Khởi nghiệp công nghệ: Dể sinh – khó dưỡng
Cộng đồng khởi nghiệp công nghệ (tech-startup) tại Việt Nam dồn dập đón những thông tin đầy hứng khởi. Nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn cần phải vượt qua
Trước hết, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến công du đã mang theo tin vui cho giới trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam khi công bố Quỹ Đầu tư 500 Startups, có trụ sở tại Thung lũng Silicon, lên kế hoạch cấp tổng số vốn trị giá 10 triệu USD cho khoảng 100-150 công ty khởi nghiệp Việt Nam. Vài tuần sau, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ công bố kế hoạch, khoảng 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ hoàn tất việc lập sàn chứng khoán riêng biệt dành cho cộng đồng khởi nghiệp, qua đó hỗ trợ những đơn vị này trong huy động vốn.
Mảng xám sau màu hồng
Những tin vui này đến trong bối cảnh startup Việt Nam trở thành một phong trào đáng chú ý và thu hút được giới đầu tư trong và ngoài nước. Hiện Việt Nam có 40 quỹ đầu tư có vốn trên dưới 50 triệu USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Theo đó, các thủ tục thành lập quỹ được tối thiểu hóa, chỉ mất 3 ngày để thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Thị trường cấp vốn ngoài những cái tên như IDG Ventures, thời gian trở lại đây đã xuất hiện thêm CyberAgent Ventures (Nhật), Dream Incubator Việt Nam (Nhật), 500 Startups (Mỹ), Alpha Vision (Singapore)… Đặc biệt có sự tham gia của các công ty trong nước như Quỹ FPT, Seedcom, Appota…
Nhưng đằng sau màu hồng lạc quan của phong trào startup, còn cả mảng xám không phải ai cũng biết. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Điều hành, Tập đoàn IDG Đông Nam Á, chia sẻ, tại Việt Nam, trên 60% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, trong đó 70% thất bại ngay năm đầu, 90% đến năm thứ 2 và thứ 3 gặp khó khăn.
Những doanh nghiệp thành công có thể điểm lại các cái tên như trong lĩnh vực internet có VNG, VCCorp; giải pháp thương mại điện tử có Vật giá, Chợ điện tử, Bizweb, WebBNC; trang web ăn uống có Foody… Hiện có một số cái tên mới khá nổi như Giao hàng nhanh (Hậu cần thương mại điện tử), Haravan (Giải pháp kinh doanh trực tuyến), ANTS (Quảng cáo dựa trên dữ liệu lớn)… Tuy nhiên, cũng chưa có tương lai vững chắc nào cho các doanh nghiệp này. Trong khi đó, thị trường chứng kiến không ít “bom tấn chưa kịp nổ đã tịt” như Nhóm Mua, Dự án Lana, Deca.vn, Thổ địa…
Trên thực tế, điều này không khó hiểu vì tech-startup ở Việt Nam thực sự là rất khó vì việc cung cấp giải pháp dành cho doanh nghiệp hay các ứng dụng giải trí dành cho người sử dụng phổ thông trên các thiết bị di động thông minh khó như nhau. Ông Nguyễn Dương Huy Vũ, Giám đốc Điều hành Công ty Fibo, đơn vị cung cấp giải pháp SMS có 8 năm tuổi trên thị trường, cho rằng, đặc thù của việc cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp là giá sản phẩm ngày càng thấp, trong khi chi phí nhân công ngày càng cao.
Bởi có đến 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ trong quản lý chưa cao nên họ dành rất ít kinh phí cho việc đầu tư các giải pháp công nghệ. Cũng theo ông Vũ, chính sách cũng chưa hỗ trợ cho ngành công nghệ vì nhiều phát minh, sáng chế về phần mềm đôi khi đi trước luật khiến doanh nghiệp vừa làm vừa sợ bị “thổi còi”.
Tương tự, phát triển các ứng dụng, sản phẩm dành cho người tiêu dùng trên di động thông minh cũng không còn hấp dẫn như trước. Bởi theo ông Võ Duy Tuấn, người vừa bán ứng dụng Karaoke Việt Nam cho Công ty Quảng cáo 24h, hiện đã xuất hiện quá nhiều ứng dụng nên thời làm ứng dụng để hưởng lợi từ quảng cáo đã qua. Theo trang web statista.com, tính đến tháng 2.2016, số ứng dụng hoạt động trên Google Play là 2 triệu; trên App Store tính đến tháng 6.2015 cũng đã đạt 1,5 triệu.
Hiện các ứng dụng trên điện thoại đòi hỏi các nhà phát triển đầu tư một hệ thống bài bản, chịu lỗ trong thời gian đầu để thu hút người dùng như Zalo của VNG. Còn phát triển game thì không cạnh tranh nổi với các công ty nước ngoài, đặc biệt là các đại diện đến từ Trung Quốc. Đó là chưa kể khi có doanh thu, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều vấn đề về thuế, quản trị…
Lặp lỗi khởi nghiệp
Thị trường khó tính, đầu tư dài hạn nên đầu tư tech-start được ví von “may rủi như mua vé số”. Tuy nhiên, cho đến nay, những người chọn tech-startup phần lớn vẫn mắc phải những lỗi của 3 năm trước. Lỗi thứ nhất, theo bà Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Alpha Vision, là nhiều startup không nghiên cứu thị trường trước khi khởi nghiệp. “Nhiều người vẫn quanh quẩn với các câu hỏi như làm sao để gọi vốn, để bán được hàng, để có sản phẩm tốt?… Đây là những câu hỏi cho thấy họ chưa dấn thân hoặc chưa tập trung hết sức vào công việc kinh doanh của mình”, bà Quyên nhận định.
Vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một startup nào. Mặc dù vậy, với bản chất rủi ro lớn nên gọi vốn đầu tư cho startup không đơn giản trong thời điểm số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam còn hạn chế về quy mô. Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện chỉ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trong số các quỹ nội địa mới chỉ có FPT Venture tích cực đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp.
Tuy nhiên, tiền chưa phải là tất cả. Theo bà Quyên, để có thể hiểu rõ một mô hình kinh doanh đòi hỏi các nhà cố vấn phải theo sát các dự án khởi nghiệp. Trong khi đội ngũ cố vấn có giới hạn mà số lượng tech-startup lại tăng quá nhanh, không nhận đủ sự tư vấn cần thiết. Bên cạnh đó, vai trò chính của các vườn ươm là hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tạo cơ hội kết nối nên việc dự án thành hay bại phụ thuộc rất lớn vào tính năng động, kiên trì và chịu khó học hỏi của đội ngũ sáng lập công ty.
Lỗi thứ 2 là thiếu sự đa dạng trong đội ngũ đồng sáng lập. Có rất nhiều nhóm khởi nghiệp mà đội ngũ đồng sáng lập đều là những người chuyên về kỹ thuật. Xác suất thất bại của nhóm thường rất cao vì không có cái nhìn về thị trường hoặc sản phẩm làm chưa tới vì trải nghiệm của nhóm phát triển chưa nhiều. Theo bà Quyên, vẫn có những nhóm khởi nghiệp đa dạng về thành phần đồng sáng lập, mỗi người đảm trách một khâu nhưng tỉ lệ thất bại của nhóm này cũng cao ngang nhóm thuần công nghệ nếu người dẫn đầu thiếu tầm nhìn, kỹ năng quản lý.
Cuối cùng là nhiều người khởi nghiệp vẫn mang tư tưởng lập dự án để được rót vốn. Đại diện của Quỹ Auxesia Holdings, đơn vị chuyên đầu tư vào các công ty có thời gian hoạt động từ 3-5 năm, cho biết, dù có dòng tiền ổn định nhưng startup vẫn gặp khó khăn vì doanh nghiệp và nhà đầu tư đôi khi không cùng tiếng nói. Bởi Việt Nam vẫn được xem là thị trường thiếu tính minh bạch nên các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư mạo hiểm vẫn còn khá dè chừng.
Nói như vậy không có nghĩa là tech-startup hiện nay đã không còn hấp dẫn. Theo bà Quyên, có những yếu tố mà thị trường cách đây 3 năm không thể có chính là ngày càng có nhiều CEO các công ty thành công của thế hệ trước như Thiên Long, Bita’s, Kinh Đô… dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm với các nhóm khởi nghiệp. Nhóm này cũng có xu hướng quan tâm nhiều hơn về công nghệ để tìm cơ hội kinh doanh mới. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước trước đây chuyên đầu tư ngành bán lẻ, bất động sản cũng đang nghiên cứu khu vực công nghệ.
Việc kết hợp giữa 2 thế hệ được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới cho lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng để tham gia đòi hỏi những người khởi nghiệp trong lĩnh vực tech-startup phải thực sự nghiêm túc, đầu tư công sức và bớt mơ mộng. Trao đổi gần đây với NCĐT, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty TMA Solutions, cho rằng, đối với ngành công nghệ, muốn khởi nghiệp, người chủ nên đi làm từ 5-7 năm để trau dồi kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp vì kinh doanh là quản lý và khám phá con người. “Ngành nào tôi không biết chứ công nghệ thì thành công nhờ may mắn thường rất hiếm”, ông Lệ nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Canavi.vn, một trang web cung cấp nữ giới thiệu sản phẩm, dù tính toán rất kỹ nhưng khả năng thất bại vẫn luôn chực chờ các tech-startup. Cuối tháng 5 vừa qua, Canavi.vn vừa nhận một khoản đầu tư và Công ty đang nghiên cứu để thâm nhập thị trường Singapore trong 2 năm tới. Để theo đuổi định hướng này, trong nhóm quản lý có một người luôn đưa ra các chiến lược dài hạn, trong đó bao gồm cả việc phát triển sang những thị trường tiềm năng, kết nối với các đối tác địa phương và tìm kiếm phương hướng hợp tác. Người còn lại đóng vai trò đưa ra các kế hoạch ngắn hạn, các mục tiêu phải đạt được để doanh nghiệp có thể tồn tại. “Khi tất cả có xu hướng mơ mộng hay ảo tưởng sức mạnh, người đưa ra các kế hoạch ngắn hạn có nhiệm vụ kéo cả nhóm trở về mặt đất”, ông Hải nói.
Huy Vũ / Theo Nhịp Cầu đầu tư
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra