Với mục đích kinh doanh tiết kiệm và thân thiện với môi trường, đồng thời tạo cơ hội để các bạn trẻ được khởi nghiệp, Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1985), cựu du học sinh Úc tạo dựng những khu chợ, trung tâm mua sắm bằng container ngay giữa lòng Sài Gòn khiến nhiều bạn trẻ thích thú.
Quyết định trở về Việt Nam với Tuấn Anh không hề dễ dàng bởi thâm niên 13 năm bôn ba ở nước ngoài, đạt không ít thành công trong khi trở về nước anh sẽ phải bắt đầu với hai bàn tay trắng.
Vừa học vừa làm kiếm cả ngàn đô
Sinh ra và lớn lên ở TPHCM, đến năm 2000, Tuấn Anh đi du học tự túc ở Melbourne, Úc. Tuy gia đình có điều kiện nhưng Tuấn Anh không ỷ lại vào sự giúp đỡ đó mà tranh thủ đi làm thêm, trang trải phần nào tiền học phí. “Cứ 5h sáng khi nhiệt độ bên ngoài khoảng 5 độ, trời lạnh buốt, tôi lại lỉnh kỉnh dựng khung treo đồ, gian hàng quần áo… vì buôn bán hàng ở chợ trời. Nhiều lúc sơ ý còn bị giàn giáo sắt làm dập tay, bầm tím”, Tuấn Anh nhớ lại.
Chính môi trường đầu tiên tôi luyện cho cậu thanh niên kỹ năng bán hàng và ý chí rèn luyện cao. “Tại khu vực Queen Victory Market, khi gặp bất cứ khách hàng nào, người bán cũng niềm nở vui cười, luôn chào hỏi xã giao, hỏi về sức khỏe, còn bán được hàng hay không thì không đặt nặng. Cái quan trọng là phải chiếm lấy tình cảm của khách hàng đã”, Tuấn Anh chia sẻ.
“Khởi nghiệp là một vấn đề không hề đơn giản, ngoài kinh nghiệm và kiên trì còn phải có tiềm lực tài chính nên mình muốn tạo cho các bạn trẻ có cơ hội thử thách trong thời gian đầu muốn lập nghiệp qua các dự án của mình”. – Tuấn Anh chia sẻ
Từ những trải nghiệm tại các phiên chợ trời, cộng với năng khiếu buôn bán nên mỗi khi có cơ hội, chàng trai trẻ này không bỏ lỡ. Năm học 2006, thời điểm vừa bước vào đại học, lúc đó lĩnh vực điện tử, nhất là tivi vẫn còn là một thứ gì đó xa xỉ. Những mặt hàng điện tử bị lỗi hay hàng trưng bày có giá chỉ khoảng 30-50% so với hàng mới. Nhận ra cơ hội, Tuấn Anh liên hệ với các nhà máy để mua hàng trả dần.
Ngay lô hàng đầu tiên bán trên trang eBay, cậu du học sinh người Việt đã có lãi. Từ đó, ngoài việc học, cứ có thời gian rảnh là Tuấn Anh đi thu gom hàng, sau đó trực tiếp bán và giao hàng… “Trong 3 năm tôi đã tích lũy được số vốn khoảng 100.000 đôla Australia (AUD). Khi nhớ lại những lúc phải cõng những chiếc tủ lạnh hay máy giặt nặng cả trăm ký lên lầu 3 cho khách hàng, muốn quẹo xương sống lúc đó mới thấy kiếm được tiền không dễ dàng”, Tuấn Anh nhớ lại.
Ra trường với tấm bằng kĩ sư xây dựng cơ bản nhưng Tuấn Anh đã chọn một hướng rẽ khác dù đây là ngành rất yêu thích. Trong một lần tình cờ đọc báo, Tuấn Anh biết được chương trình do Chính phủ hỗ trợ tấm cách nhiệt miễn phí cho những nhà dân nhằm tiết kiệm năng lượng trong hai năm trị giá khoảng 2 tỷ AUD. Theo đó, mỗi nhà sẽ được hỗ trợ 1.600 AUD. Nhận thấy đây là cơ hội có một không hai, Tuấn Anh quyết định chinh phục nó.
Anh bắt đầu đọc sách, tìm tòi tài liệu và sản phẩm để phục vụ dự án. Nhưng công việc đi tìm nguồn sản phẩm không mấy dễ dàng, sản phẩm tấm cách nhiệt thì đâu cũng sản xuất, nhưng để tìm sản phẩm bền, rẻ, đẹp rất gian nan. Hơn nữa, sản phẩm muốn đưa vào sử dụng phải kiểm nghiệm rất khắt khe, đúng chuẩn của Australia, phải test tận bên New Zealand. “Do đó, mình phải bay qua Nga, rồi sang tận Trung Quốc để tìm kiếm và thương lượng giá cả. Công việc thương lượng gặp nhiều khó khăn bởi mình chỉ biết tiếng Anh”, Tuấn Anh kể.
Đúng như dự tính, dự án đi vào hoạt động, Công ty T&T Furniture của Tuấn Anh trở thành một trong hai công ty đầu tiên tại Australia phân phối và thi công tấm cách nhiệt. Thời cơ đến, công ty phất lên nhanh chóng, các đơn hàng liên tiếp dồn về. Do thị trường thiếu hàng, nhiều lúc khách hàng cứ đưa tiền trước, giúp Tuấn Anh mỗi ngày làm được 3-4 căn nhà, mỗi căn lãi 500-800 AUD. “Lần đầu tiên tôi nhận tấm chi phiếu 200.000 AUD cho đơn hàng 20 container, cảm giác rất sung sướng”, Tuấn Anh nói.
Tiếp đó, công ty của Tuấn Anh nhận được lời mời thi công từ khu cảng sản xuất tàu ngầm của Australia với hợp đồng khoảng 50.000 AUD và cũng chỉ sau hai tháng, anh tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của các chủ đầu tư.
Về Việt Nam khởi nghiệp bằng container
Trong những lần bay về Việt Nam thăm gia đình, thấy ba mẹ lớn tuổi nhưng vẫn phải kinh doanh kiếm sống, suy nghĩ trở về gần gũi với ba mẹ bắt đầu xuất hiện. Cộng với đó, việc kinh doanh cũng ngày một khó khăn do cơ chế đặc thù, nhân viên đòi lương cao ngất ngưởng nên đến năm 2013, Tuấn Anh quyết định từ bỏ xứ sở “Kangaroo” về Việt Nam khởi nghiệp và chung sống cùng
ba mẹ.
Ngay khi về Việt Nam, Tuấn Anh bắt tay vào thành lập công ty kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như thương mại, bất động sản, trong đó nổi trội nhất là sản phẩm khóa vân tay, khóa thông minh… Chỉ sau 2 năm, công ty của Tuấn Anh mở rộng hơn 150 đại lý, 40 trạm bảo hành, doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ đồng. Khi bộ máy công ty bắt đầu ổn định, Tuấn Anh nảy ra ý tưởng phải kinh doanh thứ gì đó vừa tiết kiệm, thân thiện với môi trường và đặc biệt là giúp được nhiều người cùng khởi nghiệp giống mình. “Sau một thời gian tìm hiểu, mình nghĩ ngay đến việc dùng các thùng container cũ để làm các gian hàng cho thuê. Việt Nam nhập container nhiều hơn xuất nên một lượng lớn các container cũ này đang chất thành đống, phơi nắng dầm mưa rất lãng phí và dự án Eco Box ra đời”, Tuấn Anh kể.
Có ý tưởng, Tuấn Anh bắt đầu đi tìm thuê đất để làm chợ và nơi anh chọn là bãi đất thuộc một dự án ở quận Tân Phú, TPHCM nằm chờ chưa biết khi nào thi công. Chỉ trong 4 ngày, Tuấn Anh đã biến một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm thành khu chợ hoành tráng. Không hề có một bức tường bê tông, thay vào đó là những container màu sắc sặc sỡ. Mỗi thùng container, Tuấn Anh chia làm hai gian hàng, mỗi gian hàng cho thuê từ 3-5 triệu đồng/tháng và đặc biệt, gần một nửa trong số đó, Tuấn Anh cho các bạn sinh viên thuê miễn phí thời gian đầu để hỗ trợ các bạn khởi nghiệp.
Trên các gian hàng còn được trang trí những lá cờ của nhiều quốc gia. “Đây là niềm vui mình muốn gửi tặng những người bạn quốc tế bởi họ cũng giống như mình, đến một đất nước khác, thấy cờ của nước mình là niềm vinh dự và tự hào”, Tuấn Anh nói.
Thành công không ngờ từ dự án Eco Box, tháng 11/2016, Tuấn Anh tiếp tục thực hiện dự án khu mua sắm, giải trí bằng container khác với quy mô rộng lớn hơn với tên gọi là Rubik Zoo tọa lạc ngay trung tâm Quận 1 với khuôn viên rộng 5.000m2 và hơn 300 gian hàng. Theo Tuấn Anh, Rubik Zoo là sự kết hợp văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới như Khu shopping đẳng cấp tương tự trên đất Pháp – Ý, Khu nhà hàng và quán cà phê sang trọng view đẹp và ẩm thực đường phố đến Khu vui chơi giải trí; Khu Chụp ảnh miễn phí cho các bạn trẻ; Khu Phim trường Studio nghệ thuật cùng Khu sân khấu biểu diễn ngoài trời độc đáo. Bên cạnh các hoạt động thường ngày, Rubik Zoo còn đem tới cho giới trẻ Sài Gòn cơ hội thưởng thức các món ngon đường phố trên khắp thế giới, đồng thời có các hoạt động song hành với các lễ hội, sự kiện văn hóa giải trí các quốc gia trên thế giới như Lễ hội té nước Songkran – Thái Lan, Lễ hội màu sắc Holi – Ấn Độ, Lễ hội hóa trang Cosplay – Nhật Bản, lễ hội Carnival Brazil…
“Dự án không chỉ là một sân chơi hoàn toàn mới lạ, độc đáo và sáng tạo để các bạn trẻ có thể thỏa thích mua sắm và giải trí, Rubik Zoo còn là nơi khuyến khích những bạn trẻ có mơ ước kinh doanh với môi trường khởi nghiệp lành mạnh mà không gây hại đến môi trường”, Tuấn Anh nói.
Được miễn phí thuê gian hàng container, Đào Thị Hằng, sinh viên năm 3 trường Đại học Tài chính Marketing cho biết sẽ trưng bày sản phẩm sen đá để chào khách. “Sản phẩm của em khá đặc biệt và khu chợ này cũng rất đặc biệt nên em nghĩ nếu khởi nghiệp ở đây, khả năng thành công cũng sẽ cao hơn”, Hằng chia sẻ.
Nguyễn Dũng | Theo Tiền Phong Online