Hệ thống bánh mì Việt tên Lee’s Sandwiches hiện có tới 55 cửa hàng ở Mỹ và ông chủ Chieu Le từng nhận giải thưởng Doanh nhân quận Cam của năm hồi 2003.
Những năm tháng gian khổ nơi đất khách
Cuộc phiêu lưu của Chieu Le bắt đầu vào năm 1979, khi ông quyết định cùng vợ tới Mỹ bắt đầu một cuộc sống mới. Không nói nổi một câu tiếng Anh, Chieu Le chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm việc không ngưng nghỉ để đổi lấy sự tồn tại cùng với công việc dao thớt vất vả. Thời kỳ đầu thực sự rất khó khăn khi ông phải nuôi vợ và đứa con trai mới sinh nơi đất khách. Và đó cũng là lúc Le nhận ra, nếu không thay đổi, cuộc sống sẽ mãi chỉ có khổ cực.
Năm 1980, ông chuyển tới San Jose và bắt đầu học tiếng Anh. Tại đây, Chieu vừa học, vừa làm việc cho một ông chủ Việt với chiếc xe bán thức ăn dạo. Sau một năm, với vốn tiếng Anh vẫn còn hạn chế, Chieu đánh liều tự mua riêng một xe bán đồ ăn. “Người chủ cũ chả muốn bán cho tôi chút nào bởi ông ta không thể kiên nhẫn với một kẻ vừa không biết tiếng Anh, lại vừa trông nhếch nhác như tôi ngày đó”, Chieu Le nhớ lại.
Chieu Le thừa nhận, ông không thể có được ngày hôm nay nếu đứng sau không có vợ mình. Sau quãng thời gian chật vật ban đầu, Chieu cuối cùng cũng có cơ hội mở rộng việc kinh doanh khi được một số công ty cho phép bán hàng trong khu vực của họ. “Chúng tôi ‘chạy sô’ đến ít nhất 10 công ty, và mỗi công ty 3 lần trong ngày”, Yen, vợ Chieu Le chia sẻ về những ngày đầu vất vả trên đất Mỹ của gia đình.
Năm 2001, Chieu Le cùng gia đình mở cửa hàng đầu tiên, sau hàng chục năm bán bánh mì dạo trên chiếc xe cũ. Đến nay, cửa hàng bánh mì Lee, được đặt tên theo họ của gia đình, đã trở thành một trong những chuỗi nhà hàng phát triển nhanh nhất tại bờ Tây nước Mỹ. Năm 2003, Chieu Le nhận giải thưởng Doanh nhân quận Cam của năm. Đến nay, hệ thống Lee’s Sandwiches đã có tới 55 cửa hàng trên khắp nước Mỹ và được công nhận là ‘Chuỗi nhà hàng bánh mì lớn nhất thế giới’.
Hệ thống bánh mì Việt tại Mỹ có gì đặc biệt?
Chieu Le muốn mang bánh mì Việt tới với mọi người, đồng thời định nghĩa lại khái niệm ‘đồ ăn nhanh’ vốn thường gắn liền với các món ăn đến từ Mỹ hay châu Âu. Với số lượng cửa hàng lớn trên đất Mỹ, Lee’s Sandwiches chính là bộ mặt của đồ ăn nhanh Việt Nam tại đây.
Việc chọn món tại hệ thống bánh mì lớn nhất thế giới này thường có thể gây phiền toái cho một số khách hàng khó tính, do thực đơn được thiết kế với 2 ngôn ngữ song song. Tuy nhiên, điều này lại khiến 2 chữ ‘bánh mì’ được nhiều người biết đến và trở nên quen thuộc. Khách hàng Mỹ giờ đây không sử dụng từ ‘combination’ để gọi món ‘bánh mì tổng hợp’, mà thay vào đó, họ dùng tiếng Việt.
Bên cạnh bánh mì, Lee’s Sandwiches còn giới thiệu đến người Mỹ những “đặc sản” khác của người Việt: café nâu đá, trà đá cùng với nhiều loại đồ uống khác. Thậm chí, nhiều cửa hàng mới trong chuỗi thương hiệu của Chieu Le còn là nơi khách hàng thường xuyên lui tới từ 4h30 sáng và ra về vào nửa đêm, điều vốn chỉ xảy ra ở Starbucks.
Không bao giờ dừng lại
Chieu Le cùng gia đình có thói quen làm từ thiện. Sau thảm kịch 11/9 tại Mỹ cũng như trận sóng thần tại Nam Á năm 2004, Lee’s Sandwiches đã quyên góp gần 200.000 USD ủng hộ gia đình nạn nhân. Ngoài ra, cùng với một triệu phú gốc Việt khác là Frank Jao, gia đình Chieu Le đã hỗ trợ 1 triệu USD cho trường cao đẳng cộng đồng Coastline nhằm giúp họ xây dựng cơ sở vật chất.
Ryan Hubris, một đối tác của Chieu Le, cho biết triệu phú này đã phát miễn phí không biết bao nhiêu bánh mì cho các tổ chức, trường học trên khắp nước Mỹ. “Tính ra, số bánh mì đó có thể trải dài khắp California nếu được xếp nối tiếp nhau”, Ryan so sánh.
Bên cạnh từ thiện, Chieu Le cũng rất quan tâm tới vấn đề khởi nghiệp của các doanh nghiệp non trẻ. Ông chia sẻ: “Tôi không muốn thấy ai phải trải qua những ngày khốn khổ như mình ngày trước. Chúng tôi bắt đầu từ con số 0, và phải mất rất nhiều năm cùng với một chút may mắn mới có được ngày hôm nay”.
Cho đến ngày hôm nay, Chieu và vợ mình vẫn tiếp tục cùng nhau xử lý mọi công việc trong cuộc sống như những ngày đầu tiên. Hàng ngày, cả hai chia sẻ với nhau việc điều hành kinh doanh, nuôi con cũng như dìu dắt chúng tiếp quản công việc. Yen vẫn đóng vai trò kế toán, còn Chieu Le quản lý hệ thống cửa hàng trên toàn nước Mỹ.
Gần 60 tuổi, Chieu Le không bao giờ nghĩ tới việc nghỉ ngơi. “Ông ý luôn bù đầu với công việc. Gia đình chúng tôi sống cạnh sân golf, mà chẳng bao giờ thấy ông ý thư giãn hay học chơi môn này”, Yen, vợ của Chieu Le nói về chồng. Đối với vị triệu phú, tình yêu với công việc chính là điều đã giúp ông tồn tại trên đất Mỹ và có được thành công như hiện nay.
Nguồn Tô Đức / Zing News