Khi mà làn sóng khởi nghiệp đang ngày một dâng cao, người người nhà nhà khởi nghiệp, nhiều sinh viên cũng ấp ủ mộng làm giàu, chấp nhận bỏ học để đi theo tiếng gọi của đam mê.
Trên sách báo, truyền hình có rất nhiều câu chuyện về những nhà tỷ phú chia sẻ việc bỏ học đại học hay không cần bằng cấp mà thành công. Trên thực tế đúng là có rất nhiều cách để khởi nghiệp và tạo dựng sự ổn định về tài chính mà không cần đến bằng cấp đại học. Điều quan trọng là bạn cần phải hiểu bản thân mình muốn làm gì, đang có những gì và có chịu chấp nhận thất bại hay không?
Môi trường đại học có ngăn cản bạn trên con đường khởi nghiệp hay đây chính là bước đệm dẫn đến thành công trong tương lai?
Có những người sinh ra đã ở sẵn ở vạch đích, chỉ cần kiễng chân bước một bước là chạm tới thành công, nhưng cũng có những người cố gắng mãi cả đời vẫn thất bại. Một trong những nguyên nhân chính của việc này là do không có sẵn điều kiện để phát triển lại còn thiếu kiến thức cơ bản về ngành nghề đang theo đuổi.
Nhiều sinh viên bỏ học hoặc bỏ qua môi trường sư phạm chính là bỏ mất cơ hội được tích lũy những kiến thức, kỹ năng trước khi bước vào con đường khởi nghiệp. Những giảng viên tại các trường đại học chính là nhà quân sư tài ba cho sự nghiệp kinh doanh của bạn.
Khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở ý tưởng vì ý tưởng chỉ đáng giá 0 đồng, quá trình triển khai chúng thành một sản phẩm bán có lợi nhuận trên thị trường mới là vấn đề nan giải. Nếu chưa có bước đệm như nhiều người khác, bạn nên dành thời gian cho 4 năm đại học của mình để học hỏi thêm.
Môi trường đại học là nơi lý tưởng để bạn tìm đến những cơ hội kinh doanh, những đối tác từ chính những người cùng lớp, từ lời giới thiệu của thầy cô. Điều bạn cần làm là thiết lập những mối quan hệ, làm quen với càng nhiều người có tiềm năng càng tốt vì biết đâu sau này chính họ là những người hỗ trợ bạn rất lớn trên chặng đường khởi nghiệp.
Những kiến thức về kinh doanh, kiến thức chuyên môn, kĩ năng mềm mà các trường đại học dạy bạn cũng không bao giờ thừa. Nó là điều kiện tiên quyết, quyết định bạn có thành công trong tương lai hay không.
Học đại học vậy lấy kinh nghiệm thực tiễn ở đâu?
Học đại học không có nghĩa là mài đũng quần suốt 4 năm ở trường đại học, phải năng động, dấn thân đi làm thêm, thực tập ở các nơi để tích lũy kinh nghiệm. Đừng bao giờ lấy lí do đi làm ảnh hưởng đến việc học để ngụy biện. Ra trường mà không có tý kiến thức thực tế nào ngoài đống câu chữ trong sách vở thì rất khó làm nên chuyện.
Những năm tháng đại học dạy bạn đa số là lý thuyết, không nhiều nội dung thực hành. Bởi vậy, mục đích quan trọng nhất của làm thêm không phải là vì thu nhập nữa mà để rèn luyện khả năng cọ sát với thực tế.
Nếu sau ra trường có không khởi nghiệp được thì vẫn tự tin đi nộp hồ sơ vào các công ty, tập đoàn lớn vì bạn đã có kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trong thực tiễn rồi.
Máu khởi nghiệp của bạn đến đâu?
Tự tay chính bản thân mình tạo dựng một công ty khác rất nhiều so với làm việc ngày 8 tiếng tại một doanh nghiệp. Áp lực và thử thách mỗi ngày đưa bạn vào một guồng quay điên cuồng không lối thoát.
Tom Portesy – Chủ tịch MFV Expositions, và là nhà sản xuất của Franchise Expo West, Franchise Expo South và International Franchise Expo chia sẻ: “Bạn có sẵn sàng để hy sinh thời gian bên cạnh bạn bè, người thân? Bạn có sẵn sàng để nhận lại những lời từ chối, sự thất vọng lẫn thất bại khi kinh doanh? Bạn có sẵn sàng cho những đêm dài mất ngủ, mạo hiểm mọi thứ đang có cho công việc kinh doanh? Kinh doanh thành công mang đến nhiều quả ngọt, nhưng bạn có đủ tinh thần để hy sinh?”
Chuyện nghỉ học để khởi nghiệp mà không xác định được lý do hợp lý cũng ngốc nghếch như tiếp tục đi học mà không biết sau này bạn sẽ làm gì với đống kiến thức đó.
Nghỉ học hay học tiếp đại học, khởi nghiệp kinh doanh hay đi làm thuê đều được hết, điều bạn cần là hiểu rõ bản thân mình cần gì, muốn gì và có gì!
Theo Tri thức trẻ.