Trong những năm vừa qua, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên ở các vùng quê diễn ra sôi nổi. Ông Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ (RISME) nhận định, lâu nay, khi nói tới khởi nghiệp, chúng ta chỉ nghĩ tới các dự án khởi nghiệp sáng tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin ở các đô thị lớn mà ít chú ý tới khu vực nông thôn, nơi chiếm 70% dân số cả nước.
- Khởi nghiệp nông nghiệp, nhìn Indonesia ngẫm lại mình / Người nông dân khởi nghiệp thu gom, tái chế bao xác rắn
Trong khi hiện nay, với các mô hình sản xuất tiên tiến, công nghệ đột phá, sáng tạo du nhập vào, nhiều thanh niên, trí thức đang làm việc tại các thành phố lớn đã trở về quê hương thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp. Lĩnh vực dành được nhiều sự quan tâm của thanh niên hiện nay là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Ông Hưng cũng cho rằng, với lợi thế về quỹ đất và giá thuê nhân công thấp, cùng với đó vấn nạn thực phẩm bẩn, không an toàn đang trở thành đề tài nóng của xã hội thì xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững đang là xu thế khởi nghiệp ở khu vực nông thôn.
Theo ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, khởi nghiệp ở nông thôn hay thành thị đều dựa trên những ý tưởng và chiến lược kinh doanh hợp lý. Hiện các nhà đầu tư đã dành sự ưu tiên nhiều hơn tới lĩnh vực nông nghiệp bền vững ở các vùng quê. Ông Vương cũng cho biết thêm, khuyến khích được càng nhiều các dự án khởi nghiệp ở các vùng nông thôn sẽ góp phần đưa kinh tế của các địa phương phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
Những ý tưởng khởi nghiệp tại nông thôn sẽ chỉ là những mô hình trang trại, chuỗi kinh doanh nhỏ lẻ nếu thiếu đi những chiến lược phát triển dài hơi. Anh Trần Anh ở thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chủ trang trại cung cấp giống bồ câu Pháp và các con nuôi đặc sản mang lại lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm chia sẻ, ngoài kiến thức về kĩ thuật chăm sóc thì kiến thức về thị trường là mặt còn thiếu của những người khởi nghiệp như anh. Chủ trang trại trẻ này cho biết, những người mới dấn thân vào nghiệp kinh doanh thường “đơn thương độc mã”, rất cần sự trợ giúp về kỹ năng môi giới, đánh giá thị trường, xây dựng các kế hoạch phát triển sản phẩm. Đây là những kinh nghiệm thực tế không thể học được qua sách vở.
Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định là kiến thức về khởi sự doanh nghiệp là điểm yếu của bất cứ cá nhân nào khi khởi nghiệp. Ở các vùng nông thôn, điều này càng thấy rõ. Để khắc phục hạn chế này, ông Trần Anh Vương đề xuất, sớm thành lập các trung tâm hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phố. Các trung tâm này vừa làm nhiệm vụ giúp đỡ nuôi dưỡng những ý tưởng, đánh giá rủi ro khởi nghiệp, vừa kêu gọi góp vốn, vừa là sợi dây kết nối thanh niên đang nuôi dưỡng giấc mơ khởi nghiệp tại các vùng quê với các doanh nhân thành đạt. “Tốt nhất là Nhà nước và tư nhân cùng đứng ra thành lập các trung tâm này”, ông Vương nói.
NGUYỄN HIỂN | Theo QĐND