhưng sáng tạo để bán được còn khó bội lần. Sự kiện Flappy Bird là ví dụ điển hình khi khởi nghiệp chưa đủ tâm thế và kiến thức, kỹ năng để xử lý các vấn đề kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng muốn tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp thành công thì cần phải có một lớp doanh nhân có trí tuệ, tham vọng và dám mạo hiểm, đồng thời phải có một Chính phủ trí tuệ và dám mạo hiểm. Ý kiến của ông?
– Đúng vậy, muốn có quốc gia khởi nghiệp phải phát triển văn hóa khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh. Muốn khởi nghiệp thành công, doanh nhân phải hội tụ đủ ba yếu tố là năng lực/động lực, cơ hội và nguồn lực.
Các giá trị cốt lõi của doanh nhân là sáng tạo, mạo hiểm, quyết đoán, tự tin, thích nghi, tư duy thực tiễn. Bên cạnh đó, niềm tin của doanh nhân và nhà đầu tư vào chính phủ cũng là yếu tố quyết định.
Sẽ không có khởi nghiệp nếu chính phủ chỉ ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh, khi mọi người dân học hành đều mong muốn trở thành cán bộ, công chức, viên chức; khi các rủi ro về tài sản lớn.
Cá nhân ông và nơi ông công tác, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã và đang có những hoạt động, chương trình gì để khích lệ khởi nghiệp?
– Tôi đã hỗ trợ, tư vấn cho các bạn sinh viên thành lập và phát triển nhiều doanh nghiệp, thành lập câu lạc bộ và tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên.
Trong năm 2016, tôi trực tiếp hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi và nông nghiệp công nghệ cao. Hai công ty này bước đầu đúng hướng và thu nhận được nhiều vốn đầu tư. Kể từ năm 2009, tôi đã sáng lập sự kiện “Ngày nhân sự VN” và tổ chức thường niên cho đến nay.
Đây là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của giới doanh nhân, luôn thu hút sự quan tâm của hàng ngàn doanh nghiệp. Cuối năm 2016, chúng tôi tổ chức sự kiện tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình với chủ đề “Quản trị nhân sự trong giai đoạn khởi nghiệp”. Hôm đó khán phòng rộng lớn của trung tâm hội nghị đã không còn một chỗ trống.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đang triển khai ban hành quy định về phát triển doanh nghiệp cho nhà khoa học và sinh viên, sắp ra mắt câu lạc bộ khởi nghiệp, dự kiến sẽ định kỳ sinh hoạt 2 tuần/số để phát động phong trào và hỗ trợ kỹ thuật khởi nghiệp.
Bên cạnh đưa môn học kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính quy, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phát triển đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết nhà khoa học, các phòng thí nghiệm, các đơn vị với các đối tác, cựu sinh viên, các quỹ đầu tư.
Mục tiêu năm 2017 hệ sinh thái khởi nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội định hình rõ và phát huy hiệu quả
Có nhiều sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội khởi nghiệp, trong đó có ít nhất từ 5-10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập hằng năm với sự hỗ trợ của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, ký với FPT và Vingroup về hỗ trợ khởi nghiệp.
Lê Kiên | Theo Tuổi trẻ cuối tuần