Ngoài khiếu nại với YouTube, ông Tuấn còn gửi khiếu nại lên Cục Bản quyền của Bộ VH – TT&DL kèm theo tất cả những bằng chứng thu thập được về việc VTV vi phạm bản quyền.
Ngày 2-3, ông Bùi Minh Tuấn, trú tại thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết vào trưa cùng ngày, đại diện ban kiểm tra của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã liên lạc bằng điện thoại với ông.
Qua điện thoại, người này cho biết cuối tuần này sẽ vào Quảng Trị để làm việc với ông Tuấn để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc ông Tuấn khiếu nại lên YouTube về việc VTV vi phạm bản quyền hình ảnh của ông.
Trước đó vào ngày 29-2, kênh YouTube của VTV đã chính thức bị khóa sau khiếu nại của ông Tuấn.
VTV vi phạm bản quyền gần 20 lần
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại nhà riêng vào sáng 2-3, ông Tuấn vẫn tỏ ra vô cùng bức xúc về việc suốt hơn một năm qua VTV liên tục sử dụng hình ảnh của ông mà không xin phép, cũng không dẫn nguồn tác giả.
Ông Tuấn cho biết ông chỉ là một người kinh doanh. Tuy nhiên ông mê chơi các loại flycam nên mấy năm qua ông dùng thiết bị này ghi lại rất nhiều hình ảnh tại các địa danh trên khắp cả nước.
Trong đó nhiều nhất là các địa danh lịch sử, danh thắng tại Quảng Trị như cầu Hiền Lương, cột cờ giới tuyến, địa đạo Vịnh Mốc…
Ông Tuấn là đối tác của kênh YouTube nên những hình ảnh này được ông đăng tải lên kênh riêng của ông trên YouTube là Yamaha Trung Tá.
Theo hợp đồng của ông với YouTube, ông Tuấn được cấp một Content ID để bảo vệ bản quyền tác giả. Với việc được cấp Content ID, ông được YouTube chặn sao chép trên toàn cầu.
Tuy luật là thế, nhưng nhiều lần xem các chương trình trong năm 2015 của VTV, ông Tuấn phát hiện nhiều hình ảnh của mình bị VTV sử dụng một cách tùy tiện.
“Người của VTV không hề gọi điện hay liên lạc để xin tôi trước khi sử dụng những hình ảnh đó. Trong khi tôi đã cho chạy luôn logo ghi bản quyền tác giả và cả số điện thoại của mình dưới mỗi video”, ông Tuấn bức xúc.
Lần vi phạm đầu tiên của VTV mà ông Tuấn ghi nhận lại được là thời điểm diễn ra giải bóng chuyền nữ quốc tế tranh cúp VTV – Bình Điền diễn ra tại Quảng Trị vào cuối tháng 3-2015.
Trong clip giới thiệu về giải đấu này, VTV đã sử dụng hình ảnh cầu Hiền Lương của ông Tuấn mà không xin phép và không ghi rõ nguồn gốc tác giả.
Ông Tuấn ngay sau đó đã gọi ra khiếu nại với VTV. Sau đó một người của đài này đã gọi lại xin lỗi ông Tuấn. Vụ việc đầu tiên này được ông Tuấn cho qua.
Chỉ một tháng sau đó, trong chương trình chào mừng ngày 30-4 của VTV1, ông Tuấn lại phát hiện hình ảnh của mình tiếp tục xuất hiện trong chương trình này.
Lần này cũng như lần trước, không ai đả động gì đến bản quyền hình ảnh của ông Tuấn. Lần này ông Tuấn cũng tiếp tục liên lạc với VTV và nhận được lời xin lỗi thứ hai từ chương trình Chuyển động 24H.
Chương trình này được phát trên kênh YouTube của VTV. Cùng thời điểm này, ông Tuấn cho biết đã gửi đơn khiếu nại lên YouTube thông báo sự việc.
Kênh YouTube phúc đáp với ông Tuấn là đã gửi mail về cho phía VTV để cảnh báo vi phạm lần một. Cùng với đó là việc YouTube không cho phép Đài VTV được tải lên kênh của đài này video quá 15 phút. Đây coi như là một hình thức phạt cảnh cáo.
Vì đại diện của Chuyển động 24H đã xin lỗi nên ông Tuấn cũng bỏ qua. Và hình phạt cảnh cáo này cũng được gỡ bỏ.
Tưởng rằng VTV đã “biết điều” hơn. Nhưng đến chương trình Chào buổi sáng ngày 2-9-2015, VTV lại tiếp tục sử dụng thêm một lần nữa hình ảnh của ông Tuấn mà không được phép.
Lần này ông Tuấn cũng liên lạc với VTV để tiếp tục khiếu nại. Và ông nhận được câu trả lời của phó phòng rằng: “Do máy của VTV bị hỏng nên không gõ chữ nguồn gốc hình ảnh lên được”.
Câu trả lời này ông Tuấn đã ghi âm rõ ràng trong điện thoại. Và không thể chấp nhận được cách trả lời đó, ông Tuấn đã lại gửi khiếu nại lên YouTube.
“Liên tục mấy tháng sau đó, các chương trình của VTV tiếp tục sử dụng hình ảnh của tôi. Tổng cộng tôi đã ghi lại được bằng hình ảnh là gần 20 lần. Và không có một lời xin phép, cũng không một lần ghi bản quyền tác giả. Không còn cách nào khác, tôi phải khiếu nại lên YouTube. Và đến lần khiếu nại thứ ba vào ngày 29-2 vừa rồi. YouTube đã chính thức khóa kênh của VTV sau khi chứng minh được VTV vi phạm bản quyền”, ông Tuấn bực bội.
VTV lợi dụng lòng tin?
Cũng theo ông Tuấn, luật của YouTube rất rõ ràng. Nếu phát hiện người nào đó tải lên hình ảnh bản quyền của người đã được cấp Content ID, chỉ cần 0,5 giây sau là hệ thống rà soát nội dung của YouTube sẽ phát hiện và nhận diện.
Vi phạm này sẽ được báo về cả hai bên. Sau đó người vi phạm sẽ được cho ba “cơ hội” để “sửa sai”. Nếu lần thứ nhất và thứ hai bị phát hiện vi phạm bản quyền hình ảnh mà không dừng lại, đến lần thứ ba sẽ bị YouTube khóa kênh.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, riêng với VTV vì là Đài truyền hình quốc gia nên đã được YouTube “ưu ái” cấp quyền cao nhất trong số các đối tác. Theo đó, những đối tác được cấp quyền cao nhất như VTV sẽ không bị rà soát nội dung như những đối tác thông thường.
“Đây chính là lý do VTV nhiều lần sử dụng hình ảnh của một Content ID khác mà không bị phát hiện cho đến khi bị ông Tuấn khiếu nại.
Riêng trong sự việc này ông Tuấn nói rằng mình đã rất khó xử. Tuy nhiên do VTV vi phạm quá nhiều lần và dù được cảnh báo, khiếu nại rất nhiều nhưng vẫn cố ý tiếp tục vi phạm. Nên ông buộc phải làm biện pháp cuối cùng.
Ngoài việc khiếu nại lên Youtube, ông Tuấn cho biết cũng đã gửi đơn khiếu nại lên Cục bản quyền của Bộ VH – TT&DL kèm theo tất cả những bằng chứng ông thu thập được về việc VTV vi phạm bản quyền. Mới đây, Cục bản quyền đã có công văn với nội dung yêu cầu VTV giải trình những nội dung khiếu nại.
Ông Tuấn cho biết sắp tới ông sẽ tiếp tục chờ nội dung phía VTV giải trình với Cục Bản quyền. “Tôi chỉ cần một lời xin lỗi chính thức và công khai từ VTV để biết rằng họ còn biết tôn trọng bản quyền hình ảnh của người khác”.
Trong thông báo phát đi trên trang điện tử Vtv.vn, Đài truyền hình Việt Nam thừa nhận: “Tối 28-2, kênh YouTube có tên VTV – Đài Truyền hình Việt Nam nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động do có khiếu nại của bên thứ ba về vấn đề bản quyền.
Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại này là trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung.
Hiện VTV đã và đang triển khai những biện pháp xử lý nghiêm, chặt chẽ trong vấn đề bảo vệ bản quyền, quyền tác giả”.
VTV cũng cho biết, sau khi xảy ra sự việc, VTV đã tích cực làm việc với các bên liên liên quan để giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác và sớm khôi phục lại kênh Youtube bị tạm ngưng.
Kênh VTV – Đài truyền hình Việt Nam hoạt động trên Youtube từ tháng 6-2014, với gần 10.000 video được đăng tải, và có gần 95.000 lượt đăng ký theo dõi của người dùng YouTube.
Quốc Nam / Tuoitre.vn