Chủ tịch Kim Seok Hoon và bí quyết lãnh đạo nhân viên, những nhận định về thị trường lao động Việt cũng như tiềm năng phát triển ngành thời trang Việt.
Ông có cách trò chuyện khá trực diện, cởi mở, không đắn đo, thận trọng khi trả lời câu hỏi. Ông nói: “Cái khó nhất của tôi trong suốt mười một năm giữ vai trò Chủ tịch Hansae tại Việt Nam là quản lý 20.000 nhân viên làm việc tại ba nhà máy ở Củ Chi, Tiền Giang và Tây Ninh”. Hành xử kiên nhẫn theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, lấy tình cảm kết hợp với nguyên tắc và luôn hỗ trợ nhân viên khi khó khăn, đó là cách “cầm lái” của Chủ tịch Kim.
Ảnh: Quý Hòa
Kiên nhẫn với nhân viên
* 20.000 nhân viên là cả một xã hội thu nhỏ. Làm thế nào để 20.000 cá tính đó đi cùng một hướng, đến cùng một đích và tuân thủ những triết lý công ty đưa ra?
– Mưa dầm thấm đất. Lấy tình cảm kết hợp với nguyên tắc và luôn hỗ trợ nhân viên khi khó khăn. Mười một năm làm việc tại Việt Nam, tôi hiểu rất rõ tính ưu cũng như mặt khuyết của nhân viên, nhất là các bạn trẻ. Họ thông minh, chuyên cần, học việc rất nhanh, sống tình cảm nhưng một số người vẫn thiếu tính kỷ luật, dễ bị lôi kéo, hay nể nang, không có chủ kiến và hay hành động theo số đông.
Vì vậy, để nhân viên thay đổi những thói quen xấu, lề thói làm việc thiếu quy tắc, tôi phải học tính kiên nhẫn, chờ đợi, chịu khó nhắc nhở. Cách làm này mất khá nhiều thời gian nhưng lâu dần, mọi người sẽ hiểu và thay đổi. Khi thay đổi được nhân viên thì đó là thành công của người lãnh đạo và của cả doanh nghiệp.
Thực hiện một đơn hàng, phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu, mà tất cả nguyên phụ liệu là nhập khẩu nên áp lực là tiến độ giao hàng. Bên cạnh đó, các thương hiệu lớn cũng rất khe khắt về chất lượng. Đôi lúc nhân viên may bị lỗi hoặc không đúng kỹ thuật, tôi phải đích thân hướng dẫn lại kỹ thuật. Đôi lúc cũng có một vài nhân viên không tiếp thu và không làm đúng và áp lực là tôi phải chịu trách nhiệm với công ty mẹ và với 20.000 nhân viên đang quản lý.
Song, quan điểm sống và làm việc của tôi là dù trong bất kỳ hoàn cảnh, khó khăn nào cũng không để nó làm thay đổi mình. Tôi sống lạc quan, nhìn vấn đề một cạc đơn giản, chậm rãi và hay nhìn vào mặt tốt của con người. Con người không hoàn hảo, nhưng trong mỗi người vẫn có mặt tốt, muốn cho mặt tốt phát huy thì người lãnh đạo phải kiên nhẫn và có tâm.
* Trong nhiều cái khó của người lãnh đạo, có cái khó nào ông thấy khó vượt qua?
– Có rất nhiều cái khó nhưng không có cái khó nào cho phép người lãnh đạo không thể vượt qua. Ví dụ như rào cản ngôn ngữ làm cản trở việc truyền đạt thông tin và đôi lúc gây hiểu nhầm cho nhân viên, nhưng đó chỉ là trước mắt vì tôi vẫn tiếp tục học tiếng Việt và cố gắng trò chuyện để học thêm nhiều ngôn từ phong phú của người Việt.
* Theo kế hoạch từ nay đến 2018, Hansae sẽ tăng dây chuyền may từ 240 đến 420. Ông có thấy khó khăn với việc này?
– Kế hoạch từ nay đến 2018, để tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh, Hansae Việt Nam không chỉ tăng thêm dây chuyền may mà còn đầu tư thêm máy móc, công nghệ tiên tiến. Công ty không có ý định cắt giảm nhân sự mà còn tuyển dụng thêm nhiều nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển. Với số lượng nhân viên ngày càng nhiều và các dây chuyền may càng hiện đại, cái khó của tôi là làm sao cho nhân viên trở nên có tay nghề chuyên nghiệp, hạn chế tối đa sơ sót và lỗi kỹ thuật.
* Trong một vài điểm yếu của nhân lực Việt Nam, còn có một điểm yếu quan trọng, đó là thiếu tay nghề và trình độ cao. Hansae có gặp khó khăn này?
– Thế mạnh nhất của Việt Nam là 50% dân số ở độ tuổi dưới 30. Đó là lợi thế để Việt Nam phát triển và thu hút các tập đoàn nước ngoài. Ở Hansae, chúng tôi tuyển dụng nhân viên tại địa phương, tổ chức đào tạo căn bản và nâng cao để phát triển tay nghề cho công nhân. Hằng năm, tìm ra những nhân viên xuất sắc, có năng lực cho đi học ở Hàn Quốc để có cơ hội tiếp cận với ngành thời trang phát triển của Hàn Quốc. Từ đó, nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân nhân viên.
Muốn thành công phải biết hy sinh
* Nếu góp ý kiến để nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai đáp ứng được nhu cầu cao của xã hội, ông sẽ nói gì?
– Thế mạnh nguồn nhân lực của một quốc gia, một doanh nghiệp không chỉ là số lượng mà còn chất lượng nên giáo dục chính là nền tảng. Trong đó, giáo dục không chỉ đào tạo kiến thức mà còn phải nhận thức. Trước đây, Hàn Quốc cũng rất nghèo nhưng giờ đây phát triển mạnh là nhờ ý thức và văn hóa làm việc của người dân.
Mọi người làm việc trên tinh thần hy sinh bản thân mình nhiều hơn, giải quyết việc công ty trước việc cá nhân, đặc biệt tuân thủ kỷ luật và tự giác. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu cao của xã hội, tôi nghĩ mỗi cá nhân cần tự tìm tòi, học hỏi, phát triển bản thân trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Còn doanh nghiệp cần tạo điều kiện để nhân viên có cơ hội được sáng tạo, đưa ra sáng kiến để cùng cải thiện và nâng cao năng suất.
* Một thực trạng của nhân viên Việt Nam là thường hay nhảy việc. Với kinh nghiệm 20 năm chỉ gắn bó với một công việc, ông có thể chia sẻ giá trị khi một nhân viên gắn bó lâu dài với công ty?
– Thông thường, khi làm việc ở một công ty nào đó, bạn phải làm tối thiểu 10 năm mới được xem là chuyên nghiệp. Khi đó, bạn mới được xem là người có giá trị cao với công ty. Và càng làm lâu, giá trị của bạn càng được nâng lên và có cơ hội phát triển.
Như vậy,những bạn hay nhảy việc sẽ không được xem là chuyên nghiệp, không có một lý lich đẹp và đôi khi còn là điểm bất lợi khi đến xin việc ở công ty khác vì các công ty này thường nghi ngại khả năng… nhảy việc tiếp và không tin tưởng độ trung thành với công việc của họ. Vì thế, trước khi quyết định vào làm việc ở công ty nào, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ về công ty xem mình có phù hợp với công việc và văn hóa công ty đó không.
* Giới trẻ Hàn Quốc có vẻ rất chú ý chăm chút cho ngoại hình. Một số bộ phận bạn trẻ Việt Nam cũng đi theo xu hướng này vì cho đó là cơ hội đầu tiên để thành công. Quan điểm của ông về chuyện này?
– Giới trẻ hiện nay có ý thức lập nghiệp và làm giàu rất sớm. Nhưng theo tôi, đầu tư mang lại giá trị lớn nhất cho con người chính là đầu tư cho chính bản thân họ, đó là kiến thức, kinh nghiệm về cuộc sống, về những thành bại trong công việc và kinh doanh. Điều đó sẽ mang lại giá trị cốt lõi của bản thân. Còn khi quá chú trọng đầu tư cho hình thức, gía trị của họ sẽ chỉ được đánh giá bằng vật chất.
Nhiều điều thú vị khởi nguồn từ công việc
* Nhiều năm gắn bó với ngành thời trang, chắc hẳn ông phải tìm thấy nhiều điều thú vị?
– “Quần áo, ăn uống, chốn ở” là ba thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người và điều thú vị là tôi đang được làm việc trong ba cái thứ không thể thiếu đó. Đặc biệt, quần áo, thời trang làm cho con người thay đổi và có một diện mạo khác hẳn. Vì vậy, không chỉ đáp ứng nhu cầu cần thiết, công việc của tôi còn mang lại vẻ đẹp cho con người, giúp họ tự tin hơn, thành công hơn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, một thú vị nữa là tôi có rất nhiều bạn bè, mối quan hệ bắt đầu từ công việc. Để làm ra một bộ trang phục, chúng tôi phải có nhiều khâu, từ thiết kế, vải, đến cắt, may… Do đó, khi các đối tác cùng một niềm vui, đam mê với công việc thì chúng tôi dễ dàng gặp nhau và trở thành thân thiết.
* Rất nhiều công ty cùng làm trong lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu cho các thương hiệu quốc tế lớn nhưng hình như Hansae không ngại bị cạnh tranh?
– Tập đoàn Hansae có 30 năm làm việc với các khách hàng lớn và sự gắn bó này xuất phát từ chữ tín, sự chuyên nghiệp và quan trọng là mỗi sản phẩm làm ra, chúng tôi còn ý thức không chỉ bảo vệ uy tín cho mình mà cả cho thương hiệu của đối tác.
Để chất lượng may mặc đạt chuẩn cao nhất và cũng dễ kiểm soát chất lượng, mỗi nhãn hàng Hansae có một xưởng may riêng và quản lý theo từng xưởng nhỏ. Bên cạnh đó, còn cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ theo yêu cầu.
Song, yếu tố quan trọng nhất, có thể xem là bí quyết khác biệt của Hansae là chúng tôi đã tổ chức một phòng thiết kế tư vấn cho khách hàng những xu hướng thời trang phù hợp với từng khu vực, quốc gia mà Hansae có văn phòng như Việt Nam, Myanmar, Trung Quốc, Guatemala, Indonesia, Mỹ…, đồng thời cung ứng luôn chất liệu vải, nguyên phụ liệu…
Điều này giúp khách hàng tiết kiệm chi phí bởi tiền lương cho một nhân viên thiết kế thường rất cao, chưa kể nhiều chi phí khác. Với dịch vụ này, nhiều khách hàng châu Âu sẽ là đối tác sắp tới của Hansae.
* Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng tham vọng làm thương hiệu cho thời trang Việt. Là người kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực may mặc, thời trang, ông có nhận xét thế nào về các thương hiệu thời trang Việt Nam?
– Mọi sự nỗ lực và tham vọng đều đáng ghi nhận và khuyến khích. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu nhà thiết kế chuyên nghiệp. Qua quan sát, tôi thấy Việt Nam có một số nhà thiết kế nổi lên nhưng họ chỉ thiết kế cho một nhóm đối tượng. Một số công ty thời trang khác thì vẫn thuê các nhà thiết kế từ nước ngoài. Theo tôi, muốn phát triển ngành thời trang, Việt Nam cần đầu tư có nền tảng, tổ chức nhiều hơn các trường đào tạo chuyên nghiệp, mời các nhà thiết kế nổi tiếng nước ngoài sang Việt Nam làm việc, chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi.
* Hansae có tính đến chuyện làm thương hiệu riêng?
– Chúng tôi đã có kế hoạch này từ lâu nhưng đường đi của Hansae là không phát triển thương hiệu từ đầu mà mua lại thương hiệu thời trang đã có, sau đó phát triển thương hiệu trên nền tảng này để rút ngắn thời gian đầu tư. Hiện nay tại Hàn Quốc chúng tôi đã có Hansae Dreams dành cho trẻ em với hai thương hiệu là Curly sue và Moimnolin, với các cửa hàng tại Trung Quốc, Hàn Quốc. Hansae cũng mới mua lại Công ty FRJ jeans của Hàn Quốc.
* Ông nói, có rất nhiều bài học thành công từ các lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc, ông có thể chia sẻ?
– Vào những năm 1950-1960, cũng như Việt Nam, thời điểm sau chiến tranh, Hàn Quốc cũng nghèo lắm, dân số bùng nổ, kinh tế khó khăn, Mỹ cấm vận…. Lúc đó, gia đình tôi cũng nghèo khó như bao gia đình khác, dù cha mẹ tôi làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không đủ ăn, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa.
Dù vậy, cha mẹ tôi vẫn thường nhịn ăn để dành tiền cho tôi đi học và động lực đầu tiên của tôi là học thật giỏi để trả ơn cha mẹ, sau là thay đổi đất nước. Cũng do nghèo khó mà ý chí của người dân Hàn Quốc rất cao, nhiều doanh nhân đã lao vào học tập, khám phá , tìm tòi bước đi mới.
Và hai yếu tố giúp họ thành công là tinh thần làm việc chăm chỉ vì quyền lợi chung của công ty và trách nhiệm với khách hàng. Ở Hàn Quốc, có một văn hóa khá đặc trưng, đó là văn hóa làm gương.
Người lớn phải làm điều tốt, điều đúng để con cái noi theo. Người càng có chức vụ lớn, càng phải làm nhiều hơn, chịu trách nhiệm cao hơn, không được đổ lỗi. Các chủ tịch Tập đoàn Samsung, Daewoo đều là những tấm gương gắn bó, tận tụy với công việc, họ thường xuyên có mặt ở các xưởng sản xuất chứ không chỉ ngồi ở văn phòng để điều hành.
* Nhiều người cho rằng, doanh nhân là phải đóng góp cho xã hội như một sự cám ơn đời. Ông quan niệm thế nào về việc này khi quan tâm rất nhiều đến các hoạt động cộng đồng và phát triển thể chất cho nhân viên?
– Tôi luôn ủng hộ những người có bầu máu nóng và nhiệt huyết với cuộc sống. Vì vậy, ở Hansae, bầu máu nóng này được nhân rộng thông qua nhiều hoạt động xã hội tình nguyện như chương trình tình nguyện hè. Qua chương trình này, Hansae làm cầu nối cho sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam giao lưu, tặng quà cho học sinh nghèo, cho trường khuyết tật.
Điều mà tôi muốn hướng đến, đó là nhân viên của Hansae phải có tinh thần lành mạnh, đoàn kết, sự năng động và thể chất khỏe. Vì vậy, mỗi năm Hansae đều có các hoạt động teambuilding, tổ chức các buổi tọa đàm có nhân vật thực, người thực để nhân viên trau dồi nghị lực và sự kiên trì trong cuộc sống nếu muốn đạt đến vinh quang.
Hansae cũng rất quan tâm đến các hoạt động ngoài xã hội và muốn góp phần phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao của Việt Nam bằng việc tổ chức giải golf cho giới nữ Việt Nam, tổ chức triển lãm tranh sơn mài tại Hàn Quốc, hợp tác với Nhạc viện TP.HCM phát triển tài năng âm nhạc…
Lữ Ý Nhi | Theo Doanh Nhân Sài Gòn