Các cuộc thi khởi nghiệp không chỉ là sân chơi để giới trẻ thử tài kinh doanh mà còn là cầu nối giúp các doanh nhân thành đạt thế hệ trước truyền lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho lớp trẻ.
Từ lâu, Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) đã trở thành cái tên quen thuộc không chỉ đối với giới sinh viên khởi nghiệp trên khắp cả nước mà còn là nơi hội tụ của nhiều người thầy doanh nhân. Đó là những con người từng đương đầu và chứng kiến nhiều sóng gió trên thương trường, qua đó biết được những sai lầm mà các nhà khởi nghiệp trẻ rất dễ mắc phải. Họ tham gia chương trình với tâm huyết giúp thế hệ doanh nhân mới phát huy được hết năng lực cá nhân để đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh.
Với tiêu chí đó, họ không ngại chia sẻ những sai lầm mà mình từng mắc phải để giúp các bạn trẻ tránh đi vào “vết xe đổ”, họ tận tình truyền đạt những kiến thức và kỹ năng đã giúp họ phát triển sự nghiệp cá nhân để giúp các doanh nhân tương lai rút ngắn thời gian học tập trên con đường lập nghiệp.
Trải qua 2 vòng thi căng thẳng, 38 thí sinh – chủ nhân của 27 đề án kinh doanh đã chính thức bước tiếp vào vòng Chung khảo GTTNLVC 2017. Nhằm hỗ trợ tối đa thí sinh trong việc lập đề án kinh doanh, đồng thời giúp các em có cơ hội nhận được những nhận xét trực tiếp từ các doanh nhân, Ban tổ chức GTTNLVC đã tổ chức buổi tư vấn trực tiếp với sự tham gia của doanh nhân Đinh Hà Duy Trinh – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ tin học HPT, doanh nhân Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), doanh nhân Bùi Diệp – Tổng giám đốc Lionbui Agency.
Tại buổi tư vấn (tổ chức hôm 9/9 tại ĐH Mở TP.HCM), bà Trinh chia sẻ, đồng hành cùng cuộc thi trong suốt bảy năm qua, bà nhận thấy chất lượng đề án ngày càng được nâng cao sau mỗi mùa giải. Tuy nhiên, vẫn có những sai lầm cơ bản mà thí sinh thường mắc phải trong phần tài chính.
Bằng cách phân tích các sai sót và hướng dẫn thí sinh từng bước cơ bản trong bảng dự trù tài chính, bà khuyên: “Các em không nên tự làm khó mình bằng những phép tính phức tạp. Chỉ cần nắm vững đề án và hiểu các thông số tài chính cơ bản được hình thành dựa trên cơ sở vững chắc thì các em hoàn toàn có thể tự giả định một số nội dung để đơn giản hóa khâu tính toán”.
Thực tế, có rất nhiều doanh nhân sau khi khởi nghiệp thành công đã quay lại giúp đỡ thế hệ đàn em bằng cách đồng hành cùng họ dưới vai trò là nhà cố vấn hoặc nhà đầu tư. Bà Diệp cho biết, bản thân cũng là một người khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường và cũng từng thất bại nhiều lần mới đạt được thành công. Vì vậy, khi “gieo mầm” đam mê khởi nghiệp, bà luôn nhắc nhở các bạn trẻ, để thành công cần phải thực sự đam mê. “Hãy tự hỏi bản thân có chấp nhận dấn thân và sống hết mình với đam mê đó ngay cả khi vấp ngã hay không”, bà Diệp nói.
Sẽ có những thí sinh tiếp tục theo đuổi dự án khởi nghiệp nhưng cũng có những bạn chọn đi làm thuê. Dù thế nào những hành trang mà các thí sinh nhận được sau khi kết thúc cuộc thi khởi nghiệp như GTTNLVC vô cùng quan trọng, ông Tùng chia sẻ. “Có thể bạn không làm chủ nhưng bạn đã có góc nhìn của doanh nhân – cũng là những người đang thuê bạn, bạn sẽ đem lại giá trị đúng như họ mong muốn. Đó là bí quyết giúp bạn thành công trong sự nghiệp”, ông nói.
Chia sẻ bên lề sự kiện, thí sinh Lê Rin – chủ đề án VIETLISH CO-SPACE bày tỏ: “Có rất nhiều kiến thức chúng em đã được học và nghe nhắc đến nhiều nhưng chỉ khi tham gia buổi tư vấn với doanh nhân và được các anh, chị tư vấn trực tiếp, em mới nắm được những nội dung cốt lõi nhất và cần thiết nhất cho đề án khởi nghiệp của mình”.
VÂN THẢO – Ảnh: TĂNG KHÁNH/ DNSG.