“Bán hàng, bán cả niềm vui cho khách” là phương châm kinh doanh quần áo qua mạng của An Quỳnh- cô sinh viên năm 2 nhiều hoài bão.
Cứ 21-22h mỗi tối, Quỳnh lại mang sổ sách ra ghi chép, tính toán, thỉnh thoảng cầm điện thoại hí hoáy trả lời tin nhắn đặt hàng từ khách. Cô chủ nhỏ của shop quần áo online Qbe Closet cho biết, kinh doanh là điều đã được ấp ủ từ lâu, nhưng khi bắt đầu học đại học, cô mới có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để thực hiện đam mê này. Với cô sinh viên năm 2 đầy năng động, bán hàng là một cách “bán niềm vui” của mình tới nhiều người.
Với việc cung cấp quần áo thời trang cho đối tượng trẻ, Quỳnh Bé (nick name của Quỳnh) đã sớm độc lập về tài chính sau nửa năm. Số tiền lãi gấp đôi chi phí gốc hàng tháng giúp cô thoải mái trang trải sinh hoạt cá nhân mà không cần “cứu trợ” từ gia đình.”Do học ngành kinh tế nên đây cũng là cơ hội để em có thể trau dồi thêm kinh nghiệm cho sau này”, Quỳnh khẳng định.
Trước khi quyết định mở shop bán online, Quỳnh từng đi làm thêm ở một cửa hàng quần áo. Cô sinh viên năm thứ 2 học từ cách kẻ ô, chia cột đến ghi sổ sao cho dễ nhìn. “Điều quan trọng nhất mà em học được là cách nói lời cảm ơn, xin lỗi. Những trải nghiệm ngoài xã hội khiến em trưởng thành và điềm đạm hơn. Nhiều khi sáng sớm, vừa mở mắt, chưa biết có chuyện gì xảy ra, em đã bị khách xả cho một trận vì đồ chưa nhận được, trả lời tin nhắn chậm, thậm chí bị nói là kiêu. Chưa cần biết đúng sai, em vẫn phải nhận lỗi trước”, Quỳnh bộc bạch.
Sau 6 tháng làm thêm, Quỳnh quyết định xin nghỉ để mở cửa hàng online. Vì số vốn khởi nghiệp hạn hẹp nên cô chỉ dám nhập 5 triệu đồng cho lô hàng. Tuy nhiên, kết quả thu được thành công ngoài mong đợi khi nhập bao nhiêu bán hết bấy nhiêu trong vòng 5 ngày. Thậm chí, cô còn phải order thêm cho khách đặt hàng.
Tháng đầu tiên tự đứng ra kinh doanh, sau khi trừ chi phí, Quỳnh thu về 5-6 triệu đồng tiền lãi. Những tháng sau, số lãi sinh lời, gấp đôi vốn bỏ ra. Nhưng không phải lúc nào hàng cũng hết nhanh như mong đợi. Những ngày giao mùa, một số mặt hàng bị tồn kho, cô phải thực hiện chương trình giảm giá để tiếp tục lấy hàng mới phục vụ các tín đồ thời trang.
- Xem thêm: Bí quyết bán hàng qua Facebook
Vì lấy hàng ở xưởng trong tận Sài Gòn nên nhiều khi bị chậm, lỡ thời gian, khách hàng giục liên tục, cáu gắt, Quỳnh lại phải xoa dịu bằng việc chấp nhận chịu chi phí vận chuyển và giảm thêm 20% như một lời xin lỗi. Với phương châm “bán hàng bán cả niềm vui”, cô luôn cố gắng mang lại sản phẩm tốt nhất cho người mua. Cô cho biết: “Với em, tạo dựng uy tín, lòng tin cho khách hàng là yếu tố hàng đầu. Nhiều khi bị bùng hàng, em vẫn phải vui vẻ, gặp khách khó tính, lại càng phải mềm mỏng. Sản phẩm tốt khách mới vui và bản thân em cũng thoải mái hơn. Thời trang là đam mê của nhiều cô gái, cũng là một tín đồ thời trang nên em chỉ muốn giới thiệu, chia sẻ những gì tốt nhất cho khách”.
Bán quần áo online không phải là điều mới mẻ nhưng Quỳnh vẫn lựa chọn hình thức này bởi đơn giản là cô thấy vui vẻ và nhìn cuộc sống đẹp hơn khi được mặc một bộ trang phục phù hợp với chính mình. Để tạo được sự khác biệt, Quỳnh dành nhiều công sức và thời gian cho khâu lựa chọn sản phẩm. Đó phải là những mặt hàng độc, lạ và không quá phổ biến trên thị trường, đồng thời phải đảm bảo mức giá vừa phải vì đối tượng chính của shop là các bạn học sinh, sinh viên. Các sản phẩm được nhập trực tiếp từ xưởng với mức giá 200.000-350.000 đồng, một số mẫu cô lấy sẵn về cho khách, một số khác hẹn order.
Mỗi khi lấy được hàng, Quỳnh đều cố gắng tự chụp ảnh, đính kèm logo riêng cùng số điện thoại liên lạc. Mục đích là để khách có thể nhìn gần hơn chất lượng vải, từng đường kim mũi chỉ. “Em cố gắng tạo sự thoải mái nhất có thể với khách mua hàng. Có thể khách không lựa được đồ ở chỗ em, nhưng vẫn có thể vui vẻ nhận được sự chia sẻ, tư vấn. Đây cũng là điểm tựa để em tin khách sẽ quay trở lại lần 2 với mình”, Quỳnh tự tin cho biết.
Là sinh viên nên ngoài giờ học, Quỳnh thường tranh thủ những lúc nghỉ giữa tiết hay buổi trưa, buổi tối để check tin nhắn của khách hàng. Suy cho cùng, việc bán hàng online không có giờ giấc cố định. Có những khi cô phải thức đến 2,3h sáng để tư vấn và trả lời những cú đêm shopping. Quỳnh cũng bật mí, cô thường xuyên cập nhật hàng mới vào các khung giờ cao điểm, có nhiều người online để thu hút sự chú ý như sáng sớm hay sau 20-21h mỗi tối.
Thông thường, cuối ngày, Quỳnh chốt 5-10 đơn hàng để gửi khách. Cũng như bao người bán hàng online khác, khâu vận chuyển luôn khiến cô lo lắng. Tắc đường là “đặc sản” ở Hà Nội nhưng nhiều người không thông cảm được nên hàng đến trễ, shop nghe than vãn là chuyện thường tình. Bởi vậy, Quỳnh quyết định giảm phí vận chuyển để bù đắp. Thông thường, ship nội thành 30.000 đồng thì cô chỉ lấy khách 15.000 đồng còn lại tự chịu, đôi khi cô còn miễn phí ship cho khách cho các cung đường quen thuộc hoặc có việc đi qua.
Sau 2 tháng đầu bán hàng, shop online của Quỳnh nhận tới 90% phản hồi tốt từ khách hàng. 10% còn lại chủ yếu do giao hàng chậm hoặc hàng về không đúng hạn. Mỗi lần như thế cô đều có ưu ái cho khách như một lời xin lỗi. Đây chính là cái tâm bán hàng của cô sinh viên năm 2, cũng chính là phương châm “bán niềm vui cho khách hàng” mà Quỳnh theo đuổi. Sau hơn nửa năm làm cô chủ nhỏ, Quỳnh đã có một lượng khách “nhẵn mặt”, nhiều người còn “phàn nàn” shop nhiều đồ đẹp chỉ làm khổ cái ví người mua.
“Kiếm tiền thực sự không hề dễ dàng. Đồng tiền đầu tiên tự kiếm được, em trân trọng vô cùng, cảm giác như tất cả những công sức, những chịu đựng, nhẫn nhịn, những buồn, vui, mưa gió, có khi là nản lòng được đền đáp xứng đáng. Lần đầu tiên sau 20 năm sinh ra em đã dám nói với bố là từ giờ không phải cho mình tiền tiêu hàng tháng nữa. Chính bản thân em cũng khá ngỡ ngàng trước sự thay đổi này”, An Quỳnh chia sẻ về thành quả kinh doanh. Cô cũng ấp ủ ước mơ sẽ mở một cửa hàng để khách có thể đến tận nơi thử đồ, chia sẻ từng khoảnh khắc mặc đẹp, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì hình thức bán online, bởi đây là nguồn tiếp thị, quảng cáo đầy tiềm năng.
Khánh Linh / Theo Vnexpress