Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của các công ty Fintech, khách hàng đã trở thành đối tượng mà ngân hàng phải chèo kéo, quyến rũ. Sự cạnh tranh để lôi kéo khách hàng giữa các ngân hàng với nhau, giữa ngân hàng với các công ty Fintech, ngày càng trở nên quyết liệt hơn.
Sự biến đổi từ Ngân hàng truyền thống sang Digital Banking và Digital Bank
Trước khi tìm hiểu hai khái niệm mới mẻ trong ngành ngân hàng, chúng ta cùng nhìn lại một chút lịch sử phát triển của ngân hàng Việt Nam.
Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1960 đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Ngày 31/12/1954, ông Bảo Đại ký quyết định số 48 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ở miền Nam.
Đến năm 1975, sau khi hai miền thống nhất, hệ thống ngân hàng được quy về một mối. Từ năm 1990 đến nay ngân hàng hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Trong 5-10 năm trở lại đây, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, nhiều ngân hàng của Việt Nam đã có sự thay đổi hoàn toàn về diện mạo, có thể nói là “cải lão hoàn đồng”. Họ đưa ra nhiều dịch vụ mới dựa trên những công nghệ tiên phong mà thế giới đang áp dụng.
Theo thống kê của IDG Việt Nam, trong năm 2017, 81% người Việt tham gia khảo sát trả lời rằng họ ít nhất tham gia một giải pháp của Digital Banking. Con số này rất cao nếu so sánh với mức 21% của năm 2015. Như vậy trong vòng có 2 năm con số này đã tăng gấp 4 lần. Điều này cho thấy người dân ngày càng sử dụng nhiều hơn dịch vụ ngân hàng số.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải làm rõ khái niệm Digital Banking và Digital Bank. Theo bà Lương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Quản lý dự án VP Bank, thì Digital Banking là “các ngân hàng vẫn cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính của ngân hàng, nhưng đem đến cho khách hàng một trải nghiệm mới. Họ giúp khách hàng online để nhận được các dịch vụ của ngân hàng truyền thống”. Tuy nhiên, với Digital Banking, khách hàng đôi khi vẫn phải thực hiện các thủ tục tại các đại lý. Còn Digital Bank là số hóa 100% các trải nghiệm của khách hàng.
Cũng theo bà Lương Thị Hồng Hạnh, có 2 điểm khiến Digital Bank khó có thể thực hiện tại Việt Nam vào thời điểm này: thứ nhất là chỉ số KYC (Known Your Customer – Hiểu biết khách hàng). Các ngân hàng rất khó để đạt được một tỷ lệ hiểu biết khách hàng cao hơn. Thứ hai, ở Việt Nam chưa có luật Agent Banking nên các ngân hàng chưa được phép thuê bên thứ ba thực hiện các giao dịch số hóa 100% với khách hàng
“Làm Digital Banking ở Việt Nam không khó”
Đây là nhận định của ông Trần Hoài Nam, Giám đốc dự án IPPS – Ngân hàng số của Tiên Phong Bank. Ông Nam đã dùng từ “đa dạng” để mô tả về sản phẩm dịch vụ tài chính của các ngân hàng hiện nay. Vị Giám đốc dự án của Tiên Phong Bank nói rằng cơ hội làm Digital Banking là rất rộng mở.
Đồng tình với ý kiến này, bà Lương Thị Hồng Hạnh nói rằng chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để áp dụng Digital Bank. Việt Nam có 100 triệu dân, dân số trẻ, tỷ lệ cao số người sở hữu các thiết bị thông minh, tỷ lệ người dùng Internet cũng ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực. Đây là cơ hội lớn cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm thực hiện số hóa.
Bà Hạnh dùng hình ảnh sóng thần để mô tả công nghệ đã thay đổi cuộc sống của người dân như thế nào. Công nghệ đã đi sâu vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế, của mọi lứa tuổi. Sự thích nghi với công nghệ mới của người Việt là rất nhanh.
Nhưng có phải công nghệ là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng phải chuyển đổi mô hình sang Digital Banking?
Theo ông Trần Hoài Nam, khi sự cạnh tranh giữa các ngân hàng và công ty Fintech trở nên quyết liệt hơn, Tiên Phong Bank phải tìm ra một lợi thế cạnh tranh – đó là đầu tư vào công nghệ – bởi Tiên Phong Bank là một ngân hàng mới nên chưa có nhiều tiềm lực về con người, về chi nhánh, về độ phủ.
Ông Nam cũng nói rằng chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên đáng kinh ngạc. Chúng ta ngồi nhà dùng smartphone và làm được tất cả mọi thứ qua các app. Now Delivery giúp chúng ta ăn uống, di chuyển từ nơi này đến nơi khác chúng ta dùng Grab, mua vé máy bay hay đặt chỗ khách sạn thì không còn khái niệm đi ra phòng vé v.v… mọi thứ đều có thể làm online. Chính vì vậy thói quen của khách hàng đã thực sự thay đổi.
“Cách đây khoảng 20- 30 năm thì ngân hàng tự coi mình như một vị vua, bởi khi khách hàng cần vay tiền, cần chỗ gửi tiền, không ai có thể giúp được ngoài ngân hàng. Nếu xem các bộ phim ngày xưa thì ngân hàng rất hoành tráng. Người ngồi trong ngân hàng mặc suit, coi khách hàng như rác. Nhưng thời điểm này thì khách hàng mới là người mặc suit và ngân hàng cứ chạy theo xung quanh”, ông Nam ví von một cách dí dỏm.
Vào năm 1994, tỷ phú Bill Gates đã từng có một câu nói mà đến nay nó đã “ứng nghiệm” một cách không ngờ. Ông nói rằng “Banking is necessary, bank are not” (Dịch vụ ngân hàng mới quan trọng chứ ngân hàng không quan trọng). Bây giờ chúng ta có thể thấy sự thoái trào của các phòng vé máy bay, của taxi truyền thống. Digital Banking là điều duy nhất, là giải pháp duy nhất để ngân hàng có thể cạnh tranh và tồn tại.Sự xuất hiện của các công ty Fintech cũng là mối đe dọa lớn đến ngân hàng truyền thống khiến các ngân hàng phải thay đổi. Sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, đã có một làn sóng các công ty khởi nghiệp tập trung vào lĩnh vực công nghệ trong tài chính. Thuật ngữ Fintech là từ viết tắt của Financial Technology (Công nghệ Tài chính). Nó bao gồm các công ty sử dụng Internet, điện thoại thông minh, điện toán đám mây và các công nghệ tiên phong khác nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động tài chính ngân hàng.
Sở dĩ Fintech là mối đe lớn đến các ngân hàng là vì họ cung cấp các giải pháp, giữa người đi vay và người cho vay chẳng hạn, rất hiệu quả, rút ngắn thời gian rất nhiều so với thủ tục phê duyệt tại ngân hàng. Fintech giúp cho các giao dịch tài chính dễ dàng, minh bạch hơn và chi phí thấp hơn.
Theo ông Trần Hoài Nam, có 3 lý do để các ngân hàng phải chuyển mạnh sang Digital Banking, đó là sự thay đổi hành vi của khách hàng, tiềm lực của ngân hàng và các ngành nghề khác có thể thay thế ngân hàng truyền thống.
Về việc chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang Digital Banking, bà Lương Thị Hồng Hạnh cho biết giai đoạn 2008- 2009 VP Bank là ngân hàng ngoài quốc doanh. Năm 2010 đổi tên thành Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng để xây dựng một ngân hàng hiện đại. Vào thời điểm đó VP Bank có 200 chi nhánh, có nhiều kinh nghiệm trong dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm, nhưng nhờ sự giúp đỡ của công ty tư vấn hàng đầu thế giới là McKinsey, VP Bank nhận thấy rằng Việt Nam đứng trước cơ hội quá lớn mà không thích nghi thì sẽ tụt hậu. VP Bank chuyển sang ngân hàng số không phải bị thúc đẩy bởi sự khó khăn, mà bởi thời cuộc, phải “cải lão hoàn đồng”, phải thích nghi với thị trường, tìm cách chạy đua với thị trường sôi động ở Việt Nam.
4 nguyên tắc cho các startup muốn “nhảy” vào lĩnh vực tài chính ngân hàng
Theo bà Lương Thị Hồng Hạnh, bất cứ một doanh nghiệp nào, một dự án nào cũng có thể thất bại, nhưng không được phép thất bại lớn mà phải thất bại thật nhanh, thất bại thật rẻ. Bà đã từng thất bại nhiều lần với các dự án nhưng đều là các thất bại với tài chính và nguồn lực thấp nhất có thể.
Bà Hạnh đã chia sẻ 4 nguyên tắc mình học được từ ngân hàng Commonwealth Bank of Australia – một ngôi sao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng số, đó là:
– Nhiều hơn
– Tốt hơn
– Khác biệt
– Bớt đi
Với nguyên tắc cuối, chẳng hạn các ngân hàng hiện nay có 20 giây để xử lý giao dịch, làm thế nào để bớt đi thành 10 giây, 5 giây. Nếu một ngân hàng đầu tư 100 nghìn USD cho một dự án, thì ngân hàng của bạn làm thế nào để đầu tư 20 nghìn USD mà vẫn có hiệu quả.
“Khách hàng chỉ có 24 giờ, không có giờ thứ 25 nên phải đem lại cho họ nhiều thứ nhất trong một khoảng thời gian hữu hạn”, bà Hạnh cho biết.
Trong năm nay, tính cho đến thời điểm hiện tại, đã có 78 startup đăng ký hoạt động trong lĩnh vực Fintech, trong đó có 27 startup đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán và cổng thanh toán. Nhưng bà Hạnh cho rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp giải pháp thanh toán (payment) là nhiều rủi ro, dễ thua lỗ. Bà khuyến cáo rằng các công khởi nghiệp nên tìm các giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các công ty đa quốc gia chứ không nhất thiết phải nhảy vào thị trường payment.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Hoài Nam cũng cho rằng startup Việt không nên tìm các giải pháp quá đồ sộ để thay thế ngân hàng, trở thành đối thủ của ngân hàng. Họ nên tìm những khoảng trống, những giải pháp để hỗ trợ ngân hàng. Có nhiều lớp khách hàng mà ít ngân hàng và công ty Fintech tiếp cận tới là những người bán hàng online, shipper, chủ cửa hàng tạp hóa…
“Đừng thần thoại hóa payment, hãy nghĩ đến những giải pháp công nghệ phù hợp, mang lại giá trị tài chính”, bà Lương Thị Hồng Hạnh chia sẻ.
Đăng Khoa
*Xem thêm