Cốc Cốc (coccoc.com) là công cụ tìm kiếm và trình duyệt web được thiết kế dành riêng cho người Việt Nam. Chính thức ra mắt vào năm 2013, 1 năm sau đó, Cốc Cốc đã vượt qua Internet Explorer của Microcosoft và trở thành trình duyệt được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Thậm chí, tháng 9 năm ngoái Cốc Cốc còn “vượt mặt” cả Firefox.
Đây là một trong số ít các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thành công ở Việt Nam. Các thành viên sáng lập của Cốc Cốc là Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Ngọc, đều du học tại Nga.
Khi đang học đại học, chứng kiến sự thành công của Yandex – một công cụ tìm kiếm của người Nga, 3 lập trình viên trẻ này đã nung nấu giấc mơ xây dựng một công cụ tìm kiếm dành riêng cho người Việt. Ý tưởng xây dựng một sản phẩm cạnh tranh với Google của họ từng bị cho là hão huyền, là “điên”.
Và để biến giấc mơ của mình thành hiện thực, họ đã đầu quân cho đội ngũ phát triển công cụ tìm kiếm dành cho người Nga là nigma.ru, với mục đích học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm cũng như có cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng.
Họ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, tìm ra những lối đi riêng cho sản phẩm và thử sức với các thuật toán khó.
Nguyễn Thanh Bình – 1 trong 3 thành viên sáng lập Cốc Cốc |
Chia sẻ tại buổi nói chuyện về khởi nghiệp trong khuôn khổ Ngày hội Công nghệ FPT 2015 (diễn ra hôm 19/5), Nguyễn Thanh Bình – 1 trong 3 thành viên sáng lập Cốc Cốc bày tỏ: Ngay khi khởi nghiệp, bất cứ ai cũng cần phải có một niềm tin mạnh mẽ vào cơ hội của sản phẩm dựa trên các cơ sở thực tế, lý luận khoa học.
“Một công ty, một sản phẩm không thể giải quyết tối ưu tất cả các nhu cầu đa dạng của người dùng. Với trường hợp Google cũng vậy. Chúng tôi thấy rằng Google không phải luôn luôn làm hài lòng người tìm kiếm, vẫn còn nhiều khía cạnh tìm kiếm mà chúng tôi có thể khai thác và giành thị phần… Mỗi lĩnh vực cho dù thị trường đã có những sản phẩm tốt thống lĩnh, chúng ta vẫn luôn có cơ hội tìm ra hướng phát triển riêng cho sản phẩm của mình. Điều quan trọng là phải có niềm tin”, Thanh Bình nói.
Giờ thì coccoc.com có hơn 90.000 lượt tải hằng ngày. Lượng người dùng Cốc Cốc để tìm kiếm đã cán mốc kỷ lục 4,2 triệu người hồi tháng 2 vừa qua, trở thành trình duyệt nội địa đầu tiên trên thế giới đứng vị trí số 2 về mức độ phổ biến tại một quốc gia.
Chia sẻ với Thời báo kinh doanh The Establishment Post (Singapore) về hành trình khởi nghiệp, Lê Văn Thanh cho biết: “Chúng tôi không tiền, không nhân viên và không thương hiệu. Thứ duy nhất chúng tôi có là quyết tâm không bỏ cuộc. Cũng may mắn là chúng tôi có một số khoản tiền nho nhỏ từ những nhà đầu tư Nga, những người nhìn thấy giá trị tiềm ẩn của dự án và tin tưởng vào những gì chúng tôi nói”.
Lê Văn Thanh – 1 trong 3 thành viên sáng lập Cốc Cốc |
Theo Thanh, việc tin tưởng vào những gì mình làm là điều rất quan trọng với những người muốn xây dựng và phát triển ý tưởng kinh doanh. “Đừng bao giờ từ bỏ. Nếu có thất bại, cần tìm hiểu lý do tại sao thất bại. Thất bại là mẹ thành công”, Thanh nhấn mạnh.
Từ đầu 2015, với khoản tiền đầu tư 14 triệu USD (tương đương hơn 300 tỷ đồng) từ Tập đoàn Truyền thông Hubert Burda Media (Đức), Cốc Cốc đang đẩy mạnh hoàn thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng phiên bản trình duyệt trên mobile, đồng thời còn thực hiện tham vọng tiến ra thị trường nước ngoài…
Trước câu hỏi về “áp lực” sau khi nhận khoản tiền từ các nhà đầu tư, Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của ngành công nghệ, các nhà đầu tư thường rất hạn chế can thiệp vào việc quản lý của các nhà sáng lập. Với trường hợp của Cốc Cốc, nhà đầu tư không tham gia vào quản lý vận hành của Cốc Cốc, họ chỉ đứng ở vai trò tư vấn chứ không ở vị thế gây áp lực.
“Họ luôn coi Cốc Cốc là sản phẩm đầu tư chiến lược, do đó chỉ tập trung hỗ trợ chúng tôi đạt được những mục tiêu đã đặt ra trước thời điểm đầu tư. Ngoài ra, họ cũng tham gia đóng góp ý kiến, giúp phân tích các lựa chọn chiến lược và gợi mở ý tưởng dựa trên những phân tích, nghiên cứu chuyên nghiệp”, Thanh Bình nói.
“Áp lực” của Cốc Cốc chính là luôn phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cùng với việc tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà đầu tư, kết hợp chính sách quản lý và nhân sự hợp lý, để đem đến những kết quả tốt nhất. Và thực tế cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn sau khi có thêm nguồn vốn đầu tư từ Hubert Burda Media, Cốc Cốc đã đạt được những bước đi rất khả quan.
“Ba tháng sau khi nguồn vốn của Hubert Burda Media được giải ngân, doanh thu của Cốc Cốc Ads đã tăng hơn gấp đôi, lượng cài đặt trình duyệt Cốc Cốc tăng 32%. Chúng tôi cũng đã có được nhiều hợp đồng lớn từ các khách hàng có tiếng trên thế giới…”, Bình cho biết.