Bộ Tài chính vừa có Công văn số 3357/BTC-TCT quy định về việc quản lý chi hoàn thuế giá trị gia tăng.
Trong Công văn gửi đến Cục thuế các địa phương trực thuộc Trung ương này, bên cạnh việc triển khai thực hiện quy định về quản lý rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính còn tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện hoàn thuế VAT cho người nộp thuế.
Theo đó, Công văn 3357 bãi bỏ quy định giám sát ưu tiên chi hoàn thuế; Tổng cục Thuế chuyển sang giám sát hồ sơ giải quyết hoàn thuế đủ điều kiện ban hành Quyết định hoàn thuế VAT theo quy định tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC. Đồng thời, quy định Tổng cục Thuế có trách nhiệm giám sát hồ sơ hoàn thuế có đủ điều kiện ban hành Quyết định hoàn thuế trong thời hạn 6 giờ làm việc.
Bên cạnh đó, công văn này cũng bãi bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế còn nợ trước khi được hoàn thuế tại điểm 4 của Công văn 13822/BTC-TCT (”Đối với các doanh nghiệp còn đang nợ tiền thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế thực hiện đôn đốc doanh nghiệp nộp đủ số thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước còn nợ trước khi giải quyết hoàn thuế”). Như vậy, người nộp thuế sẽ tiếp tục được bù trừ số thuế còn nợ với số tiền thuế được hoàn theo hướng dẫn tại Điều 59 của Thông tư 156/2013/TT-BTC.
Về phía cơ quan thuế, chuyển cơ chế kiểm tra trước khi hoàn thuế sang kiểm tra sau hoàn thuế đối với các trường hợp rủi ro thấp để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ hoàn thuế VAT.
Ngoài ra, cơ quan thuế vẫn phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như phối hợp cơ quan hải quan, biên phòng, công an, ngân hàng… để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của nhà nước.
Trước thông tin về việc các doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng từ lỗ hổng chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính thừa nhận có chênh lệch trong cách tính giá cơ sở, song chưa nêu ra phương án cuối cùng để khắc phục khoản chênh này và vẫn cho biết đang nghiên cứu khắc phục chênh lệch trên.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.
Để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính cho biết đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn