Khi Nadiem Makarim triển khai dịch vụ thuê xe qua ứng dụng di động vào năm 2010, anh không nghĩ mình sẽ nắm giữ một startup “kỳ lân” tương lai.
Ứng dụng Go-Jek ra đời với mục đích đơn giản ban đầu là cải thiện ngành công nghiệp xe ôm tại Indonesia. Tuy vậy, 6 năm sau, Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek, đi vào lịch sử làng khởi nghiệp Indonesia với tư cách nhà sáng lập startup “kỳ lân”(công ty khởi nghiệp được định giá từ một tỷ USD trở lên) đầu tiên của nước này. Hiện tuổi 34, Nadiem điều hành doanh nghiệp với tổng giá trị ước đạt 5 tỷ USD.
Giống nhiều startup tên tuổi trên thế giới, điểm khởi đầu của Go-Jek là trường đại học Havard nơi Nadiem theo học. Lớn lên tại Indonesia, vị CEO tận mắt chứng kiến tầm quan trọng của dịch vụ xe ôm (theo tiếng Indonesia là “ojeks”) đối với nền kinh tế của đất nước đông dân nhất Đông Nam Á.
Người thanh niên trẻ cũng sớm nhận ra một nền công nghiệp tiềm năng đang bị cản trở bởi sự hoạt động thiếu hiệu quả, giá cả không rõ ràng và độ tin cậy thấp. Vì vậy, trong thời gian học MBA tại Havard, Nadiem Makarim đã quyết định khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực gọi xe máy, đồng sáng lập nên Go-Jek cùng hai người bạn là Kevin Aluwi và Michaelangelo Moran.
Trong một cuộc phỏng vấn cùng Managing Asia, Makarim cho biết: “Vào thời điểm đó, nhiều người không tin rằng đội ngũ xe ôm có thể trở nên chuyên nghiệp và tin tưởng được. Tuy vậy, càng biết họ nhiều hơn, tôi lại càng nhận thấy rõ ràng tiềm năng to lớn của lĩnh vực này”.
Khởi nghiệp với mô hình nhận cuộc gọi đặt xe, đội ngũ tài xế chỉ khoảng 20 người, Go-Jek quá tải không lâu sau đó vì lượng khách hàng liên tục đi lên. Quy mô được mở rộng nhanh chóng, với đội ngũ lao động hiện đạt hơn một triệu người.
Makarim thừa nhận thời điểm thuận lợi là một yếu tố then chốt để thành công, khi làn sóng những nền tảng chia sẻ phương tiện giao thông đang trỗi dậy. Một yếu tố khác là cách tiếp cận kinh doanh đi ngược lại với xu hướng chung của thị trường.
“Khi chúng tôi bắt đầu, rất nhiều người góp ý rằng chỉ nên thực hiện thật tốt ở một lĩnh vực bởi nếu không ghi dấu ấn ở sản phẩm cụ thể, ứng dụng sẽ đối mặt với nguy cơ không có người dùng. Đối thủ cạnh tranh sẽ xuất hiện và vượt qua với những công nghệ mới và nền tảng tài chính vững chắc hơn”, Makarim chia sẻ.
Đi ngược lại với lời khuyên đó, ban điều hành Go-Jek quyết định mở rộng, từ công ty thuần về gọi xe công nghệ sang dịch vụ giao đồ ăn, cung cấp dịch vụ làm đẹp tại nhà, đặt trước các trải nghiệm giải trí, thậm chí tiến vào lĩnh vực thanh toán điện tử với mục tiêu trở thành một nền tảng đa dịch vụ. Đây là điều mà Makarim cảm thấy đặc biệt cần thiết tại châu Á, nơi ứng dụng di động ngày càng tăng và người tiêu dùng thích thú với các nền tảng tích hợp.
CEO Go-Jek nhận định: “Chúng tôi thấy rằng khách hàng không chỉ có nhu cầu gọi xe mà còn dùng dịch vụ gọi đồ ăn, ví điện tử, thanh toán số…Vì vậy, công ty có định hướng xây dựng sản phẩm đáp ứng và cải thiện nhu cầu đa dạng của người dùng”.
Đây là chiến lược mà Makarim hy vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả khi mở rộng ra khắp khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, ứng dụng mới chỉ hoạt động duy nhất tại thị trường Indonesia. Tháng 8/2018, nền tảng này sẽ được ra mắt tại Thái Lan và Việt Nam.
Công ty cũng dự kiến sớm gia nhập thị trường Singapore sau khi Uber rút lui. Động thái này đẩy Go-Jek vào thế đối đầu trực tiếp với Grab, đặt trụ sở đặt tại Singapore do Anthony Tan thành lập, vốn là bạn thân của Makarim tại trường Havard. Việc đối đầu trong kinh doanh khiến hai người bạn ít trò chuyện với nhau nhưng với Makarim, áp lực khiến anh tiến về phía trước một cách mạnh mẽ hơn.
CEO của Go-Jek chia sẻ: “Việc cạnh tranh là điều cần thiết khi mở rộng quy mô và là tiền đề cho sự thay đổi”. Thay vì nhìn nhận Grab hay các công ty gọi xe công nghệ khác là đối thủ, Makarim cho rằng đối thủ thật sự của công ty là những phương thức hoạt động cũ, tư duy lối mòn đang ngăn chặn sự phát triển.
Doanh nhân 34 tuổi cũng hy vọng sự thành công của Go-Jek sẽ là động lực cho các doanh nghiệp ở Indonesia và khu vực hành động để chứng minh sức mạnh của công nghệ có thể phá vỡ hiện trạng và cải thiện cuộc sống.
“Chúng tôi mới chỉ khai phá một góc nhỏ của tiềm năng to lớn mà thị trường công nghệ có thể mang lại cho khu vực châu Á. Hy vọng trong 10 hoặc 20 năm nữa, công ty sẽ được nhắc đến với tư cách chứng minh công nghệ thực sự là chìa khóa để mở cửa một nền kinh tế và khiến nó có những bước tiến nhảy vọt vào giai đoạn tiếp theo của tiến hóa xã hội”, Makarim nhấn mạnh.
Vi Vũ (Theo CNBC)