Đây là mục tiêu đặt ra trong Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đến năm 2025, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán, sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đề án cũng nêu rõ 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Thứ nhất là cá nhân, nhóm cá nhân có dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Những doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận lần đầu cũng được hỗ trợ.
Thứ hai là tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất – kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đơn vị này phải đáp ứng các tiêu chí như người đứng đầu có ít nhất một năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức đó có ít nhất một năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp, đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất một tỷ đồng…
Đề án cũng nêu rõ sẽ tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hoá công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam với quy mô dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong thời gian 5 năm đến năm 2020. Ngoài ra, theo đề án, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách thuế, tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Ngọc Tuyên / Theo Vnexpress