Những người khởi nghiệp lần đầu có xu hướng mắc những sai lầm tương tự nhau, và hậu quả là tạo ra một môi trường làm việc thù địch, hay tồi tệ hơn là khiến cho doanh nghiệp sụp đổ khi mà nó còn chưa bắt đầu hoạt động.
Dưới đây là 9 sai lầm mà những doanh nhân khởi nghiệp lần đầu hay mắc phải nhất và cách phòng tránh:
1. Không lên kế hoạch
Nhiều người cho rằng cứ xây dựng doanh nghiệp trước rồi mọi người sẽ tự khắc tìm đến. Tuy nhiên đây không phải là “Xứ sở Giấc mơ”. Dù bạn đang điều hành loại hình doanh nghiệp nào đi chăng nữa, để công việc kinh doanh có thể diễn ra suôn sẻ, bạn cần nhiều thứ khác chứ không chỉ đơn thuần đưa ra sản phẩm hay dịch vụ. Việc kinh doanh đòi hỏi bạn phải thực sự bước chân vào thị trường và xây dựng mối quan hệ với các khách hàng mục tiêu.
2. Không đánh giá đúng năng lực những người đồng sáng lập
Nếu những người đồng sáng lập với bạn không thể hoàn thành công việc được giao, hay tồi tệ hơn là không đáng tin cậy, thì doanh nghiệp của bạn chắc chắn sẽ thất bại. Hãy đánh giá những người đồng sáng lập đó giống như cách bạn đánh giá một nhân viên tiềm năng. Và khi bạn đã tìm được người phù hợp, hãy đảm bảo dành cho họ những quyền hạn nhất định.
3. Làm việc với bạn bè
Công việc kinh doanh và tình bạn là hai thứ không nên trộn lẫn với nhau. Khi làm việc với bạn bè sẽ thiếu đi sự tôn trọng lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, hơn nữa mối quan hệ cá nhân của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng khi có mâu thuẫn trong công việc. Vì vậy, thay vì lựa chọn những người bạn đã quá quen thuộc, hãy tìm kiếm nhân tài trong các sự kiện xã hội mà bạn tham gia để thu nạp vào đội ngũ của mình.
4. Tự tôn quá cao khi làm việc
Trong môi trường khởi nghiệp, “Không làm theo cách của tôi thì biến” không phải là tôn chỉ làm việc, mà thay vào đó phải là “Chúng ta cần hợp tác như thế nào để đạt được kết quả tốt hơn?”. Bạn là người sáng lập, nhưng không phải là người quan trọng nhất trong doanh nghiệp này. Tầm nhìn về hướng đi của công ty cũng như văn hóa doanh nghiệp mới là những khía cạnh quan trọng hơn nhiều.
5. Không thử nghiệm thị trường
Nếu không thử nghiệm trước để xem sản phẩm của bạn có phải là một lựa chọn khả thi hay không, bạn có thể sẽ tiêu phí thời gian và tiền bạc của hàng tháng hay thậm chí là hàng năm trời. Vì vậy hãy thử nghiệm và lấy phản hồi từ thị trường kể cả trước khi bạn bắt đầu thành lập doanh nghiệp của mình.
6. Cố gắng vươn tới mọi đối tượng khách hàng
Khi bạn quăng lưới xuống biển với mong muốn bắt được mọi sinh vật bên dưới, chúng sẽ làm đứt lưới để thoát ra ngoài. Rốt cuộc bạn quay trở về với hai bàn tay trắng. Hãy trau chuốt những thông điệp của bạn và nhắm đến từng nhóm đối tượng trong từng chiến dịch khác nhau.
7. Tự mình thành lập công ty
Khi bạn là người sáng lập duy nhất, bạn sẽ bị quá tải trong một núi công việc. Mọi trách nhiệm đều đè nặng trên đôi vai của bạn. Thay vào đó, bạn hãy học cách ủy quyền. Hãy giao trách nhiệm cho những người tôn trọng nhược điểm của bạn.
8. Đưa các khoản chi tiêu của doanh nghiệp vào tài khoản tín dụng cá nhân của bạn
Nhiều chuyên gia cho rằng khi bạn đầu tư, hãy chỉ đầu tư những gì mà bạn có thể mất. Nếu không thì bạn sẽ vướng vào một đống các khoản nợ và sớm muộn cũng đi đến kết cục phá sản và mất hết mọi thứ.
9. Ảo tưởng về doanh nghiệp của mình
Không có công việc kinh doanh nào có thể tuyệt vời đến mức như thế. Không một ý tưởng nào có thể “thay đổi thế giới”, ngoại trừ sự cần cù chăm chỉ và hành động dứt khoát. Hãy khiêm tốn về ý tưởng của mình và đừng ra vẻ như nó mang tính cách mạng bởi vì nó không hề như vậy.
Giờ đây khi bạn đã nhận thức được đầy đủ những sai lầm có thể gặp phải và cách để phòng tránh chúng, hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Hãy hướng đến một kết quả duy nhất, đó chính là đỉnh cao chiến thắng.
Như Ngọc / Theo Người Đồng Hành