BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra
Hiện nay, người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, nhưng một công ty khởi nghiệp (start-up) khác gì với một công ty tư nhân hay doanh nghiệp nhỏ?
Ngày nay, hai từ Khởi nghiệp (Startup) luôn mang đến cảm giác kiêu hãnh và tự hào. Bên cạnh những câu chuyện truyền cảm hứng đều có cùng khuôn mẫu như một sinh viên dũng cảm rời bỏ giảng đường đại học, “ẩn cư” trong một nhà kho hay gara xe nào đấy trong vài năm. Rồi một ngày nọ, anh ta phát minh ra những công nghệ cách tân thay đổi cả thế giới.
Cũng cần phải cảm kích những show truyền hình như “SharkTank” và “Silicon Valley”, cũng như những cuốn phim như “The Social Network” (Mạng xã hội) và “Jobs” (cuộc đời của Steve Jobs), càng ngày có nhiều người rời bỏ công việc 9-5 (đây là cách nói vui của dân công nghệ, ám chỉ những công việc văn phòng nhàm chán từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều), và mua vé một chiều bay đến vùng đất mơ ước: “Vương quốc Khởi Nghiệp” để viết nên những câu chuyện đi vào lịch sử nhân loại.
Blog Khởi nghiệp xin trích lược bài phân tích chỉ rõ những điểm khác biệt của một công ty khởi nghiệp và một công ty tư nhân do cô Mandela Schumacher-Hodge, một gương mặt trong danh sách Forbes 30 Under 30, diễn giả TEDx và là doanh nhân đăng tải trên trang cá nhân tại Medium.com.
Khởi nghiệp có thể bị lầm lẫn
Sau khi gặp gỡ và tư vấn cho hàng trăm doanh nhân khởi nghiệp trong hơn hai năm qua, tôi thấy rõ một điều rằng số đông không hiểu được (hay không chịu tìm hiểu) sự khác biệt giữa hai con đường: khởi nghiệp (startup) và phát triển doanh nghiệp nhỏ. Thực tế, sự khác biệt giữa hai con đường này quá quan trọng.
Tại sao quan trọng ư? Vì nó phụ thuộc vào tham vọng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng, vai trò của doanh nghiệp trong tương lai, bạn sẽ phải phát triển một chiến lược cụ thể. Và chiến lược đấy không phải là một chiến lược thông thường có thể tìm thấy trong sách vở hay internet.
Với bài viết này, tôi muốn giúp những ai đang muốn dấn thân vào con đường khởi nghiệp làm rõ một số vấn đề mấu chốt. Hi vọng là sau khi đọc bài này, bạn có thể thấy được sự khác biệt giữa hai con đường: khởi nghiệp (startup) và phát triển doanh nghiệp nhỏ (small business). Chúc các bạn có thể lựa chọn được con đường phù hợp cho mình.
Đầu tiên, tôi sẽ phải cần làm rõ: trong một số lĩnh vực, thuật ngữ “startup” không dùng để thông báo loại hình của doanh nghiệp, mà chủ yếu dùng để miêu tả trạng thái phát triển của doanh nghiệp (Ví dụ: tất cả các tập đoàn lớn hiện nay đều đã từng là startup). Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi tập trung vào một quan điểm duy nhất: Thuật ngữ” Khởi nghiệp (Startup) dùng để miêu tả một loại hình doanh nghiệp, vì nó khác hoàn toàn với những doanh nghiệp nhỏ (Small Business).
Lý do tôi cần phải nhấn mạnh sự khác biệt trên vì theo kinh nghiệm của tôi, dường như sẽ có sự khác biệt về mặt định hướng trong bản thân người doanh nhân khởi nghiệp. Ví dụ, người sáng lập một công ty khởi nghiệp (Startup), sẽ muốn ra mắt sản phẩm càng nhanh càng tốt, càng lớn càng tốt. Trong khi đó, người sáng lập một doanh nghiệp nhỏ (Small Business) sẽ có xu hướng phát triển doanh nghiệp với một quy mô tăng trưởng giới hạn (trong tầm tay kiểm soát của người sáng lập).
“Thật đáng tiếc, điều duy nhất mà tôi thấy được rằng Khởi nghiệp (Startup) không phải dành cho tất cả mọi người -Mandela Schumacher-Hodge
10 khác biệt lớn giữa “Khởi nghiệp” và “Doanh nghiệp nhỏ
1. Tính đột phá (Innovation): Bạn tạo ra một điều hoàn toán mới lạ?
- DN nhỏ: sẽ có vô số ví dụ về những doanh nhân đã và đang làm cùng mô hình kinh doanh giống bạn. Ví dụ: nhà hàng, văn phòng Luật sư, tiệm hớt tóc. Bạn thậm chí có thể nhắc tới kinh nghiệm của họ làm nền tảng cho ý tưởng kinh doanh của bạn.
- Khởi nghiệp (startup): Tính đột phá là điều bắt buộc. Là một startup, bạn có thể tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn. Ví dụ, bạn có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất (như thiết bị thông minh đo lường sức khoẻ cá nhân), một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới (như AirBnb), hoặc một loại công nghệ độc đáo, chưa hề thấy (như công nghệ in 3D).
2. Tính tăng trưởng: Công ty của bạn có thể tăng trưởng đến mức nào?
- DN nhỏ: Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) sẽ được vận hành trong một phạm vi nhất định được giới hạn bởi người sáng lập. Nói cách khác, bản thân người chủ doanh nghiệp sẽ chủ động giới hạn sự tăng trưởng và tập trung phục vụ một phân khúc khách hàng nhất định.
- Startup: Một công ty khởi nghiệp (Startup) sẽ không đặt ra giới hạn cho sự tăng trưởng, và họ có tham vọng phát triển đến mức lớn nhất có thể. Họ tạo ra sự ảnh hưởng cực lớn, có thể được xem là người khai phá thị trường
3. Tốc độ Tăng trưởng: Công ty của bạn có thể tăng trưởng nhanh đến mức nào?
- DN nhỏ: Dĩ nhiên, bạn sẽ muốn doanh nghiệp của mình phát triển càng nhanh càng tốt, nhưng điều quan tâm đầu tiên của bạn sẽ là tạo ra lợi nhuận. Một khi đạt được điều này, bạn mới nghĩ đến việc mở rộng doanh nghiệp.
- Startup: Bạn sẽ đam mê tăng trưởng công ty càng nhanh càng tốt, và tạo ra một mô hình kinh doanh có tính tăng trưởng. Bạn sẽ muốn nhân bản mô hình kinh doanh thành công của mình ra khắp thế giới.
4. Lợi nhuận: Bạn cần thời gian bao lâu để tạo ra lợi nhuận, và giá trị lợi nhuận như thế nào?
- DN nhỏ: Người sáng lập sẽ muốn có doanh thu từ ngay ngày đầu tiên doanh nghiệp đi vào hoạt động, và tốt hơn nữa là có luôn lợi nhuận. Giá trị lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào số tiền mà bản thân người sáng lập muốn kiếm được (cho chính bản thân họ), cũng như sẽ phụ thuộc vào kế hoạch mở rộng doanh nghiệp.
- Startup: Có thể cần đến nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để có được doanh thu (dù rất nhỏ). Bạn sẽ tập trung vào phát triển một sản phẩm thật sự hữu ích cho người dùng, nhằm có được một lượng khách hàng đông đảo. Nếu kế hoạch thành công, lợi nhuận tài chính có thể rất khổng lồ. (Uber hiện được định giá tầm năm mươi tỉ đôla Mỹ)
5. Tài chính: Bạn cần chuẩn bị vốn như thế nào?
- DN nhỏ: Khi khởi đầu, ngoài tiền túi của mình, bạn sẽ cần dựa vào đóng góp từ gia đình, bạn bè, vay ngân hàng, hoặc vốn góp từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì mục tiêu là “sống sót”, bạn sẽ phải quản lý chặt chẽ số tiền mình đang vay, nên nhớ là số tiền này sẽ phải được hoàn trả cùng với lãi suất.
- Startup: Nhiều startups bắt đầu từ chính tiền túi của người sáng lập, hoặc đóng góp từ gia đình và bạn bè. Một số trường hợp thì gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding). Tuy nhiên, phần lớn các startup đều phải gọn vốn từ các Nhà đầu tư thiên thần (angel investors) và Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital).
Là một startup, bạn sẽ phải hi vọng tăng trưởng cực nhanh và cần một lượng vốn đủ mạnh để đạt được tham vọng này. Sẽ cần một thời gian dài để bạn có thể tạo ra doanh thu và có lợi nhuận. Cũng nên nhớ rằng những nhà đầu tư cho startup sẽ trông đợi nguồn lợi nhuận khổng lồ, do đó sẽ có những áp lực bắt buộc cho những nhà sáng lập. (Cũng cần lưu ý rằng có nhiều ý kiến cho rằng startup không phải lúc nào cũng cần dựa vào các Quỹ đầu tư)
6. Công nghệ: Bạn có cần áp dụng công nghệ
- DN nhỏ: Không bắt buộc, nhưng sẽ có nhiều công cụ kĩ thuật giúp ích cho việc điều hành công ty (như kế toán, marketing..).
- Startup: Công nghệ thường là đặc tính tiêu biểu của sản phẩm từ một startup. Dù vậy, ngay cả khi sản phẩm không dựa nhiều vào công nghệ, thì startup cũng cần áp dụng công nghệ để đạt được mục tiêu kinh doanh cũng như tham vọng tăng trưởng.
7. Vòng đời Công ty: Công ty của bạn có thể tồn tại trong bao lâu?
- DN nhỏ: 32% sẽ thất bại trong ba năm đầu. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn nhiều tích cực so với startup.
- Startup: 92% các startups sẽ thất bại trong ba năm đầu (thật đáng tiếc, đây lại là sự thật)
8. Kĩ năng Lãnh đạo: Bạn sẽ phải quản lý bao nhiêu nhân sự
- DN nhỏ: Số lượng nhân viên bạn phải quản lý phụ thuộc vào kế hoạch vận hành bạn đã hoạch định từ trước.
- Startup: Bởi vì bạn mong muốn phát triển càng to lớn càng tốt, càng nhanh càng tốt, bạn sẽ cần phải liên tục phát triển kĩ năng lãnh đạo và kĩ năng quản lý. Cùng với sự tăng trưởng của startup, bạn cần phải có sự quản lý hiệu quả với một số lượng “thành viên mới”: nhân viên, nhà đầu tư, ban cố vấn, và các đối tác khác.
9. Cuộc sống cá nhân: Bạn sẽ cân bằng giữa khởi nghiệp và cuộc sống cá nhân ra sao?
- DN nhỏ: Nếu so sánh với startup, mức độ rủi ro sẽ thấp hơn nhiều. Lợi thế này có thể giúp bạn có được sự cân bằng giữa công việc kinh doanh và cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, vì công ty là của bạn, hãy luôn sẵn sàng chào đón những thử thách mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở “công việc 9-5″. Sẽ luôn khó khăn và thử thách, nhưng cũng sẽ có đầy hi vọng bạn có thể cân bằng một cách phù hợp với bạn
- Startup: Nếu bạn nhận được vốn từ các nhà đầu tư , bạn sẽ có trách nhiệm giúp công ty tăng trường đến một thời điểm nhà đầu tư có thể tối đa hoá mức độ lợi nhuận. Hãy luôn nhớ rằng sẽ có vô số người trông đợi vào bạn, vào sản phẩm của bạn, vào thành công của bạn. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng có thể khái quát nôm na như: Công việc, công việc, công việc, và cuộc sống.
10. Tham vọng: Bạn có thể rời bỏ để theo đuổi dự án mới?
- DN nhỏ: Mục tiêu của bạn có thể là truyền lại công ty cho các thế hệ sau trong gia đình hoặc cũng có thể bán lại cho một tập đoàn khổng lồ.
- Startup: Tham vọng của bạn là một con đường thoái vốn khổng lồ như chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO).
Đọc đến đây, có thể bạn tự hỏi liệu Startup có thể trở thành Small Business hoặc ngược lại. Có, hoàn toàn có thể, nó có thể phụ thuộc vào chính bản thân bạn (như thay đổi kế hoạch, tầm nhìn hay sứ mệnh), hoặc đôi khi phụ thuộc vào yếu tố khách quan như thị trường thay đổi, nhu cầu khách hàng.
Tôi tin rằng thấu hiểu sự khác biệt giữa Khởi nghiệp (Startup) và Doanh nghiệp nhỏ (Small Business), và nhận biết điểm mạnh cá nhân của chính bạn là những yếu tố hết sức quan trọng để có thể đến được đích đến mơ ước.
Theo Mandela Schumacher-Hodge
VIN NAM (Nguồn: Medium/ Tuổi trẻ online