Đối với nhiều công ty khởi nghiệp, quá trình lỗ có thể kéo dài cả chục năm. Đôi khi càng lỗ nhiều lại càng được định giá cao.
Bắt kịp với xu hướng của thế giới, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đã diễn ra rất mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước cũng bắt đầu có những thương vụ đình đám.
Không chỉ còn là những thương vụ “nhỏ lẻ” quy mô vài trăm nghìn đến vài triệu USD như trước, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều thương vụ có quy mô hàng chục triệu USD, định giá doanh nghiệp lên đến hàng trăm triệu USD chỉ sau vài năm hoạt động như Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đầu tư 28 triệu USD vào ví điện tử Momo hay Công ty cổ phần VNG rót 18 triệu USD vào trang thương mại điện tử Tiki.
Lỗ không phải vấn đề
Nhưng khác với những lĩnh vực truyền thống, thông thường các doanh nghiệp có lợi nhuận càng tốt càng được định giá cao thì đầu tư vào các công ty công nghệ nói riêng và lĩnh vực khởi nghiệp nói chung lại không như vậy.
Cả 2 ví dụ kể trên, Tiki và Momo đều là những doanh nghiệp đang lỗ. Báo cáo của Công ty cổ phần VNG cho biết công ty này đã bỏ ra 383 tỷ đồng để mua 3,7 triệu cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của Tiki, sau đó phải hạch toán giảm giá trị khoản đầu tư này xuống còn 376 tỷ đồng ngay trong quý I/2016.
Những số liệu này cho thấy VNG đã trả mức giá rất cao, khoảng 103.000 đồng/cp, qua đó định giá Tiki ở mức 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Tiki lỗ khoảng hơn 20 tỷ trong quý đầu năm.
Còn Momo, ví điện tử này lỗ 42 tỷ trong năm 2014 và lũy kế đến cuối năm đó lỗ 90 tỷ.
Một công ty khởi nghiệp sáng giá trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa là Giao hàng nhanh đã âm vốn chủ sở hữu 17 tỷ tính đến cuối năm 2014 (trong năm này công ty lỗ 18 tỷ trên vốn điều lệ 5 tỷ).
Mức định giá “trên trời” bất chấp thua lỗ có thể khá lạ lẫm với giới đầu tư tài chính Việt Nam nói chung nhưng với lĩnh vực khởi nghiệp thì đôi khi, càng lỗ nhiều lại càng được định giá cao, cổ phiếu thường không dưới “10 chấm” – tức gấp 10 lần mệnh giá trở lên. Nhà đầu tư khi đầu tư vào công ty khởi nghiệp thường kỳ vọng vào triển vọng 5 – 10 năm của công ty; còn việc công ty khởi nghiệp có lãi ngay là điều rất hiếm.
Tesla Motor – một trong những công ty công nghệ sáng giá nhất thế giới hiện tại – cũng đã lỗ ròng rã 10 năm trước khi bước vào thời kỳ gặt hái thành quả.
Vài triệu đồng một cổ phiếu cũng không quá hiếm
Chính vì vậy, chỉ cần một mô hình, giải pháp hay sản phẩm mà nhà đầu tư đánh giá là có tiềm năng thì các công ty khởi nghiệp ở ta cũng như tây có thể rất nhanh chóng huy động được lượng vốn lớn.
Với những công ty sáng giá, việc bán cổ phiếu với mức giá cả triệu đồng (gấp 100 lần mệnh giá), qua đó thu về thặng dư vốn gấp cả chục lần vốn điều lệ cũng phải là quá hiếm.
Foody, mô hình khởi nghiệp về tìm kiếm địa điểm, đã được rót vốn 4 lần từ các nhà đầu tư Nhật, Mỹ và Singapore. Cuối năm 2014, công ty này có khoản thặng dư 36 tỷ đồng, gấp 9 lần số vốn điều lệ. Vật Giá cũng nhận đầu tư từ nhiều quỹ từ năm 2008 đến 2012. Công ty này có khoản thặng dư 215 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng.
Phần lớn các giao dịch đầu tư tư nhân không được công bố chi tiết nhưng khoản thặng dư vốn cổ phần của doanh nghiệp nhận đầu tư phản ánh mức độ chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phần. Chênh lệch càng lớn, giá phát hành càng cao. Để có được thặng dư vậy chắc chắn Foody hay Vật Giá đã từng phát hành cổ phiếu có giá lên đến cả triệu đồng. Tất nhiên, mức giá tiền triệu này chỉ xuất hiện ở những công ty có vốn điều lệ nhỏ.
Trở lại với VNG, ngay trong năm 2015, công ty này đã phát hành một lượng nhỏ cổ phiếu có mệnh giá gần 3 tỷ đồng nhưng thu về gần 200 tỷ – tức giá phát hành lên đến 670.000 đồng/cp! Ở mức giá này, nếu nhà đầu tư mua cả công ty VNG, họ sẽ phải chi khoảng 800 triệu USD – gấp 50 lần lợi nhuận năm 2015 của công ty.
P.V (DNSG)