Sau 2 lần khởi nghiệp thất bại, Đỗ Thanh Tịnh vẫn tự tin dấn bước lần 3, nhưng chọn phương thức kinh doanh online và đang đạt mức doanh thu hơn 20 tỷ đồng một năm.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng văn hóa tại Đại học Văn hóa TP HCM năm 2003, chàng sinh viên xứ Quảng lăn lộn “học nghề” kinh doanh văn hóa phẩm tại một số công ty. Khi có được kinh nghiệm trong ngành cộng số vốn ít ỏi, Tịnh quyết ra làm riêng với việc bỏ mối sách tại các cửa hàng sách báo trước cổng trường, kiêm giao báo tận nhà.
Thấy công việc tiến triển tốt, năm 2005, Tịnh quyết định lập doanh nghiệp chuyên giao báo tại nhà, bán sách và truyện thiếu nhi. Do nhanh nhạy thị trường, cộng với bản tính chịu khó ông chủ trẻ đã nhanh chóng có tiếng trên thị trường sách thiếu nhi khi mới 25 tuổi, đặc biệt là tại thị trường miền Nam.
“Công việc thuận lợi, năm 2008 tôi lại liều lĩnh tham gia liên kết phát hành truyện tranh độc quyền. Và cái kết buồn là công ty chỉ phân phối được hơn một nữa, còn tồn kho hơn 18.000 cuốn sách phải bán ve chai. Tôi chính thức phá sản cùng số nợ gần 300 triệu đồng”, Tịnh kể lại.
Không nhụt chí, cuối năm 2009 Tịnh khởi nghiệp lại sau gần một năm “bán hàng ngoài đường” như nồi cơm, bình đun, bếp gas… Theo như Tịnh kể, cơ duyên đến với nghề này xuất phát khi đi bỏ truyện tranh. Thấy các trung tâm điện máy khuyến mại nhiều, anh mua thêm đèn sạc để tặng cho đại lý. Nhận thấy thị trường này còn có triển vọng, Tịnh tìm nguồn hàng, chào hàng cho một số siêu thị do những nơi này hay tặng hàng khuyến mại. Ban đầu là bỏ sỉ, sau thấy lãi tốt, Tịnh chuyển sang bán lẻ.
Thị trường điện máy lúc này đang khá màu mỡ, vậy là Tịnh quyết định bán đất gầy dựng lại doanh nghiệp với tên gọi Tứ Hưng chuyên kinh doanh điện tử, điện gia dụng. Gặp thị trường tốt cộng với khả năng marketing vốn có, cửa hàng đầu tiên mở ra ở ngã tư Gò Dưa – Thủ Đức đông bất ngờ. Với 16 nhân viên bán hàng liên tục, ngày cao điểm doanh số thu về 300-400 triệu đồng.
“Cứ ngỡ mình tài giỏi, biết nhân bản mọi thứ, tôi ồ ạt mở hàng loạt cửa hàng. Chỉ trong vòng 2 năm đã có 12 cửa hàng hoạt động cùng lúc với tên gọi Tứ Hưng Mini Mart, doanh số có tháng lên tới 3 tỷ đồng, đỉnh điểm doanh thu vào năm 2011 là gần 30 tỷ. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm quản lý, cộng với tuổi trẻ háo thắng, tôi từ chỗ kinh doanh ổn định dần chuyển sang mất thanh khoản vì ‘tạo ra tiêu sản chứ không phải tài sản’, rồi ‘cửa hàng sống nuôi cửa hàng chết’. Tôi chính thức phá sản lần thứ 2 với số tiền gần 3 tỉ đồng”, Tịnh ngậm ngùi kể.
Tưởng chừng thất bại lần này sẽ làm cho ông chủ trẻ kiệt quệ khi các đầu mối tới thu tài sản cấn nợ, đại lý thuê giang hồ đòi nợ…, nhưng Tịnh vẫn giữ số điện thoại để mọi người liên lạc với tâm niệm “dù có như thế nào vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc mình gây ra”, và cho rằng đó là triết lý kinh doanh mà doanh nghiệp nào cũng phải cần có.
Năm 2013, dù hết tiền, nợ nần chồng chất nhưng máu kinh doanh vẫn không thôi ngừng trong người Tịnh. Đúng lúc này, diễn biến thị trường trên các trang mạng xã hội bùng nổ, nhu cầu mua sắm online rất hiệu quả và tiện lợi, chàng trai 8x quyết không bỏ lỡ cơ hội. Gói ghém, vay mượn bạn bè ít tiền đi học các lớp về kinh doanh online, nghiên cứu sách về dạy làm giàu, đắc nhân tâm…, Tịnh bước vào khởi nghiệp lần thứ 3 với tâm thế khá thận trọng.
“Khởi nghiệp lại với số âm, tôi nhận ra chỉ có thể bắt đầu bằng con đường kinh doanh online thì may ra có thể đứng lên lại. Tôi thành lập công ty mới cũng tên gọi Tứ Hưng nhưng với mặt hàng nội thất, vì lúc này điện máy đã bão hòa, vả lại các đại gia cũng đã nhảy hết vào thị trường”.
Lý giải về việc lấn sân sang ngành nội thất, Tịnh cho hay khi còn bán hàng điện máy, một số nhà cung cấp nội thất đã gợi ý cho anh kinh doanh sản phẩm này. Nhưng bắt tay vào nghiên cứu, Tịnh thấy cái khó của ngành này là chi phí logictics cao, dễ ăn vào lợi nhuận. Sau khi tính toán, anh quyết định chọn mô hình kinh doanh online và tập trung vào phân khúc giá bình dân.
“Tôi lao vào nghiên cứu online, lập web tuhung.net, viết bài tư vấn trên web, chạy diễn đàn quảng cáo, quảng cáo từ khóa trên google… Chỉ trong 2 năm 2013, 2014 tôi lại vực dậy kinh doanh, đỉnh điểm là 2015 đạt doanh số hơn 10 tỷ đồng. Bước sang năm 2016 tăng trưởng lên tới 100%, cho doanh số hơn 20 tỷ”, Tịnh hào hứng kể.
Khi đi đúng hướng, đúng mạch Tịnh bắt đầu kết hợp kinh doanh online với offline. “Tôi định vị thương hiệu nội thất của mình giá rẻ, nhưng phải làm sao để khách nghĩ rẻ mà chất lượng, nên đã áp dụng 4 free (miễn phí): Giao hàng free, kiểm tra hàng tại chỗ free (nếu khách không thích thì không nhận), bảo hành 12 tháng tại nhà free (một số nơi chỉ bảo hành tại công ty), và free đổi trả trong 7 ngày nếu khách không thích sản phẩm đó nữa”, Tịnh chia sẻ và cho biết thêm rất chú trọng chăm sóc khách hàng bằng tổng đài với đầu số 1900. Sau khi khách mua hàng xong, nhân viên chăm sóc sẽ điện thoại hỏi thăm về chất lượng sản phẩm. Với phương thức kinh doanh này, tỉ lệ khách hàng mua lại đến 44% trong 6 tháng.
“Đã có đối tác đánh tiếng mua lại thương hiệu, nhưng tôi không bán vì có được thành công hôm nay tôi phải đánh đổi rất nhiều thứ”, Tịnh nói và cho hay kế hoạch trong giai đoạn 2017-2021 là xây hệ thống và phát triển thương hiệu, phát triển kênh đại lý ở các tỉnh thành khác. 5 năm kế tiếp là mở nhà máy sản xuất, khép kín quy trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng.
“Với mục tiêu doanh số 100 tỷ đồng mỗi năm từ 2018 trở đi đối với chúng tôi không còn là khó khăn nữa, mọi thứ đang đi đúng lộ trình”, Tịnh cho hay.
Chia sẻ về thất bại thứ nhất, theo Tịnh có hai giá trị cần lưu ý khi khởi nghiệp: “Cần xác định được ‘thị trường ngách’ và làm vua ở thị trường đó giống như tôi làm thị trường sách thiếu nhi vậy. Và điều thứ 2, mình đang làm tốt công việc tiếp thị và mua bán thì hãy chuyên tâm đừng cố lấn sân qua sản xuất khi không trường vốn, thiếu kinh nghiệm. Tôi đã ‘chết’ khi tham gia việc mà mình chẳng hề kinh nghiệm đó là sản xuất, và cho một sản phẩm mà mình chẳng hề thẩm định được giá trị”.
Riêng về thất bại lần hai, Tịnh cho biết rút ra được bài học đau đớn nữa là không có kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp như quản lý hàng tồn kho (nhân viên bán cả một cái tủ lạnh không nộp tiền mà mình không hề biết), quản lý nhân sự (gần như là theo nhân viên chứ nhân viên không theo bất cứ nội quy nào của công ty), rồi quản lý tài chính, có khi huy động vốn từ nhà cung cấp lên đến 5,3 tỷ đồng nhưng chẳng biết làm gì ngoài tiêu sản, khi đó nhà cung cấp cho nợ đến 60 ngày và hạn mức tín dụng lên đến cả 100 triệu đồng.
Mai Hoa | Theo Vnexpress