Hiệu quả thực sự của các kênh đầu tư không chỉ phụ thuộc vào diễn biến chung của thị trường, mà còn tuỳ vào chiến lược đầu tư của mỗi cá nhân.
Vàng
Trong 10 tháng đầu năm 2016, giá vàng trong nước có nhiều phiên biến động do sự thăng trầm của thị trường vàng thế giới. Ngày 1/11, giá vàng SJC bán ra tại Hà Nội đạt 35,75 triệu đồng một lượng. Như vậy, nếu đầu tư vàng từ đầu năm, tức khoảng 32,55 triệu đồng một lượng thì đến nay nhà đầu tư lãi hơn 3,2 triệu đồng, tương đương 9,8%. Đà tăng này một phần được hình thành từ hiệu ứng của việc cử tri Anh quyết định rời Liên minh Châu Âu (Brexit).
Sau quãng biến động ngắn do kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng hiện đã hạ nhiệt và hiện khá trầm lắng. Theo một số đánh giá, kênh đầu tư vàng trong thời điểm này vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro vì tăng trưởng của thị trường vàng phụ thuộc lớn vào chính sách tiền tệ.
Trong nước, Chính phủ đang có xu hướng huy động vàng nhàn rỗi trong dân để phát triển kinh tế.
USD
Cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất về 0% đối với tiền gửi bằng đồng USD của cá nhân, tổ chức tại các tổ chức tín dụng. Từ đây, kênh đầu tư này trở nên kém hấp dẫn tại Việt Nam.
Mua vào USD từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư đang bị lỗ nếu bán ra vào thời điểm này. Đầu năm 2016, giá trị mua vào 1 USD = 22.450 đồng, nhưng đến nay bán ra chỉ được 22.355 đồng, giảm 95 đồng, tương ứng giảm 0,4%.
Với chính sách thắt chặt tiền tệ, chống đô la hoá, vàng hóa trong nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kênh đầu tư USD sẽ được cho là sẽ tiếp tục thất thế.
Gửi tiết kiệm
Với cuộc chạy đua lãi suất huy động năm nay, người gửi tiền có cơ hội nhận lãi suất lớn. Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất kỳ hạn ngắn lên 8% như Eximbank.
Tuy nhiên, phần đông các ngân hàng thương mại vẫn giữ mức lãi suất huy động từ 6,2 đến 6,4% trong một năm. Như vậy, bình quân lãi suất ngân hàng khoảng 6,5%. Lạm phát 10 tháng năm nay đạt khoảng 4%. Như vậy kênh đầu tư gửi tiền ngân hàng chỉ có tỷ suất lợi nhuận thực khoảng 2,5%.
Dự báo, lạm phát năm 2015 ở mức 5%.
Với chính sách hạ lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, gần đây hàng loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank đã cam kết giảm lãi suất cho hay. Việc giảm lãi suất cho vay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi.
Chứng khoán
Trải qua những phiên lao dốc dữ dội hồi đầu năm, đến nay thị trường đã lấy lại vị thế, nhiều cổ phiếu tăng nóng. Tính đến này 1/11, VN-Index đã tăng hơn 100 điểm, tương ứng gần 20% so với đầu năm.
Nhà đầu tư trên thị trường đang tỏ ra khá hào hứng với hàng loạt các doanh nghiệp lớn sắp lên sàn như: Habeco, Sabeco, ACV… Việc thoái vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng sẽ là động lực của thị trường bên cạnh những thay đổi về chính sách hỗ trợ thị trường, các sản phẩm mới…
Tuy vậy, hiệu quả đầu tư vào chứng khoán còn tuỳ thuộc vào danh mục, lựa chọn cổ phiếu cụ thể của nhà đầu tư.
Bất động sản
Thị trường bất động sản năm 2016 được cho là đang trên đà tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo Bộ Xây dựng gửi Quốc hội, thị trường địa ốc tăng trưởng bền vững nhìn từ 5 yếu tố: giá bán tăng từ 1 – 5%, thanh khoản tăng, cơ cấu phân khúc hợp lý phù hợp với nhu cầu thực, tồn kho giảm, tín dụng ngân hàng cho địa ốc tăng.
Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, thị trường bất động sản căn hộ để bán, biệt thự, nhà liền kề ghi nhận nguồn cung ra thị trường lớn. Dù tăng trưởng nóng song tính đến hiện tại, giá nhà vẫn thấp hơn 30% so với cơn sốt năm 2008, trong khi cơ cấu phân khúc nhà ở hợp lý hơn.
Dù thăng trầm nhưng địa ốc vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn với đa số người có tiền nhàn rỗi. Vì ngoài yếu tố sinh lời đều đặn từ việc cho thuê, bất động sản thường được kỳ vọng tăng giá trong dài hạn, trong bối cảnh đất chật người đông tại các khu đô thị, đồng thời tỷ lệ lợi tức cho thuê tại Việt Nam cao hơn lãi suất tiết kiệm hiện hành.
Bạch Dương | Theo VnEconomy