Dù trong cuộc sống cá nhân hay trong công việc, sẽ có những khoảnh khắc chúng ta ước có thể được làm lại. Đó là khi ý tưởng về điều đúng đắn hơn chợt đến sau khi chúng ta đã đưa ra quyết định, khi chúng ta nhận ra lời nói hoặc hành động hoặc ngôn ngữ cơ thể của mình chưa được đúng mực…
Làm sao để giảm thiểu tần suất xuất hiện của những khoảnh khắc này?
Nhiều nghiên cứu trong khoa học thần kinh cho thấy, có một số hành động và thói quen mà chúng ta có thể rèn luyện để kiểm soát tốt hơn cách suy nghĩ và phản ứng của bản thân với các sự kiện bên ngoài.
Chúng ta chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng của não bộ. Hãy tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu một người có thể khai thác nhiều hơn dù chỉ 5% năng lượng não của mình? Họ sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn, một nhà đàm phán thành công hơn hoặc một vận động viên giỏi hơn!
Brent Gleeson – cựu binh đội đặc nhiệm Hải quân Mỹ Navy SEAL, nhà đồng sáng lập, CMO của Hãng digital marketing Internet Marketing cho rằng, nếu kiểm soát tốt hơn những suy nghĩ, cảm xúc và cách giao tiếp với người khác, chúng ta sẽ thu được nhiều kết quả khả quan hơn mong đợi. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các nhà lãnh đạo trong quá trình điều hành công ty/tổ chức.
Theo Brent Gleeson, sau đây là 4 thói quen đơn giản cần rèn luyện mỗi ngày để thay đổi cách suy nghĩ cũ và “cải thiện chất lượng” mọi thứ trong công việc và cuộc sống cá nhân của những nhà lãnh đạo nói riêng và tất cả mọi người nói chung:
1. Suy nghĩ tích cực
Trong giai đoạn huấn luyện ban đầu của Navy SEAL, đồng hồ của tôi luôn báo thức vào lúc 4 giờ sáng. Trong vòng vài phút đầu tiên sau khi thức dậy, lúc nhìn chằm chằm lên trần nhà, tôi luôn bị một “làn sóng sợ hãi” tấn công, trước khi cảm giác mong chờ niềm vui xảy đến. Tôi thường cảm thấy nuối tiếc vì những cơ hội đã bị bỏ qua.
Tôi nhận ra rằng, cách suy nghĩ và hành động vào những phút đầu tiên trong ngày có thể quyết định nhận thức của chúng ta về các sự kiện sẽ diễn ra, ví dụ như những tương tác với gia đình và đồng nghiệp. Chúng ta không có quyền kiểm soát những sự kiện nhưng hoàn toàn có quyền kiểm soát cách bản thân phản ứng với chúng.
Nhà lãnh đạo cần nhớ rằng mỗi lời nói và hành động của họ đều bị “soi” và trở thành đề tài bàn tán của nhiều người, do đó, cần phải kiểm soát hành vi của mình nhiều hết mức có thể.
Mỗi buổi sáng, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn sẽ phải trải qua rất nhiều kinh nghiệm khác nhau trong ngày và bạn có thể xác định cách mình nắm lấy những khoảnh khắc đó. Sự kỷ luật và thái độ tích cực chính là cách duy nhất để được tự do thật sự. Hãy tập trung một cách tích cực vào những điều bạn có thể kiểm soát và bỏ qua những điều bạn không thể. Hãy lãnh đạo bằng cách giúp nhân viên cũng có cái nhìn tích cực như vậy.
2. Kiểm soát hành động
Nếu có thể kiểm soát phản ứng của mình, chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn trong việc hoạch định kết quả khi xử lý những tình huống khó khăn. Hãy tạm ngưng một chút trước khi đưa ra phản ứng với ai đó, để tự xem xét và đảm bảo rằng bạn đã nghĩ về việc phản ứng của mình có thể tác động đến người khác, đến kết quả của sự việc như thế nào. Việc này sẽ giúp giảm bớt những khoảnh khắc chúng ta muốn được “làm lại” và cho phép chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về lời nói nói và hành động của mình.
Nên nhớ rằng, văn hóa của tổ chức có thể được hình thành dựa trên những suy nghĩ và hành động của từng thành viên trong tổ chức đó. Và hơn ai hết, nhà lãnh đạo sẽ góp phần lớn trong việc thiết lập nên văn hóa này, dù họ có nhận ra hay không.
3. Tập trung vào những cơ hội
Những nhà lãnh đạo có thái độ tích cực thường nhìn thấy cơ hội trong mọi tình huống.
Bị mất một khách hàng lớn? Họ có thể tập trung nguồn lực để đầu tư vào những khách hàng tuyệt vời khác! Một trong những thành viên chủ chốt trong đội ngũ rời khỏi công ty/tổ chức? Những thành viên khác sẽ có cơ hội để được tỏa sáng!
4. Tự tạo ra tiềm năng
Người thành công có xu hướng tìm kiếm những phương thức mới mẻ và khác biệt để “mở khóa” tiềm năng của bản thân. Điều này thường liên quan đến việc chấp nhận thực hiện những việc mang tính rủi ro, kiểm soát tốt nỗi sợ hãi và biến nó thành sức mạnh.
Thỉnh thoảng, chúng ta cần phải nhìn lại và phân tích kết quả mình nhận được và so sánh chúng với kết quả mình từng mong đợi. Nhà lãnh đạo giỏi và những người thành công thường hiếm khi hài lòng với hiệu suất hiện tại.
Bích Tâm | Theo Doanh Nhân Sài Gòn