Sau gần 2 năm hoạt động, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM (Saigon Innovation Hub – SIHUB) do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thành lập đang hướng đến mục tiêu đưa các startup Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu vào năm 2020.
Thành quả bước đầu
Hai năm qua, SIHUB đã hỗ trợ hơn 958 dự án khởi nghiệp, 15 vườn ươm, hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển mạng lưới cho hơn 100 cố vấn khởi nghiệp, đào tạo 115 giảng viên đại học về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
SIHUB còn hỗ trợ các quận, huyện phát triển khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, tổ chức các chương trình kết nối thị trường và thúc đẩy hoạt động đầu tư tài chính cho khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo. SIHUB cũng liên kết với các hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo ở Hàn Quốc, Phần Lan, Canada, Mỹ, Thụy Điển, Úc, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan, Lào và Malaysia.
Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc SIHUB – thì một hệ sinh thái khởi nghiệp có nhiều giai đoạn. Vì thế, bước đầu tiên SIHUB định hướng và kiến tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp. Đến thời điểm này, SIHUB đã chuẩn bị tiềm lực đến năm 2020 để bước sang giai đoạn hai của hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo: Giai đoạn hội nhập quốc tế. Bước thứ ba là giúp các startup Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo cung cấp cho một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới, tức đưa các startup bước vào “sân chơi” toàn cầu.
Chuẩn bị cho mục tiêu này, SIHUB đã thành lập ban điều hành hệ sinh thái cho bốn ngành kinh tế trọng điểm là công nghệ thông tin và truyền thông, chế biến lương thực – thực phẩm, cơ khí – tự động hóa, nhựa – cao su – hóa dược. Bồi dưỡng về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cho giáo viên trên địa bàn thành phố để nâng cao chất lượng giảng dạy. Xây dựng các câu lạc bộ đổi mới sáng tạo trong trường học. Đào tạo về quản trị năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp như chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
SIHUB vừa khởi động chương trình Runway to the world (Đưa startup Việt Nam ra thế giới), là chương trình trao đổi startup giữa Việt Nam và các nước công nghiệp tiên tiến ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á và một số quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Chương trình đầu tiên đã được SIHUB triển khai cùng với sự hợp tác với một số đối tác Hàn Quốc. Thông qua chương trình Runway to the world, SIHUB mong muốn startup Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi với các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển của thế giới, từ đó từng bước khắc tên Việt Nam lên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Số liệu thống kê theo báo cáo Xếp hạng Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu GII 2017 của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam so với thế giới và khu vực cho thấy, Việt Nam xếp thứ 47/127 về đổi mới sáng tạo toàn cầu, vượt 12 bậc so với năm 2016.
Nền tảng
SIHUB đóng vai trò cầu nối giữa Nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp, nhằm định hướng, điều phối và chia sẻ nguồn lực công cho cộng đồng khởi nghiệp với mục tiêu nâng cao năng lực phát triển đúng định hướng kinh tế – xã hội của TP.HCM.
Ông Huỳnh Kim Tước cho biết, một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt bao giờ cũng có kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp – nhà đầu tư – Nhà nước. Hệ thống hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp gồm nhiều lĩnh vực, từ nguồn lực tài chính, quan hệ, đào tạo, phòng thí nghiệm, nhà xưởng, văn phòng. Nhà nước còn giúp định hướng các dự án khởi nghiệp ở những ngành công nghiệp trọng điểm, như chế biến lương thực, thực phẩm, hóa chất, cao su, cơ khí và điện tử, công nghệ thông tin.
Đồng thời, SIHUB là đầu mối tiếp nhận các nguồn lực từ chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Nhà nước, các tổ chức tài chính quốc tế, chương trình hợp tác trong và ngoài nước, sau đó giới thiệu, điều phối các nguồn lực để cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận và triển khai, trên cơ sở lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp nhất, làm tốt nhất, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực.
SIHUB không ươm tạo startup như các vườn ươm đang làm, mà là đóng vai trò định hướng, điều phối, phân bổ các nguồn lực công cho các đơn vị chuyên môn để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các startup. Chẳng hạn, startup cần nghiên cứu sản phẩm thì SIHUB sẽ kết nối với những nơi có phòng thí nghiệm đạt chuẩn.
“Mọi startup đều được chào đón đến SIHUB mà không có sự phân biệt. Việc tiếp nhận được nguồn tài chính công, các startup đều có cơ hội như nhau, miễn là đáp ứng được các tiêu chí, thang điểm, định hướng mục tiêu mà Nhà nước đặt ra” – ông Tước nhấn mạnh.
Cách làm của Sihub trong thời gian qua đã chứng minh có hiệu quả và đem lại niềm tin cho lãnh đạo TP.HCM về một quyết sách đúng. Đó là tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp mạnh thông qua việc kết nối, nguồn lực công được phân bổ đúng địa chỉ và đầu tư hiệu quả. Trên nền tảng căn bản này, SIHUB sẽ mở rộng hợp tác quốc tế để đem đến nhiều lợi ích hơn nữa cho cộng đồng khởi nghiệp.
Theo DNSG Online.