Khi cái nắng cuối mùa chỉ còn dát lại những mảnh vàng hiu hắt, những đợt mưa ngâu rả rích báo hiệu Thu về thì ở quê, nhà nhà lục tục chuẩn bị cho rằm tháng Bảy.
Hồi tôi còn bé, khi ấy bà còn sống, thấy bọn tôi ngâm nga “rằm tháng bảy ai quảy (giỗ) nấy ăn” bà chỉ chép miệng thở dài “ thóc thua gạo kém thế này rằm rì cái nỗi gì”. Nói vậy nhưng có bao giờ bà bỏ thắp hương.
Bao giờ tôi cũng được phân công múc những thìa cháo nhỏ cho vào những miếng lá chuối trải sẵn trong cái mẹt, ở quê không có lá đa nên dùng lá chuối, bà bảo cháo này đem đặt ngoài ngã ba cho cô hồn vất vưởng, ma đói không ai thờ tự. Nghe đến ma mặt đứa nào cũng xanh như tàu lá vì vậy rằm tháng bảy trong ký ức tuổi thơ chúng tôi có cái gì đó âm u, bí ẩn chen lẫn một chút sợ hãi vô hình.
Lớn lên, khi nhận thức đã đủ đầy hơn tôi mới hiểu về rằm tháng bảy, hình như trong khung cảnh những ngày Thu man mác buồn cũng là lúc đất trời, âm dương có mối giao hòa đồng điệu, có lẽ vì thế mà người xưa đã chọn tháng bảy cho những ngày lễ trọng, lễ vu lan báo hiếu theo nghi thức đạo Phật, tết trung nguyên của đạo giáo và lễ xá tội vong nhân, thờ cúng ông bà của dân gian, vẫn biết từ xưa đến nay trên đất Việt này tam giáo đồng lưu, dù giáo lý có khác nhau thì chung quy lại vẫn hướng con người ta đến tính thiện, lòng hiếu kính với đấng sinh thành, từ bi bác ái với đồng loại và cả tấm lòng khoan dung đức độ đối với cả những vong hồn bị đày ải từ cổng địa ngục.
Tiếng chuông chùa ngân nga điểm nhịp báo hiệu mùa vu lan, tất cả đều im lặng như nuốt từng lời răn dạy của sư thầy. Chen lẫn giữa những phật tử cài áo hoa hồng, rạng ngời niềm vui là nhưng bông hoa trắng, hình như họ cố giấu đi những giọt nước mắt tủi hờn và chắc rằng có cả những giọt nước mắt hối hận khi nghe trụ trì nói về công cha nghĩa mẹ, thế thôi, đức hiếu kính cũng như thiện tâm trong mỗi người kẻ nhiều, người ít để giờ đây khi đã âm dương cách biệt họ mới nhận ra mình chưa tròn đạo hiếu.
Tôi bỗng nhớ về bà, cả cuộc đời bà hiền từ nhân hậu, hi sinh hết mực, cầu cho linh hồn bà siêu thoát ở cõi vô cùng. Có bao giờ dù chỉ một lần trở lại ngày xưa để được thủ thỉ cùng bà khi bưng cháo ra ngã ba cúng các linh hồn phiêu bạt?
Đình Dũng – Theo Dân trí