“Việc làm không nhất thiết là vị trí ở cơ quan nhà nước hay xí nghiệp. Bạn trẻ có thể chọn công việc phù hợp, giúp đem lại giá trị cho mình và gia đình, xây dựng xã hội. Trên tinh thần đó, Bộ LĐ-TB&XH xin chuyển thông điệp đầu năm 2017 tới bạn trẻ: “Khởi nghiệp và việc làm là động lực phát triển xã hội”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ với bạn trẻ tìm việc tại Phiên GDVL đầu năm 2017. Chương trình do Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức sáng 10/1 tại Hà Nội.
Phiên GDVL đầu năm 2017 thu hút sự tham gia của 49 doanh nghiệp, hơn 500 bạn trẻ đã háo hức tới tìm kiếm cơ hội việc làm trong gần 1.200 chỉ tiêu tuyển dụng. Ngoài ra, bạn trẻ còn tới đây để tiếp nhận thông tin tư vấn hướng nghiệp bổ ích.
Tại Phiên GDVL, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bạn trẻ tới tìm việc. Đồng thời, Bộ trưởng đã trao đổi trực tiếp với những ứng viên đang tìm việc online qua hệ thống công nghệ thông tin của TT DVVL Hà Nội.
Đưa ra lời khuyên đồng thời cũng chính là thông điệp năm 2017 gửi tới bạn trẻ, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nói: “Tôi mong muốn từng thanh niên, sinh viên và gia đình chủ động tự tìm, tạo việc làm và thu nhập chính đáng. Việc làm không chỉ là những công việc ở các cơ quan nhà nước hay xí nghiệp, bạn trẻ sáng tạo có thể tự tìm kiếm công việc phù hợp và đem lại giá trị cho bản thân và gia đình”.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng cung cấp tới bạn trẻ những thông tin khởi sắc về thị trường lao động trong năm 2016. Theo đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành nghề kinh tế ước tính đạt 53,3 triệu người, tăng 451.100 người so với năm 2015.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn thừa nhận thực tế về tỉ lệ thanh niên thất nghiệp còn tới 7,3 %; đáng lưu ý là vẫn còn trên 200 ngàn sinh viên có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp hoặc không có việc làm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh: Năm 2017, ngành LĐ-TB&XH và UBND các cấp sẽ coi việc tạo việc làm là một trong những đột phá trong chiến lược phát triển nhân lực VN. Tập trung chủ yếu vào giáo dục nghề nghiệp, xác định nhu cầu của thị trường lao động, từ đó định hướng cho thanh niên và sinh viên tiếp cận với thị trường công nghệ mới và dịch vụ xã hội.
“Để đẩy mạnh việc làm, tôi cho rằng cần phải có sự gắn kết với 3 vấn đề: Giáo dục nghề nghiệp phải bám sát thị trường lao động và người học; gắn chặt người học với nhu cầu thị trường lao động, xác định từng lĩnh vực và ngành nghề trong ngắn và hạn, thậm chí phải phân luồng sớm hơn. Khoảng 30 % học sinh PTCS vào học nghề vào năm 2020” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Hoàng Mạnh | Theo Dân trí