Những người dự định thay đổi công việc như đang phải tham gia vào một cuộc đua mạo hiểm, họ ít nhiều đều tích trong lòng đủ loại xúc cảm nên dễ dẫn đến lựa chọn sai lầm.
Vì sao hầu hết những người có khởi đầu như nhau, qua nhiều lần nhảy việc, bất giác đã nới rộng khoảng cách giữa bản thân và người khác? Đa số chúng ta đều sẽ phải đối mặt với vấn đề nhảy việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đưa ra lựa chọn lí trí nhất. Tại sao lại là lựa chọn lí trí mà không phải lựa chọn đúng đắn? Những người dự định nhảy việc ít nhiều đều tích trong lòng đủ loại xúc cảm. Những cảm xúc này có thể là không hài lòng với công ty, cũng có thể là cảm giác bất lực khi không thể vượt qua khó khăn, cũng có thể là không hiểu rõ bản thân, hoặc là nhiều yếu tố kết hợp lại với nhau.
Mà mang trong mình nhiều cảm xúc như vậy, thường dễ dẫn đến việc lựa chọn sai lầm nhất. Trong trường hợp này, rất khó để có được một sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, và “lựa chọn một cách lí trí”, đã trở thành trách nhiệm lớn nhất cho chính sự lựa chọn đó.
– 01 –
Anh S. bất đồng ý kiến về một dự án với cấp trên, sau khi công khai tranh cãi một trận, bắt đầu nảy sinh ý nghĩ muốn đổi việc.
S đã làm việc trong công ty gần 3 năm, khoảng thời gian đó anh đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong các dự án lớn, sơ yếu lý lịch tốt nên rất nhanh anh đã tìm được một công việc mới. Khi phỏng vấn, S. nhận thấy cấp trên rất thích hợp để hợp tác, đây là điểm mà anh rất quan tâm và xem trọng trong lần nhảy việc này. Sau khi đến công ty mới, S vô cùng phấn khởi, anh lên kế hoạch thể hiện tài năng của mình, nỗ lực để bước lên một tầm cao mới của sự nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian làm thử vẫn chưa trôi qua thì S. đã hối hận. Cấp trên tuy rằng tốt, nhưng các vấn đề nội bộ khác của công ty, chẳng hạn như trong quá trình thực hiện dự án, bản thân anh là nhân viên mới nên không quen thuộc với quy trình, không tài nào hợp tác thật tốt với các phòng ban khác được, sếp tốt nhưng thiếu quyết đoán, đồng nghiệp khó gần và còn những vấn đề khác nữa càng khiến S. đau đầu không thôi.
Điểm mấu chốt đầu tiên khi nhảy việc: Đừng nhảy việc vì để trốn tránh vấn đề. Có một câu nói trong trận chiến bao vây thành: “Những người trong thành liều mạng muốn chạy ra ngoài, còn những người ngoài kia lại liều mạng muốn xông vào trong.”
Các vấn đề bạn gặp phải ở công ty hiện tại, có nhiều khả năng cũng sẽ gặp ở công ty tiếp theo. Sẽ không bao giờ tồn tại một công ty hoàn toàn không có vấn đề. Vì vậy, đừng ôm tâm lý gặp may, cho rằng sau khi nhảy việc thì tất cả rắc rối sẽ không còn nữa. Trái lại rất nhiều vấn đề, khi bạn chấp nhận đối mặt với chúng, bạn sẽ tìm thấy cách giải quyết tốt hơn.
– 02 –
Trước mỗi lần thay đổi công việc, bạn đều nên tự hỏi mình một câu hỏi: Tại sao bạn muốn thay đổi công việc? Đặt câu hỏi là cách tốt nhất để suy nghĩ. Còn câu trả lời của bạn sẽ giúp bạn hiểu được bản thân mình muốn gì hơn.
Điểm mấu chốt thứ hai khi nhảy việc: Biết được nguyên nhân chính khiến bạn muốn nhảy việc, nguyên nhân chính này, phải phù hợp với mục tiêu của bạn.
Cô Q. làm thêm giờ quanh năm, công việc luôn rất bận rộn. Kết quả là sau khi sinh con nhỏ, hầu như cô có rất ít thời gian để chăm sóc bé. Q. đã cân nhắc liệu có nên về nhà làm bà nội trợ. Nếu như luôn chăm sóc con, đến khi bé lớn, cô lại lo lắng bản thân không cạnh tranh nổi với người khác. Nhưng nếu cô vẫn luôn không có thời gian để nuôi dạy con cái, lại lo lắng sẽ bỏ lỡ giai đoạn trưởng thành quan trọng nhất của bé. Trong nhà Q. có người lớn tuổi giúp đỡ chăm sóc bé, người nhà cũng có vài lời phê bình úp mở về việc Q. làm thêm giờ cả ngày lẫn đêm. Điều này mới làm cho Q. có suy nghĩ làm nội trợ, còn tôi đã đưa ra lời khuyên cho Q. là: không cần phải từ chức, chỉ cần chuyển sang công việc ngày làm 8 tiếng thì có thể giải quyết vấn đề của cô ấy rất tốt.
Nhảy việc không nhất thiết phải nhảy lên cao, lần nhảy việc tốt thật sự, là một công việc có thể hóa giải tình huống tiến thoái lưỡng nan lúc đó của bạn.
– 03 –
Trợ lý của tôi, Emma, khi điền nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, đã ghi vào đó một công việc mà nhiều người thân thích cũng đang làm. Nhưng trong khoảng thời gian đại học, vừa bắt đầu cô ấy đã thấy mình hoàn toàn không hứng thú với công việc này, ý nghĩ đó không ngừng xuất hiện trong tâm trí, cô ấy vô cùng chắc chắn rằng bản thân thật sự không muốn quãng đời sau này phải theo đuổi hoặc làm những việc có liên quan đến chuyên ngành này.
Sau khi suy nghĩ như vậy, bắt đầu từ năm hai, Emma đã tiếp xúc với nhiều công việc bán thời gian, trở thành trợ lý đắc lực của tôi, vả lại vào năm tư khi thực tập, đã tìm được một công việc thuộc ngành khác.
Điểm mấu chốt thứ ba khi nhảy việc: Nếu như bạn vô cùng chắc chắn rằng bản thân không thích công việc hiện tại, nhảy việc càng sớm sẽ càng tốt.
Một người thầy mà tôi hâm mộ sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc, khoảng thời gian làm việc trong viện thiết kế là những ngày tháng dày vò nhất của ông. Mà việc phát triển sự nghiệp cá nhân là điều mà ông luôn quan tâm đến. Sau khi rời khỏi ngành kiến trúc, đầu tiên ông làm ở công ty New Oriental, sau đó tự thành lập một đội nhóm ưu tú, dẫn dắt nhiều người bắt đầu khám phá cuộc đời sự nghiệp.
Điều này không thật sự áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng một khi trong lòng của bạn đã chắc chắn, nhất định đừng làm những hành động tự kéo bản thân mình thụt lùi. Đặc biệt đối với sinh viên, nhiều công ty khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, cái họ xem trọng không phải chuyên ngành, mà họ xem trọng một số kỹ năng mềm hơn, đó là thời cơ tốt nhất để cân nhắc việc thay đổi nghề nghiệp.
– 04 –
Điểm mấu chốt thứ tư khi nhảy việc: Mỗi người khi muốn nhảy việc đều nên lập ra một bảng so sánh những lợi ích.
Bảng này có thể giúp bạn thoát khỏi sự ảnh hưởng của cảm xúc và đưa ra lựa chọn lí trí nhất. Bảng so sánh có thể được chia thành hai nhóm lớn: Một nhóm là các yếu tố nhìn thấy được, có thể so sánh và phán đoán một cách trực quan.
Chẳng hạn như tiền lương, cơ hội rèn luyện, mức độ phù hợp của công việc, sự phát triển của ngành nghề, danh tiếng của công ty, v.v. Về danh tiếng của công ty, tôi nhớ cựu phát thanh viên của đài truyền hình trung ương đã từng kể về một kinh nghiệm của bà ấy, sau khi vừa từ chức, những lần phải tự giới thiệu về mình, bà ấy rất lo sợ. Bởi vì bà ấy chỉ mới khởi nghiệp, vẫn không có nhiều tiếng tăm, dường như giới thiệu về bản thân như thế nào cũng không đủ nổi bật. Nhưng khi vẫn còn ở đài truyền hình trung ương, bất kể bà ấy đi đâu, chỉ cần nói mình là phát thanh viên của đài truyền hình trung ương thì không ai là không biết.
Vì vậy, hiện nay có nhiều người bước ra từ các công ty nổi tiếng để bắt đầu khởi nghiệp, đều sẽ nhấn mạnh rằng họ là cựu phát thanh viên đài truyền hình này, cựu giám đốc điều hành doanh nghiệp nọ,… Nhóm còn lại là các yếu tố vô hình, bạn cần phải gia nhập vào công ty mới, mới có thể so sánh và phán đoán, chẳng hạn như sự hợp tác nội bộ trong công ty, năng lực của cấp trên, cơ hội để thăng tiến, v.v.
Nhảy việc là một cuộc mạo hiểm, nếu như không làm thử, sẽ không ai biết được kết quả. Nhưng một người biết cách nhảy việc, trong lòng của anh ta đã có sẵn một bảng so sánh, bởi anh ta biết như vậy khả năng chọn đúng sẽ được tăng lên rất nhiều. Lập cho mình một bảng so sánh, đồng thời không ngừng làm phong phú nó sau mỗi lần thay đổi công việc, bạn sẽ càng thay đổi càng tốt lên.
– 05 –
Điểm mấu chốt thứ năm khi nhảy việc: Cách nhảy việc thông minh nhất, là nhảy việc theo kiểu tích lũy.
Cách nhảy việc ngu ngốc nhất, là cách một thời gian lại đổi sang một ngành hoàn toàn mới. Khi nói đến nhảy việc, còn có một hiện tượng rất phổ biến, đó chính là nhảy việc thành nghiện. Phàm là những người thay đổi nhiều ngành khác nhau trong một thời gian ngắn, vào công ty của tôi, về cơ bản không vượt qua nổi vòng hồ sơ.
Lúc mọi người đang đổi việc, hãy ghi nhớ một nguyên tắc: đừng thay đổi ngành nghề và chức vụ cùng một lúc. Dù ở vị trí nào trong công ty, nếu như thời gian làm công việc đó của bạn ít hơn 1 năm, bạn chỉ có thể hiểu được phần bên ngoài nhất của công việc, đừng nói là thường xuyên thay đổi ngành nghề mới. Nhảy việc theo kiểu tích lũy, mới có thể khiến bạn càng thay đổi càng tốt hơn.
Thế nào là nhảy việc theo kiểu tích lũy? Đó là mang theo kỹ năng có được từ chức vụ, những tích lũy trong ngành, khách hàng, nguồn lực,… để thay đổi, mà không phải mỗi một lần đều là sự khởi đầu hoàn toàn mới.
Tại sao nhiều người khi đến tuổi 35 lại gặp khủng hoảng trung niên? Giả sử hai lần thay đổi ngành nghề trước 35 tuổi, đến 35 tuổi trung bình chỉ có khoảng 5 năm để tích lũy cho mỗi ngành nghề, trong khi một người hoàn toàn không thay đổi ngành nghề ít nhất đã có 10 năm kinh nghiệm, ai sẽ chiếm ưu thế? Làm việc từ 2 đến 3 năm cũng là một cái bẫy, rất nhiều người sẽ cảm thấy công việc không thuận lợi là vì gặp khó khăn, khi tình hình không ổn liền nghĩ đến nhảy việc, cảm thấy làm như vậy là có thể vứt hết mọi phiền não sang một bên.
Cũng như câu chuyện của anh S. ở phần đầu, thật ra như vậy chỉ giúp bạn làm lại từ đầu, đến lúc đó bạn vẫn sẽ đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự như công việc trước đây, nếu có khác biệt thì chỉ là những rắc rối đó sẽ được thể hiện theo cách khác, nhưng về bản chất là như nhau.
Thật ra mỗi người đều sẽ trải qua quá trình này, sẽ luôn gặp phải một vài khó khăn, khi bạn vượt qua được còn người khác thì không, bạn sẽ trở thành người dẫn đầu. Những người đã từng chạy đua sẽ biết, lúc vừa bắt đầu chạy thì rất thảnh thơi, nhưng rất nhanh sẽ cảm thấy khó chịu lần đầu, trải qua giai đoạn này lại có thể tiếp tục chạy. Tiếp theo sẽ gặp phải cảm giác khó chịu lần tiếp theo, sau khi kiên trì lại chạy được một đoạn, khả năng chạy bộ của bạn được nâng cao thông qua những lần lặp đi lặp lại như vậy.
Cho dù chạy bộ hay là khó khăn nghề nghiệp, hầu hết mọi người đều dừng lại ở thời điểm “khó chịu” đầu tiên, một số ít có thể kiên trì ở lần thứ hai, những người kiên trì đến sau lần thứ ba còn ít hơn. Với mức độ nỗ lực thấp của hầu hết mọi người, căn bản không có cách nào để liên tục đổi sang những ngành nghề hoàn toàn mới.
– 06 –
Điểm mấu chốt thứ sáu khi nhảy việc: “Nhảy việc nội bộ”.
Công ty nổi tiếng Sony mỗi tuần đều sẽ xuất bản một tờ báo nội bộ, đăng những “quảng cáo tuyển người” của các phòng ban khác trong công ty, nhân viên có thể tự do và bí mật đến ứng cử trước, cấp trên của họ không có quyền ngăn cản. Vả lại, đối với những nhân tài hăng hái năng động kia, Sony sẽ thay đổi công việc cho họ 2 năm một lần, chủ động tạo cơ hội để họ thể hiện tài năng.
Cách “nhảy việc nội bộ” này là để tạo cơ hội nội bộ cho những người tài. Đương nhiên, “nhảy việc nội bộ” cũng phải có điều kiện, bạn phải hài lòng với công ty hiện tại và năng lực của bản thân thuộc loại khá, chỉ có điều bạn không hài lòng với phòng ban và chức vụ mình đang làm mà thôi. Trong trường hợp này thì trăm hay không bằng tay quen. Tìm kiếm cơ hội từ nội bộ, là một cách tiếp cận vô cùng thông minh.
– 07 –
Điểm mấu chốt thứ bảy khi nhảy việc: Sở hữu tất cả các kỹ năng cần thiết cho vị trí, ngành nghề của mình và không ngừng mở rộng ranh giới khả năng của mình.
Kỹ năng cần thiết là những kỹ năng giúp bạn làm tốt công việc trong một thời gian hiệu quả. Đồng thời đừng quên nâng cao khả năng của mình bằng cách tạo cho mình những kỹ năng cần trang bị hoặc các kỹ năng liên quan đến ứng phó với đồng nghiệp ưu tú hơn bạn, sếp của bạn, các vị trí khác mà bạn quan tâm, v.v.
Từ quan điểm phát triển cá nhân, việc viết, diễn thuyết và những kỹ năng sáng tạo khác ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cũng đáng để bạn không ngừng tạo lập và nâng cao. Một vài đạo lý trông có vẻ đơn giản tại nơi làm việc, trên thực tế, đằng sau chúng đều đáng giá để chúng ta nghiên cứu cẩn thận, lần sau khi bạn buộc phải đổi việc, đừng ngại lấy bài viết này để đối chiếu! Cuộc đời sự nghiệp của bạn sẽ ngày càng thuận lợi hơn!
Theo Tu An