Gọi vốn như là một con dao hai lưỡi. Bạn xoay đúng mặt thì vết cắt sẽ ngọt ngào. Ngược lại nếu bạn cắt sai hướng, nó sẽ đâm sâu và gây tổn hại không thể phục hồi.
- 3 phẩm chất cần thiết để nhà khởi nghiệp gọi vốn thành công
- Làm gì sau khi startup gọi vốn thành công?
Chính vì thế, biết được mặt nào nên làm, mặt nào nên tránh sẽ là chỉ dẫn quý báu cho các nhà sáng lập đang và có ý định gọi vốn từ các nhà đầu tư.
Trần Việt Hùng, CEO GotIt! (ứng dụng giáo dục Việt) – từng gọi vốn thành công hơn 9 triệu USD tại Sillicon Valley cho biết, anh từng nhận được nhiều cái lắc đầu từ nhà đầu tư vì nhiều lý do.
Trong đó, có người từng từ chối vì chưa thấy có tiền lệ người Việt nào từ trong nước qua Silicon Valley làm startup thành công vang dội.
Phạm Kim Hùng, sáng lập TechElite chia sẻ, nghịch lý ở Việt Nam nằm ở việc, nhà đầu tư cần startup có kết quả thì mới đầu tư tiền, còn startup cần tiền để có thể tạo ra kết quả.
Để làm hài lòng nhà đầu tư với mong muốn nhận được nhiều tiền, nhiều founder (nhà sáng lập) đã sử dụng nhiều “chiêu trò” để hoàn hảo hoá startup và làm tăng giá trị dự án.
Bên cạnh đó, “điểm chết” phổ biến của những startup trẻ khi kêu gọi vốn còn là sự thiếu hiểu biết. Rất nhiều startup không tìm hiểu về nhà đầu tư; lập bản kế hoạch quá sơ sài; run sợ, lúng túng khi thương lượng hay nói quá nhiều về hiện tại mà không hề có kế hoạch cho tương lai dài hạn…
Tuy nhiên, kể cả khi startup gọi vốn thành công, vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.
Đây chỉ là dấu hiệu ban đầu cho thấy startup đã được định giá trên thị trường. Việc duy trì, phát triển và sử dụng tiền hợp lý, hiệu quả theo đúng kế hoạch mà Startup đưa ra để thuyết phục nhà đầu tư sẽ gây áp lực không nhỏ với chính “người tiêu tiền”.
Có những startup gặp khó khăn khi các đợt vốn mà quỹ đầu tư đổ vào nhỏ giọt, với những yêu cầu khắt khe về thị trường, lượng người dùng,…
Ngược lại, khi được đổ vốn ào ạt, các startup cũng không mấy vui vẻ bởi khi đó, họ lại gặp áp lực phải tăng trưởng thật nhanh để đáp ứng kỳ vọng nhà đầu tư. Như trường hợp Tiki được VNG góp vốn 18 triệu USD, bài toán đổ tiền vào thị trường như thế nào chắc chắn sẽ phải được Tiki tính toán kỹ càng, nhất là trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử không mấy sáng sủa.
Càng áp lực cao, chiến lược phát triển startup càng dễ đi sai hướng, khi cố mở rộng vào những lĩnh vực không phải thế mạnh của mình.
Không phải startup non trẻ nào cũng vượt qua được thử thách “tiêu tiền” này. Thực tế không ít dự án khởi nghiệp sau khi được rót vốn tiêu hết tiền đã phải quay về với “cái máng lợn” ban đầu.