Cùng với sự phát triển, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn đến việc xây dựng một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và có bản sắc riêng, trong đó, vai trò của người lãnh đạo là hết sức quan trọng.
Văn hóa doanh nghiệp không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo doanh nghiệp mà còn thể hiện cả bản sắc riêng của đội ngũ nhân viên so với các doanh nghiệp khác.
Một nghiên cứu của Deloitte University Press (Mỹ) cho thấy rằng, chỉ có 12% nhân viên các công ty tham gia khảo sát tin rằng công ty của họ đang hoạt động hiệu quả theo văn hóa doanh nghiệp mà họ muốn. Trong khi đó có tới 64% cảm thấy họ không có một môi trường làm việc thực sự tốt.
Cho dù doanh nhân có nhận thức được điều này hay không, thì mỗi doanh nghiệp cũng cần xây dựng được văn hóa riêng của mình. Nếu không có định hướng và ảnh hưởng tích cực, thì các yếu tố tiêu cực cứ thế tồn tại và định hình văn hóa doanh nghiệp theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp.
Dưới đây là 5 yếu tố có thể góp phần tạo nên một nền văn hóa doanh nghiệp tệ hại, gây cản trở đến sự phát triển của doanh nghiệp:
1. Giao tiếp kém
Các công ty phải đảm bảo các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ luôn duy trì sự giao tiếp với nhân viên để truyền đạt giá trị, tầm nhìn, định hướng, mục tiêu của công ty, đồng thời thông báo trước về những thay đổi lớn để nhân viên hiểu đầy đủ về quá trình diễn ra. Điều này sẽ giúp nhân viên cảm thấy họ có tiếng nói và được tôn trọng.
Một cuộc khảo sát do Hiệp hội tâm lý Mỹ phát hiện ra rằng cứ 4 nhân viên thì có 1 người không tin tưởng ông chủ của họ. Tương tự, một nghiên cứu của trường Đại học Fordham cho thấy rằng khoảng một nửa trong số các nhà quản lý không tin tưởng các nhà lãnh đạo công ty.
Các nhân viên sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi công việc bị cắt giảm, nhưng trong trường hợp bất đắc dĩ, lãnh đạo công ty nên dành thời gian để giao tiếp, nói rõ lý do phải cắt giảm nhân sự.
2. Nhân viên “tệ”
Một môi trường làm việc cạnh tranh quá nhiều dễ dẫn đến sự chia rẽ và ganh ghét lẫn nhau, mà không có sự chia sẻ kiến thức, cùng hợp tác để hoàn thành các mục tiêu chung. Một nghiên cứu của Harvard Business School cho thấy rằng mỗi nhân viên tệ hại có thể gây thiệt hại 12.000 USD chi phí doanh thu của doanh nghiệp.
Các nhân viên tiếp xúc với một nhân viên “độc hại” có tới 46% khả năng bị sa thải vì hành vi sai trái mình, hơn thế nữa nó còn dễ dẫn đến sự lây lan các hành vi độc hại sang phần còn lại của nhóm. Do đó, khi tuyển dụng nhân sự ngoài việc thuê những ứng cử viên có các kỹ năng, kỹ thuật tốt nhất, lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên chú ý xem người đó có phù hợp với văn hóa mà công ty đang xây dựng hay không.
Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận dễ đẩy nhân viên đến hành vi kinh doanh phi đạo đức.
3. Chỉ chú trọng vào lợi nhuận
Nghiên cứu của Deloitte cho thấy các công ty không có mục tiêu dài hạn thường có xu hướng tập trung nhiều hơn vào kết quả (69%) và lợi nhuận ngắn hạn (52%). Trong khi đó, nghiên cứu kết hợp giữa Đại học Columbia và Đại học Duke (Mỹ) cũng cho thấy rằng việc tập trung vào các con số hơn con người có thể khuyến khích các hành vi phi đạo đức.
Điều này thể hiện rõ trong một số vụ việc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gần đây, bao gồm bê bối Volkswagen, Toshiba, Zenefits, ngân hàng ANZ hay ngân hàng Well Fargo,… Tất cả đều do chạy theo doanh số dẫn đến các hành vi kinh doanh phi đạo đức.
4. Chống lại sự đổi mới
Các cụm từ như “chúng tôi luôn làm việc theo cách này”, “sẽ không làm việc ở đây” hay “nó không phải là vấn đề của tôi” chính là rào cản cản trở sự tiến bộ. Một nghiên cứu của Google về sự hợp tác tại 258 công ty cho thấy rằng, 73% người lao động tin rằng, công ty của họ sẽ đạt được nhiều thành công hơn nếu họ được khuyến khích làm việc theo cách linh hoạt và có sự hợp tác.
Tuy nhiên, có tới 22% các công ty tin rằng phải thay đổi phong cách làm việc và thói quen là rào cản lớn nhất để tạo nên một nền văn hóa của sự hợp tác, trong khi 17% cho rằng thiếu động cơ để hợp tác làm việc là rào cản và 14% cho rằng lý do là do thiếu một nhà lãnh đạo.
5. Quản lý chặt hiệu suất làm việc
Hệ thống quản lý hiệu suất nhân viên của một công ty cũng có thể có một ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh việc tạo ra tác động tích cực là nâng cao tinh thần cạnh tranh giữa các nhân viên thì nó cũng có thể tạo ra nỗi sợ thất bại và dẫn đến một vài rủi ro nhỏ.
Mô hình đánh giá hiệu suất phổ biến mỗi năm một lần hiện nay đã không còn theo kịp với tốc độ hiện đại hóa, nhu cầu học hỏi những điều mới mẻ và phản hồi những bất cập cũng như không còn phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của các ngành công nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp nên có một mô hình đánh giá hiệu suất của nhân viên linh hoạt hơn.
Kiều Châu | Theo Bizlive