Jack Ma cực kỳ mê kiếm hiệp Kim Dung, hâm mộ tính trượng nghĩa và muốn truyền vào văn hóa Alibaba, muốn nhân viên sống như các đại hiệp.
- Đế chế Alibaba được tạo nên từ 8 điều dị thường từ Jack Ma
- Jack Ma vượt qua 7 thất bại lớn nhất như thế nào
Tiểu thuyết gia nổi tiếng Kim Dung qua đời tại Hong Kong ngày 30/10, ở tuổi 94, do tuổi cao sức yếu. Trong số những người khóc thương ông hơn cả có Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba.
Điều này không chỉ bởi Tra Lương Dung (tên thật của Kim Dung) là đại diện văn học kiệt xuất Trung Quốc, mà còn bởi tinh thần kiếm hiệp cố nhà văn lưu truyền đã ảnh hưởng trực tiếp lên con người Ma cũng như ý chí kinh doanh của “đế chế” Alibaba. Chính nhờ dám “tỉ thí”, startup của thầy giáo tỉnh lẻ mù công nghệ đã trở thành “gã khổng lồ” thương mại điện tử vang danh châu Á.
Cuối năm ngoái, tỷ phú Jack Ma gây bất ngờ khi sánh vai các “cao thủ” Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan để đóng phim kungfu. Niềm ham thích của Ma với võ thuật đến từ những tháng ngày mê mẩn bên trang kiếm hiệp Kim Dung, bộ truyện mà ông nói rằng đã đọc tất cả không chỉ một lần.
Kim Dung mất, Jack Ma viết tâm thư dài, kết thư “với những dòng nước mắt” và ký tên hiệu được chính nhà văn đặt cho năm nào.
Trong thư đăng kèm loạt ảnh chụp chung với Kim Dung trên mạng xã hội Weibo ngày 31/10, Jack Ma tự hỏi nếu không vì Kim Dung, liệu Alibaba có tồn tại.
Kim Dung là người phác họa nên khái niệm “đại hiệp” mà Ma khắc cốt ghi tâm, doanh nhân vì thế cảm thấy nửa cuộc đời mình đến nay gắn bó với cố nhà văn.
Lần đầu được gặp Kim Dung, Ma tả mình như một đứa bé líu lo. Ông luyên thuyên trong ba giờ đồng hồ gặp thần tượng, còn tiểu thuyết gia chỉ mỉm cười và lắng nghe. Khoảnh khắc không trở lại đó, theo Ma, ông vẫn còn nhìn thấy trong tâm trí.
Kinh doanh trên thương trường như hành hiệp giang hồ
Tỷ phú Alibaba so sánh người khởi nghiệp với một đại hiệp, bởi đều dám làm những việc nhiều người khác không dám, sống đúng tâm huyết, tự do lang bạt thiên hạ.
Ma cho rằng nhân vật Kim Dung viết ra mang nét tính cách người Alibaba tin tưởng và làm theo. Ở đó, họ quy tụ những cá nhân nhiệt huyết cùng nhau làm việc lớn, cụ thể là: “biến việc kinh doanh trở nên dễ dàng ở bất cứ nơi đâu” (Alibaba tiên phong trong xu hướng thương mại trực tuyến ở châu Á).
Chủ nhân Alibaba muốn tập thể mình như những kiếm khách bước ra từ những trang sách Kim Dung, hiên ngang giữa trời và đất, chịu đựng và làm được những điều người khác không thể.
Jack Ma mê Kim Dung đến mức đặt tên giá trị cốt lõi của Alibaba là “Lục Mạch Thần Kiếm” – một võ công khó luyện trong Thiên long bát bộ. Mỗi mạch đại diện cho một điều công ty nằm lòng, gồm: khách hàng trên hết, làm việc nhóm, đón nhận thay đổi, liêm chính, nhiệt huyết và kiên trung. Nhân viên được xếp loại năng lực cũng một phần dựa trên việc 6 “mạch kiếm” này được họ lấp đầy đến đâu.
Theo Financial Times, Ma khuyến khích “Alipeople” (người Alibaba) chọn cho mình tên nhân vật riêng từ truyện Kim Dung để gọi nhau trong công ty. Chúng được dùng trong những hoàn cảnh rất nghiêm túc như: email công việc, cuộc họp nhóm, kể cả bản đánh giá năng lực.
Bản thân vị chủ tịch chọn cho mình nickname Phong Thanh Dương, đệ nhất kiếm khách trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ. Trong truyện, Phong Thanh Dương là “thái sư thúc tổ” – hay sư phụ – dạy dỗ Lệnh Hồ Xung từ kẻ lang thang thành tài. Ma xuất thân thầy giáo, trong tâm niệm của một người dạy học, ông luôn muốn trò giỏi hơn mình. Đó cũng là kỳ vọng của nhà sáng lập khi tuyên bố sẽ rời Alibaba năm tới và đứng ngoài chứng kiến “đứa con” tự lớn mạnh.
Còn CEO kế vị và chủ tịch Aliaba tương lai Daniel Zhang tại tập đoàn cũng mang biệt hiệu Tiêu Dao Tử, nhân vật lập môn phái Tiêu Dao trong Thiên long bát bộ.
Bang hội huynh đệ tại Alibaba
Theo Brian Wong, phó chủ tịch Sáng kiến toàn cầu của Alibaba, các danh xưng kiếm hiệp được dùng nhằm cho nhân viên thấy mình đang thuộc một bang hội, chiến đấu cho lý tưởng riêng.
Chặng đường vươn lên của Alibaba cũng trải bằng những cuộc “đổ máu” với loạt đối thủ sừng sỏ. Chẳng hạn thập niên trước, Alibaba dũng cảm tuyên chiến với eBay bằng cách quyết không thu phí các nhà buôn ghi danh trên website của họ. Thời điểm sắp niêm yết, lựa chọn này khiến hãng thương mại điện tử Trung Quốc chịu thua thiệt về khoản lợi nhuận công bố nhằm hút nhà đầu tư.
Đổi lại, dũng khí đó giúp Alibaba đoạt thị phần, dần đẩy lui thành công một trong những công ty lớn nhất thung lũng Silicon ra khỏi đất nước.
Wong mô tả các đại hiệp trong tiểu thuyết Kim Dung là “bang huynh đệ, những kẻ ngoài lề hành hiệp chống lại những gì họ nghĩ không công bằng, chưa chính nghĩa”.
Một người thân cận khác kể ở thời điểm trước khi Ma rời ghế điều hành thường nhật tại Alibaba năm 2013: “Mọi người không nhận ra truyện kiếm hiệp ảnh hưởng lên Jack và chiến lược kinh doanh của ông ấy thế nào đấy thôi. Chúng giúp định hình lý tưởng của người đàn ông này bởi luôn đề cao tinh thần trượng nghĩa”.
Tên hiệu Thiên Hành được Kim Dung tặng, Jack Ma nói trong tâm thư sẽ ghi nhớ trọn đời. Nó có nghĩa “sự chuyển dịch của trời”, lấy từ một đoạn trích trong Kinh Dịch: “Trời chuyển dịch luôn đầy sinh khí, một trượng phu cũng phải không ngừng phấn đấu”.
Ma cảm ơn Kim Dung, vì nhờ tiểu thuyết gia, ông thường xuyên được bước vào Ngọc Nữ Phong (nơi Lệnh Hồ Xung sám hối trong Tiếu ngạo giang hồ), tranh luận tại Hoa Sơn (chỗ các cao thủ võ lâm tỉ thí trong một số truyện Kim Dung), gặp khách hàng trên đỉnh Quang Minh (trong Ỷ thiên đồ long ký). Tỷ phú nổi tiếng với thông lệ đặt tên các văn phòng làm việc trong trụ sở Alibaba theo loạt địa danh trong tiểu thuyết Kim Dung.
Chính trực, yêu thương, trách nhiệm, tự do và thanh thản là những điều Jack Ma trải lòng rằng người Alibaba đã học từ các tác phẩm của Kim Dung, và làm việc cật lực để sống theo.
Thanh Tùng | Ngoisao.net