Cách đây không lâu, tôi được ngồi nghe một nhóm bạn trẻ trình bày về ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh công nghệ hóa y tế trong một quán cà phê lãng mạn.
Bài học khởi nghiệp tìm kiếm con đường lập thân / 10 sai lầm đắt giá cần biết khi khởi nghiệp
Sau khi nghe các em trình bày xong, tôi nói:
“Các em à, nhà đầu tư họ không có nhiều thời gian ngồi nghe mình nói dài dài. Họ chỉ muốn biết dự án này có khả thi hay không bằng ba câu hỏi”. Trong 30 phút vừa qua, với tư cách là nhà đầu tư, tôi không hiểu có nên hay không nên đầu tư vào dự án của các bạn. Ba câu hỏi lớn, những nền tảng khả thi của một dự án vẫn chưa được trả lời.
Trong thời đại thông tin hiện nay khi thông tin chia sẻ và kiến thức giăng đầy trên mạng, tôi cho rằng ý tưởng khởi nghiệp không quá khó.
Vấn đề lớn nhất là khả năng hiện thực hóa ý tưởng, khả năng triển khai ý tưởng thành kế hoạch rõ ràng bằng cách trả lời ba câu hỏi cơ bản: Tổng chi phí đầu tư là bao nhiêu? Dự toán lãi lỗ và dòng tiền trong 3 năm, 5 năm tới thế nào? Bao nhiêu lâu thì dự án đạt khả năng hoàn vốn? Trả lời được ba câu hỏi đó nghĩa là bạn đã sẵn sàng trình bày dự án của mình đối với nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên để trả lời được ba câu hỏi trên, rõ ràng người khởi nghiệp cần rất nhiều kỹ năng về nghiên cứu thị trường, kỹ năng dự đoán, lập kế hoạch và nhất là kiến thức về tài chính. Định vị thị trường của bạn là gì? Định vị đó đồng nghĩa với các chỉ số đo lường (KPI) cụ thể ra sao? Nguồn doanh thu tiềm năng đến từ đâu? Đóng góp của từng nguồn doanh thu thế nào vào tổng doanh thu dự kiến?…
Thường thì nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cứ nghe đến con số và tài chính là ngán ngẩm lắc đầu. Phức tạp, khô khan quá, nghe cứ như là tạt một gáo nước lạnh vào lò lửa nhiệt huyết đang đến hồi bùng cháy. Nhưng ngọn lửa bùng lên có bao giờ tức thời?
Phải nhóm lửa, phải châm than, phải nuôi ngọn lửa lớn lên, phải canh lửa để nó bùng lên đúng lúc. Ai đã nhóm lửa và ngồi canh nồi bánh chưng đêm 30 tết có lẽ sẽ hiểu rõ hơn về cách nuôi lớn dự án của mình.
Trong báo cáo về mức độ cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới WEC phát hành năm 2015, có một chỉ số cơ bản gọi là mức độ tinh tế trong kinh doanh (business sophistication). Việt Nam xếp hạng 106/144 quốc gia trên thế giới.
Mức độ tinh tế trong kinh doanh đề cập đến hai yếu tố không thể tách rời là chất lượng chung của hệ sinh thái kinh doanh tại một quốc gia và chất lượng xây dựng chiến lược, triển khai hoạt động tại từng doanh nghiệp.
Với 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam là vừa và nhỏ, phải chăng thứ hạng 106 này đang đặt ra một câu hỏi rất lớn về năng lực của từng doanh nghiệp, tập hợp lại thành năng lực của cả một nền kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp 40% vào GDP của Việt Nam?
>> Ảo tưởng về khởi nghiệp: 30% thất bại, 60% ì ạch
Khởi nghiệp rất dễ. Nhưng khởi nghiệp bền vững mới khó. Nếu chỉ bắt đầu bằng những ý tưởng bay bổng, thiếu nghiên cứu thị trường, thiếu kiến thức, kỹ năng lập và triển khai dự án, những doanh nghiệp khởi nghiệp rồi sẽ về đâu?
Trong một buổi trao đổi với một số bạn trẻ khởi nghiệp cách đây không lâu ở TP.HCM, có một bạn hỏi tôi phải bắt đầu từ đâu khi bản thân không biết gì về quản lý hay tài chính. Người xưa dạy “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Bạn biết gì về bản thân mình? Bạn đã bao giờ tạm gác đi thời gian mơ mộng để phân tích thật nghiêm túc về điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân? Nếu từng làm như thế, hẳn bạn sẽ biết rất rõ cần phải bổ sung những kỹ năng gì trước và trong suốt thời gian ươm mầm dự án.
Đôi khi trong cuộc sống ta cần phải dừng lại để thở một hơi thở thật sâu, mỉm cười vì sự ngây ngô của chính mình, rồi lại tiếp tục hành trình giải đáp những câu hỏi lớn.
NGUYỄN PHI VÂN / Theo Tuổi trẻ online