Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam có trên 8 triệu hộ làm nông và 3 triệu hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong chuỗi phát triển nông nghiệp, mỗi hộ nông dân có thể là một doanh nghiệp (DN) nhỏ. Startup nông nghiệp hiện mới hình thành một số nhóm đầu tư ở một số địa phương và địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lên đề án bài bản để hình thành hệ sinh thái startup trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nghị định triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có riêng phần quy định dành cho DN startup, hỗ trợ đào tạo và cấp vốn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Tuấn cho rằng hệ sinh thái startup phải đi từ khâu đào tạo, quan trọng nhất là việc ươm tạo DN cần phải có sự tham gia của các DN lớn, kết nối với các startup. Nếu một DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, có thể kéo theo 10 DN nhỏ startup trong chuỗi đó. Giới trẻ nông thôn hiện nay có nhiều ý tưởng sáng tạo, có sản phẩm và công nghệ sạch.
Vấn đề chính là cần có một mô hình kinh doanh và ươm tạo, kết nối với thị trường để phát triển. Mặt khác, hiện nhiều nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chủ trương đẩy mạnh hợp tác đối tác công – tư (PPP) để hình thành chuỗi giá trị nâng cao đẳng cấp của nông nghiệp Việt.
Năm 2017, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đạt 36 tỷ USD, so với thị trường toàn cầu quy mô đến 2.000 tỷ USD, mới chỉ chiếm hơn 1% thị phần là còn khá nhỏ. Quy mô thị trường khổng lồ, đặc biệt lưu ý phân khúc về giá trị gia tăng nhờ vào chế biến nông sản Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành phân tích 3 yếu tố có thể biến thành lợi thế lớn cho startup nông nghiệp là: thị trường thực phẩm khổng lồ và có giá trị gia tăng rất lớn với quy mô toàn cầu hằng năm khoảng 15.000 tỷ USD; lĩnh vực tiêu dùng trong nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn phục vụ cho ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe; Hiệp định của WTO cho phép các nước đang phát triển được sử dụng một tỷ lệ tài chính cao để hỗ trợ nông nghiệp, nhưng Việt Nam hiện đang hỗ trợ ở mức rất thấp.
“Vậy cần có cách nhìn mới để startup sáng tạo thì mới phát huy lợi thế của ngành nông nghiệp”, ông Thành nói.
Theo DNSG Online.