Khi ở trong trường hợp còn quá nhiều việc chưa được giải quyết mà thời hạn sắp hết, hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng và đôi phần mất tập trung. Một số người sẽ đâm ra chán nản, có xu hướng “giải trí” bằng cách đọc truyện tranh, lướt web…
Thế nhưng, giáo sư triết học John Perry ở ĐH Stanford gợi ý chúng ta có thể lợi dụng tính chần chừ này để tăng hiệu suất làm việc. Rất đơn giản, hãy viết ra một danh sách nhỏ gồm một việc quan trọng nhất cần giải quyết và một số việc ít quan trọng hơn cần làm. Bạn nhớ viết những việc nhỏ, dễ lên trên đầu danh sách và tăng dần mức độ.
Kết quả là não bộ sẽ nhận ra rằng những việc nhỏ kia có vẻ dễ làm hơn và không quá áp lực, để rồi bắt tay vào làm. Vậy là chúng ta không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ khác. Thêm nữa, khi có nhiều việc nhỏ trong danh sách, độ “đáng sợ” của việc khó nhất cũng phần nào giảm xuống và khiến ta có tâm lý thoải mái hơn, từ đó làm việc năng suất hơn.
Một thí nghiệm của ĐH Cornell (Mỹ) chỉ ra rằng, nnhiệt độ phòng quá lạnh sẽ khiến cho não bộ trở nên mất tập trung. Cụ thể, nếu hạ nhiệt độ phòng từ 25 xuống 20 độ C, số lượng lỗi làm việc của một nhóm người tham gia nghiên cứu tăng lên 44%.
Một yếu tố quan trọng khác là cường độ ánh sáng tự nhiên cũng góp phần không nhỏ tới sự tập trung của não bộ. Việc tiếp xúc với ánh Mặt trời sẽ giúp não tăng cường độ tiết hormone cortisol từ tuyến thượng thận, giúp chúng ta dễ tập trung, hứng thú hơn trong công việc.
Một gợi ý thú vị khác là thay vì nhốt mình trong một căn phòng yên lặng và buồn tẻ, hãy tìm không gian hơi có tiếng ồn một chút như một quán cà phê đông khách ra vào để làm việc.
Theo Wall Street Journal, các nhà khoa học nhận thấy trong không gian có nhiều tiếng ồn, não bộ sẽ tự động tăng cường sự tập trung, giúp chúng ta cảm thấy chú tâm hơn. Tuy nhiên, không gian chúng ta lựa chọn cũng không nên quá ồn ào, nhộn nhạo, bằng không sẽ phản tác dụng.
Đã có không ít công trình nghiên cứu chứng minh lợi ích của một giấc ngủ trưa ngắn (15 – 20 phút) đối với hiệu suất làm việc của não bộ. Thậm chí, các công ty hàng đầu thế giới như Google hay Apple cũng đã cho phép nhân viên mình ngủ trưa trong thời gian làm việc.
Theo các nhà khoa học, giấc ngủ bao gồm nhiều chu kì nối tiếp nhau. Mỗi chu kì có 2 giai đoạn là NREM (non-rapid eye movement – mi mắt hầu như không cử động) và REM (rapid eye movement – mi mắt cử động nhanh). Ở giai đoạn REM, các hoạt động của sóng não chậm lại và làm tăng cường khả năng ghi nhớ thông tin não bộ.
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng khi nghe nhạc (hoặc bất cứ hành động nào gây thỏa mãn), não bộ sẽ tiết ra chất dopamine. Đây là một hợp chất dẫn truyền thần kinh, giúp việc dẫn truyền thông tin của các tế bào não trở nên dễ dàng hơn. Hơn thế nữa, nồng độ dopamine trong cơ thể càng lớn, động lực và hứng thú làm việc càng cao.
Vậy tại sao ta nên nghe một loại nhạc lạ, chứ không phải dòng nhạc ta quen thuộc? Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nếu nghe thứ nhạc quá quen, não sẽ liên hệ đó là tín hiệu của sự nghỉ ngơi và giải lao. Kết quả là não bộ sẽ lại trở nên “chây ì”.
Các nhà nghiên cứu ở ĐH Hiroshima (Nhật Bản) đã thực hiện một thử nghiệm thú vị sau. Một nhóm tình nguyện viên được cho xem bức ảnh đáng yêu của chó con, mèo con. Kết quả, hiệu suất làm việc của những người này tăng lên tới 44%.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải thích được nguyên nhân cụ thể của hiện tượng này. Có giả thuyết cho rằng, những hình ảnh đáng yêu của loài vật kích thích cảm giác muốn chăm sóc, bảo vệ con vật đó trong bộ não của chúng ta. Từ đó, khả năng tập trung nhằm thực hiện những ước muốn trên cũng tăng lên.