Bộ Công Thương áp dụng hệ thống văn bản điện tử
Theo đó, từ ngày 1/6, khi văn bản đến các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, khối văn thư sẽ số hóa ngay khi tiếp nhận và cập nhật lên hệ thống, trước khi chuyển tự động đến các cấp lãnh đạo và cuối cùng đến chuyên viên xử lý. Việc phối hợp, trao đổi, góp ý, xử lý đều được thực hiện trên hệ thống.
Hệ thống cũng đáp ứng toàn bộ quy trình phát hành văn bản đi. Từ khâu chuyên viên tạo lập văn bản đi, trình lãnh đạo các cấp, xin ý kiến các đơn vị và cho đến khâu văn thư phát hành đều được xử lý, luân chuyển trên mạng nội bộ.
Việc áp dụng hệ thống văn bản điện tử giúp giảm thời gian xử lý công việc của các cấp, luân chuyển văn bản giữa các đơn vị cũng như thời gian thống kê, tìm kiếm văn bản, giảm tối đa chi phí sao chụp tài liệu giấy.
Ngoài ra, thông qua hệ thống này, lãnh đạo bộ và đơn vị có thể xử lý, chỉ đạo trực tiếp trên mạng đến chuyên viên xử lý. Qua đó, các cán bộ, công chức, viên chức có thể giám sát, xử lý văn bản mọi lúc, mọi nơi thông qua Internet.
Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, Bộ Công Thương là bộ ngành đầu tiên áp dụng quy trình quản lý và xử lý văn bản đi, văn bản đến hoàn toàn trên môi trường điện tử. Hệ thống iMOIT đã liên thông văn bản điện tử đến tất cả các đơn vị.
“Thông qua trục kết nối, hệ thống đã liên thông văn bản với Văn phòng Chính phủ và sẵn sàng kết nối, liên thông với các bộ ngành, địa phương trên cả nước. Đây là tiền đề cho việc sớm hoàn thành mục tiêu Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương”, ông Linh chia sẻ.
Hiện nay, Bộ đã cung cấp đến người dân và doanh nghiệp 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (mức độ cao nhất). Những dịch vụ này đảm bảo việc khai báo và xử lý hồ sơ của doanh nghiệp hoàn toàn trên môi trường điện tử. Theo kế hoạch năm 2016, Bộ sẽ hoàn thành 52 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Minh Trí /Theo Vnexpress
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra