Bằng cấp loại ưu, thông minh nhạy bén, chăm chỉ chịu khó… nhưng không may vấp phải bốn sai lầm dưới đây, tài năng cũng chưa chắc đã cứu được bạn.
Dùng hết toàn bộ năng lực trong một thời gian ngắn
Nhất là những bạn trẻ mới bước chân vào xã hội, nhiệt huyết sục sôi, sức sống căng tràn, lao đầu vào làm việc như những con thiêu thân. Không biết sắp xếp thời gian, quan tâm sức khỏe, giờ giờ tăng năng suất, ngày ngày làm tăng ca, dồn hết mọi khả năng vào làm việc.
Đến một lúc nào đó, khi những tri thức bạn có không còn đủ để phục vụ công việc của bạn, nhưng bạn cũng lại không thể kịp thời bổ sung, vậy là thảm họa xảy ra. Công việc không thuận lợi, năng suất kém, liên tục gặp khó khăn trở ngại khiến bạn mệt mỏi chán chường.
Vì thế các bạn nhất định phải cân bằng “nạp điện” và “dùng điện”, không nên phát huy hết sạch toàn bộ năng lực bản thân trong một thời gian ngắn. Phải học cách tăng giá trị của bản thân, không ngừng tích lũy sức lực, tri thức. Chứ đừng “một phút huy hoàng rồi vụt tắt”.
Vì sĩ diện mà phạm phải những sai lầm không đáng có
Rất nhiều người chỉ vì sĩ diện mà phạm phải những sai lầm không đáng có.
Để chứng minh bản thân có quyền lực, có tiếng nói, nhiều người đã làm ra những việc vượt quá thẩm quyền, trái với nguyên tắc và qui định của công ty, để rồi cuối cùng bị cấp trên trừng phạt thích đáng.
Thể diện có thể giúp bạn thành công cũng có thể khiến bạn thất bại. Đừng để bạn thân bị đánh bại chỉ vì hai chữ “thể diện”. Lúc cần giữ thể diện thì giữ thể diện, lúc cần phải nhún nhường thì phải tỉnh táo.
Chọn phương pháp cạnh tranh sai, gậy ông đập lưng ông
Trong môi trường làm việc, nếu muốn cạnh tranh, bạn nhất định phải dùng những biện pháp đúng lý hợp tình. Ví dụ như cố gắng nâng cao năng lực bản thân, giải quyết rắc rối trong công ty… Tuyệt đối đừng nên áp dụng một vài cách chơi “không đẹp”. Việc săm soi người khác để tìm sơ hở, rồi thu thập chứng cứ chỉ tội bôi nhọ người khác… sẽ chỉ mang lại tác dụng tiêu cực.
Lựa chọn những phương thức ấy sẽ dần khiến bạn bị sa vào vòng xoáy trái đạo đức, “bào mòn” lương tâm, đặt những “quả bom hẹn giờ” lên suốt dọc đường thăng tiến trong tương lai.
Gây thù chuốc oán là một vòng quay bất tận, hôm nay bạn đạp đổ của người này, ngày mai người ta ngáng chân bạn. Kể cả khi bạn có là người chiến thắng cuối cùng, thì khi ngồi trên vị trí mình mong muốn, quay đầu lại liệu bạn còn thấy ai yêu quý ủng hộ mình không?
Hay nếu bạn đến xin việc ở một nơi khác, liệu công ty mới có còn trọng dụng bạn khi nghe được những thông tin không hay về bạn ở công ty cũ? Làm gì cũng phải nhìn xa trông rộng, nghĩ về tương lai chứ đừng chỉ ham cái lợi trước mắt. Không cái lợi nhãn tiền nào bì được với tương lai của bạn đâu.
Thiếu kĩ năng giao tiếp, mất đi sự ủng hộ của mọi người
Có những lúc trong đầu bạn là hàng ngàn ý tưởng mới lạ, nhưng bạn lại thiếu kỹ năng giao tiếp, không ai hiểu được cái hay trong ý tưởng của bạn, không ai ủng hộ. Thế là ý tưởng vốn đã có thể làm nên chuyện của bạn bị bỏ xó.
Hay khi bạn cần sự ủng hộ của mọi người, nhưng bạn lại ngại mở miệng nhờ vả. Bạn không nói bạn cần, không ai biết, đương nhiên cũng không ai đưa tay ra giúp. Chẳng ai có thể tự động hiểu bạn khó khăn mà chạy đi giúp bạn cả.
Đây là thực tế, người ta nói người ngoài ngành không hiểu nhau nhưng thực ra đến trong ngành nhưng khác vị trí cũng không hiểu nhau. Một người chưa từng ngồi ở vị trí của bạn, có quý bạn đến đâu thì cũng chẳng thể nhận ra bạn đang khó khăn ở đâu để mà giúp.
Thậm chí, bạn có thể là người rất hiền lành tốt bụng, nhưng giao tiếp quá kém, làm người khác mất thiện cảm với bạn. Tìm được việc đã khó, hòa nhập với mọi người ở chỗ làm lại càng khó, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hứng thú làm việc của bạn, ảnh hưởng hiệu quả lao động, lãng phí tài năng, chặn đường thăng tiến.
Tóm lại, ra ngoài làm việc quan trọng nhất là năng lực, nhưng chỉ cần sơ ý một chút, là bạn đã có thể thành công chôn vùi tài năng của chính mình. Gửi các bạn đang ưu tú và sắp ưu tú, mong các bạn sẽ không ưu tú trong cả việc “ngáng đường” chính mình.
Sandy
Theo Trí Thức Trẻ